Việc sử dụng thẻ tín dụng đã quá phổ biến với các chị em hiện nay nhưng nhiều người vẫn còn khá mơ hồ. Khi chưa biết cách sử dụng đúng mục đích, bạn có thể gây ra những ảnh hưởng xấu tới tình hình tài chính cá nhân.
1. Không dùng thẻ tín dụng này để trả nợ thẻ tín dụng khác
Trên thực tế, nhiều người đang sử dụng thẻ tín dụng của ngân hàng này để thanh toán nợ thẻ tín dụng của ngân hàng khác.
Tuy nhiên, cách làm này lại mang tới nhiều rủi ro tài chính khi trước tiên, bạn sẽ không được nhận những ưu đãi của thẻ như hoàn tiền, tích điểm, quy đổi dặm bay… bởi đây không phải là giao dịch mua sắm được tính trên thẻ.
Bên cạnh đó, khi dùng thẻ tín dụng để trả nợ, thực tế là bạn đang chuyển khoản và giao dịch này sẽ bao gồm chi phí. Tùy ngân hàng mà chi phí này thấp hay cao, thông thường bạn sẽ mất 1,5% số tiền chuyển khoản.
Tất cả những điều này đều mang tới bất lợi cho bạn.
2. Tuân thủ mức tiết kiệm và lập khoản dự phòng
Điều quan trọng để không rơi vào nợ nần là tự bản thân phải biết tiết kiệm một số tiền mỗi tháng. Và đương nhiên, số tiền này sẽ nằm trong tài khoản tiết kiệm để tránh việc rút tiền. Để tránh việc sử dụng vượt mức thẻ tín dụng, bạn nên có thêm một khoản dự phòng trong những tình huống khẩn cấp.
Ví dụ: Thu nhập của bạn là 15 triệu/tháng, sau khi thanh toán các nhu cầu thiết yếu, bạn quyết định bỏ 5 triệu trong tài khoản tiết kiệm và số còn lại thanh toán cho thẻ tín dụng. Nhưng đến cuối tháng, một việc bất ngờ xảy đến khiến bạn cần tiền để chi ví dụ như khám bệnh, đám tiệc, cần mua gấp hay sửa chữa đồ đạc…
Khi đó, không có tiền trong tài khoản, bạn buộc phải sử dụng thẻ để chi tiêu và dễ dàng rơi vào bẫy nợ nần. Vậy là bạn phải chịu phí trả nợ trễ, phí phạt, lãi suất phạt và hồ sơ tín dụng của bạn cũng sẽ bị điểm xấu.
Chính vì vậy, ngoài việc tuân thủ tiết kiệm để có một khoản tiền đầu tư cho bản thân, bạn cần chuẩn bị một khoản dự phòng mà có thể linh động sử dụng để chi trả cho những trường hợp khẩn cấp. Các chuyên gia khuyên rằng, số tiền này nên chiếm 10% thu nhập hàng tháng.
3. Cân nhắc khi dùng khoản vay rẻ để trả nợ thẻ tín dụng
Cách dễ dàng nhất để xử lý số dư thẻ tín dụng là giải quyết những khoản nợ của bạn. Có thể thực hiện điều này bằng cách sử dụng một khoản vay tín chấp, có lãi suất thấp hơn để trả nợ thẻ tín dụng.
Một thẻ tín dụng có lãi suất khoảng 26%/năm trong khi khoản vay tín chấp chỉ có lãi suất từ 6-9%/năm. Như vậy, bạn có thể thanh toán món nợ thẻ tín dụng và không bị căng thẳng với con số lãi suất quá cao.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất cần lưu ý là việc chi tiêu để không phải “đảo nợ” như thế. Tất cả những hoạt động mượn tiền, trả nợ, thanh toán đều được ghi lại và điều này sẽ khiến điểm tín dụng của bạn ảnh hưởng đáng kể.
4. Đừng “đổ nợ” mới tìm sự giúp đỡ
Khi các khoản nợ thẻ tín dụng dần tăng cao và ám ảnh bạn, sự lo lắng khiến bạn không yên thì đó là lúc cần tìm kiếm sự giúp đỡ. Bạn có thể tìm đến những tổ chức tài chính hoặc mượn gia đình, bạn bè để tháo gỡ mối lo ngại này.
Dù việc đăng ký một khoản vay để trả nợ có thể ảnh hưởng nhất định đến lịch sử tín dụng nhưng việc trì hoãn trả nợ để lãi suất tăng lên sẽ khiến bạn mệt mỏi thêm. Đến lúc, bạn không còn khả năng chi trả và ngân hàng liệt bạn vào nhóm nợ xấu, điều đó sẽ còn tồi tệ hơn.
Điều đó cũng đồng nghĩa với việc bạn khó có thể vay từ các ngân hàng và đăng ký một sản phẩm tài chính nào khác. Chính vì vậy, càng sớm nói ra khó khăn của mình thì thời hạn giải quyết nó càng nhanh.
5. Ngưng sử dụng thẻ tín dụng sau khi trả hết nợ
Hãy chống lại cám dỗ với mức hạn mức cao mà ngân hàng cấp cho bạn. Hạn mức này khiến bạn nghĩ mình sở hữu trong tay số tiền lớn và cứ thế mà chi tiêu. Điều này sẽ chỉ dẫn bạn quay lại vòng lặp của nợ nần.
Thế nên, nếu xác định mình không thể kiểm soát chi tiêu bằng thẻ tín dụng, bạn có thể cân nhắc việc tất toán để tránh việc đổ nợ một lần nữa.
6. Trả hết nợ thẻ tín dụng với kỷ luật và một kế hoạch rõ ràng
Đôi khi, việc đơn giản cần làm là để thẻ ở nhà cho đến khi khoản nợ của bạn được trả hết. Ví dụ như, bạn cần rút tiền mặt mới có thể mua được món đồ sẽ vừa mất thời gian lại vừa không an toàn, điều này khiến bạn phải dành thời gian để cân nhắc việc sở hữu nó.
Nếu bất cứ thứ gì cũng dễ dàng chi tiêu bằng thẻ tín dụng thì nhu cầu sử dụng thẻ tín dụng sẽ cao hơn. Như vậy, cần lập kế hoạch rõ ràng bằng cách tính nợ thẻ tín dụng của mình, chia nhỏ thu nhập ra để kiểm soát và tập trung làm việc để giải quyết mọi khoản nợ.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết