Theo lộ trình, những thay đổi được Google Chrome thực hiện đối với các tiện ích mở rộng sẽ có hiệu lực từ tháng Sáu năm 2023.
Thế giới trình duyệt web sắp chia rẽ làm đôi về cách đối xử với các tiện ích mở rộng chặn quảng cáo khi Chrome và Firefox đang ở hai phía đối nghịch nhau.
Trung tâm của mâu thuẫn này nằm ở một tính năng có tên gọi Web Request, thường được sử dụng trong các tiện ích chặn quảng cáo và đặc biệt quan trọng nếu muốn chặn toàn bộ một tên miền nào đó. Mặc dù vậy, từ lâu tính năng này đã bị Google chỉ trích do các mối lo ngại về bảo mật và tìm cách cắt bỏ nó ra khỏi bộ tiêu chuẩn tiện ích mở rộng mới có tên Manifest V3, hay MV3.
Nhưng trong một bài đăng mới đây, Firefox đã lên tiếng khẳng định sẽ duy trì hỗ trợ tính năng này, mở rộng cánh cửa cho các tiện ích mở rộng chặn quảng cáo trên trình duyệt của mình.
Trước tiên, Manifest V3 là gì?
Các thay đổi trong Manifest V3 là một phần trong nỗ lực đại tu thông số kỹ thuật cho các tiện ích mở rộng của Chrome, bao gồm xác định các quyền, khả năng và tài nguyên hệ thống mà các tiện ích này sẽ sử dụng.
Trước đó, trong Manifest V2, các tiện ích trình duyệt có thể sử dụng API của tính năng Web Request nhằm giám sát lưu lượng truy cập giữa trình duyệt và trang web, để có thể chỉnh sửa hoặc chặn yêu cầu đến một số tên miền nhất định.
Web Request là một tính năng mạnh mẽ và linh hoạt khi vừa có thể sử dụng cho mục đích tốt cũng như xấu. Nó cho phép các tiện ích chặn quảng cáo chặn lưu lượng truy cập từ một số tên miền nhất định và trình duyệt của người dùng. Đặc biệt, chúng có thể chặn các tên miền tải quảng cáo và ngăn các trình duyệt gửi thông tin đến bất kỳ tên miền trong số hàng nghìn tên miền theo dõi và thu thập dữ liệu người dùng.
Nhưng Web Request cũng có thể lợi dụng để ăn trộm danh tính đăng nhập của người dùng hoặc chèn các quảng cáo bổ sung vào trang web – đây chính là điều Google muốn thay đổi về cách nó hoạt động trong Manifest V3.
Theo thông số kỹ thuật mới của MV3, khả năng chặn tên miền trong API của Web Request sẽ bị loại bỏ và thay thế bằng một API có tên gọi Declarative Net Request (Yêu cầu Khai báo Mạng). Thay vì giám sát mọi dữ liệu trong một truy vấn mạng, API mới sẽ buộc các nhà sản xuất tiện ích trình duyệt phải thiết lập trước các quy tắc về cách xử lý một số loại lưu lượng nhất định. Ngoài ra, những loại hành động mà các tiện ích được thực hiện khi kích hoạt cũng ít hơn.
Tác động đến cả thế giới trình duyệt
Google cho biết, các thay đổi này sẽ mang lại lợi ích cho quyền riêng tư, bảo mật và hiệu năng, nhưng nhiều nhà phê bình cho rằng, đây là một nỗ lực có tính toán để hạn chế tác động của tiện ích chặn quảng cáo lên Google – một công ty gần như sống hoàn toàn bằng doanh thu quảng cáo.
Jean-Paul Schmertz, CEO của tiện ích hướng đến quyền riêng tư Ghostery, cho biết, nhiều nhà sản xuất tiện ích chặn quảng cáo và bảo vệ quyền riêng tư cho rằng thay đổi này sẽ làm giảm hiệu quả sản phẩm của họ.
Tiện ích Ghostery là ví dụ chính cho thấy một sản phẩm có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng như thế nào do các thay đổi của Google. Không chỉ chặn quảng cáo, tiện ích này còn phân tích liên lạc giữa website và trình duyệt nhằm tìm kiếm dữ liệu nào có thể xác định danh tính của người dùng và thay thế nó bằng dữ liệu chung trước khi rời khỏi trình duyệt. Điều này cần đến khả năng chỉnh sửa lưu lượng web và gần như không thể thực hiện trong Manifest V3.
Nhưng điều đáng lo ngại hơn cả là tác động bao trùm của thay đổi đến thế giới trình duyệt. Không chỉ Chrome, MV3 là một phần của dự án Chromium, trình duyệt mã nguồn mở đang trở thành nền tảng cho hàng loạt trình duyệt khác, bao gồm các cái tên như Microsoft Edge, Brave, Opera, Vivaldi và nhiều hơn nữa. Cùng với Chrome, các trình duyệt nền Chromium này đang thống trị gần như tuyệt đối về thị phần trình duyệt trên máy tính toàn cầu.
Điều này nghĩa là khi MV3 được áp dụng, hầu hết tiện ích chặn quảng cáo sẽ không còn hoạt động như trước được nữa.
Mozilla Firefox, nơi trú ẩn cuối cùng cho các tiện ích chặn quảng cáo
Trong thế giới trình duyệt, Firefox và Safari là hai cái tên đáng kể cuối cùng không dựa trên nền Chromium – điều này giúp họ ở vào vị thế có thể trở nên khác biệt trong mắt người dùng khi chọn cách tiếp cận dễ chịu hơn với các tiện ích chặn quảng cáo.
Vì những lý do tương thích, Mozilla sẽ tiếp tục sử dụng phần lớn thông số Manifest V3 trên Firefox, vì vậy các tiện ích mới vẫn có thể được port từ Chrome sang với rất ít thay đổi. Nhưng quan trọng hơn cả, Firefox sẽ tiếp tục hỗ trợ khả năng chặn quảng cáo thông qua Web Request, cho phép các tiện ích chặn quảng cáo hoạt động như bình thường.
Trả lời phỏng vấn của The Verge, Marshall Erwin, giám đốc bảo mật của Mozilla, không đồng tình với tuyên bố của Google về những thay đổi trong MV3. Ông cho rằng các lợi ích bảo mật tức thì từ việc chặn Web Request là “không rõ ràng” – đặc biệt là khi các tính năng không chặn quảng cáo khác của Web Request lại được giữ lại – nó rõ ràng không làm giảm khả năng rò rỉ dữ liệu.
Bất chấp những lời chỉ trích, dường như Google đang vững bước trên hành trình của mình. Trả lời phỏng vấn của The Verge, đại diện Google, Scott Westover cho biết, công ty hỗ trợ việc chặn quảng cáo và các thay đổi trên MV3 chỉ nhằm mục đích giới hạn loại dữ liệu mà một số tiện ích mở rộng có thể thu thập.
Cũng có thể, thái độ của Firefox đối với tiện ích chặn quảng cáo sẽ khuyến khích thêm người dùng chuyển sang trình duyệt này – hiện chỉ chiếm khoảng 8% thị phần trình duyệt web trên máy tính – so với 67% của trình duyệt Chrome.
Khi việc hỗ trợ Manifest V2 sẽ kết thúc vào tháng Sáu năm 2023, các thay đổi sẽ trở nên rõ ràng hơn với người dùng những trình duyệt trên nền Chromium. Lúc đó, có lẽ Mozilla Firefox sẽ trở thành lựa chọn phù hợp với người dùng ưa thích các tiện ích chặn quảng cáo và quyền riêng tư.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết