Theo các chuyên gia, số bệnh nhân mắc ung thư là người trẻ tuổi đang có xu hướng tăng lên. Ung thư ở người trẻ thường diễn biến nhanh và nguy cơ ác tính cao.
3 lý do khiến ung thư trẻ hóa
Bác sĩ Hà Hải Nam, Phó Trưởng khoa Ngoại bụng I (Bệnh viện K), cho hay trong quá trình thăm khám, bác sĩ đã gặp rất nhiều trường hợp trẻ tuổi mắc ung thư. Trong đó, có trường hợp mới hơn 30 tuổi đã mắc ung thư gan, hay như trường hợp bệnh nhân mới 20 tuổi đã mắc ung thư vú… Đây là các căn bệnh ung thư mà trước kia chỉ gặp ở nhóm đối tượng từ trung niên trở đi.
“Trước đây, khi nói tới ung thư người ta thường nói tới độ tuổi trung niên trở lên. Tuy nhiên, hiện nay, các loại bệnh ung thư nói chung đều đang trẻ hoá. Có những bệnh nhân chỉ hơn 20 tuổi đã mắc ung thư. Ung thư mắc ở người trẻ thì nguy cơ ác tính thường rất cao”, bác sĩ Nam cho biết.
Lý giải về việc ung thư đang đến sớm hơn ở người trẻ, bác sĩ Nam cho rằng trình độ y khoa phát triển, cộng với mức độ người dân quan tâm tới sức khỏe nhiều hơn. Do đó, có rất nhiều trường hợp ung thư được phát hiện khi còn rất trẻ tuổi.
Ngoài ra, hiện nay các tác nhân (vật lý, hóa học, sinh học…) gây ung thư cũng tăng lên như tia cực tím, phẩm nhuộm, các loại virus, vi khuẩn… Hiện nay, người trẻ đã tiếp xúc với yếu tố nguy cơ và tích lũy các yếu tố này sớm hơn. Ví dụ, các bạn trẻ uống rượu bia sớm, ăn những đồ ăn nhanh nhiều dầu mỡ… Do đó, quá trình tích lũy, biến đổi xảy ra sớm hơn so với trước đây. Điều này sẽ thúc đẩy tế bào bất thường (ung thư) phát triển sớm hơn so với tuổi.
“Trước đây, người Việt chỉ ăn ngô, khoai, sắn. Bữa ăn chỉ có cơm, rau, cá hoặc thịt. Đây là bữa ăn tôi đánh giá rất cân bằng và khoa học, ít nguy cơ bệnh tật. Nhưng hiện nay, chúng ta đang ăn uống thiếu cân nhắc, ăn đồ chiên, rán, đồ nướng; ăn nhiều thịt, ít ăn rau”, bác sĩ Nam nói.
Một nguyên nhân khác được bác sĩ Nam đề cập tới khiến cho ung thư tới gần hơn với người trẻ là thói quen sống tĩnh tại, ít vận động hơn.
Bác sĩ Nam nhận định: “Người trẻ đang tập trung vào điện thoại, ti vi và bỏ qua các mối quan tâm khác. Không ít người trẻ hiện nay thức khuya. Việc đi ngủ quá muộn sẽ ảnh hưởng tới cơ thể, thay đổi nội môi trong cơ thể (nội tiết). Điều này khiến cho các phản ứng sinh hóa trong cơ thể không diễn ra đúng theo nhịp sinh học, dẫn tới biến đổi tế bào và sinh ra các tế bào lạ”.
Thay đổi lối sống, cách ăn uống để phòng ngừa ung thư
Để căn bệnh ung thư không “gõ cửa” sớm, chuyên gia khuyên mọi người cần giảm thiểu tất cả các yếu tố nguy cơ. Các bạn trẻ trong gia đình có người mắc ung thư thì cần phải cẩn trọng tầm soát, bởi đây là nhóm đối tượng có nguy cơ mắc ung thư cao hơn so với người khác.
Ví dụ, gia đình có bố và anh trai của bố mắc ung thư đại tràng thì nên đi kiểm tra, tầm soát ung thư đại tràng. Hay gia đình có mẹ, dì hoặc chị gái mắc ung thư vú thì cần phải tầm soát ung thư vú…
Ngoài ra, mọi người nên duy trì khám sức khỏe định kỳ ít nhất 6 tháng/lần. Mọi người nên để ý mốc thời điểm tầm soát ung thư là sau tuổi 30. Ở nhóm người trẻ có yếu tố gia đình cộng thêm lối sống tĩnh tại sẽ tăng nguy cơ mắc ung thư.
Theo bác sĩ Nam, phòng ngừa ung thư không khó và đã được các chuyên gia nói rất nhiều. Điều đầu tiên là các bạn trẻ cần có lối sống lành mạnh, tăng cường vận động và dinh dưỡng cân bằng.
“Lối sống ảnh hưởng khá nhiều đến tần suất mắc ung thư. Ví dụ, nguy cơ ung thư đại tràng gia tăng thường là do lối sống tĩnh tại, đi vệ sinh lâu.
Nếu bạn làm văn phòng, phải ngồi 8 tiếng/ngày nhưng không có nghĩa là bạn cứ ngồi lì một chỗ trong 8 tiếng đó. Việc ngồi quá lâu sẽ làm cho nhu động ruột bị giảm, các chất độc ở lâu trong ruột già và kích thích nhiều vào niêm mạc ruột, gây ra các ổ loét và hình thành khối u”, bác sĩ Nam phân tích.
Về ăn uống, theo chuyên gia ung bướu, để phòng ung thư mọi người nên ăn và hạn chế các thực phẩm sau:
– Nên ăn nhiều trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt. Nên ăn sản phẩm càng tự nhiên càng tốt, ví dụ, ăn một quả táo sạch, chưa gọt vỏ tốt hơn là uống nước táo.
– Nên ăn nhiều thực phẩm có nhiều chất xơ như rau, ngũ cốc nguyên hạt.
– Nên ăn chất béo lành mạnh như chất béo không no (cá hồi, dầu oliu, các loại hạt, bơ,…) và omega; tránh các chất béo no như các sản phẩm chiên rán; hạn chế chất béo từ thịt đỏ.
– Hạn chế đường và tinh bột.
– Hạn chế thịt chế biến sẵn (thịt hộp, xúc xích) và thịt đỏ (bò, lợn).
– Hạn chế chiên, xào, nướng thức ăn ở nhiệt độ cao.
– Hạn chế rượu, bia.
– Không ăn thức ăn có dấu hiệu ôi, thiu, mốc.
– Đồ ăn cho vào lò vi sóng nên sử dụng giấy sáp (waxed paper), không nên dùng ni lông để bọc thức ăn.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết