Loại cây này tưởng chừng chỉ là cây dại ven đường nhưng thực ra lại có tác dụng làm thuốc chữa bệnh, theo chuyên gia.
Theo lương y Nguyễn Đình Cự, Hội Đông y tỉnh Thái Bình, cỏ lưỡi rắn trắng (bạch hoa xà thiệt thảo) thường được nhiều người biết đến là loại cỏ dại mọc ven đường, ở những nơi ẩm ướt, đặc biệt là những nơi như ven đường xe lửa.
Đây là một loại cây cỏ nhỏ, chỉ cao chừng 0,3m, hình dáng của thân hơi vuông, mềm yếu, nhẵn, có màu xanh và trên thân mọc nhiều cành nhỏ. Lá của cỏ lưỡi rắn có hình mác hẹp dài hoặc hơi rộng, kích thước của phiến lá khoảng 1 – 5cm, rộng 1 – 5mm. Tuy nhiên, có những lá rộng tới 1cm, hai đầu lá nhọn. Đa số chúng không có cuống, mép nguyên và chỉ có gân ở giữa lá là có thể nhìn thấy rõ.
Hoa của loại cây này nhỏ, có màu trắng hoặc hồng nhạt, đài hoa có kích thước khoảng 2mm, còn tràng hoa dài khoảng 2,5mm. Chúng mọc thành cụm, trong mỗi cụm có khoảng 2 – 5 bông hoa.
Quả của cây cỏ lưỡi rắn hình bán cầu, đỉnh hơi phồng, dài chừng 1,8mm. Bầu quả được chia thành 2 ngăn và trong quả có nhiều hạt. Những quả của loại dược liệu này có màu nâu, bề mặt có những gợn mịn, nhỏ.
“Cỏ lưỡi rắn hoa trắng là một trong những loại thảo dược quý, có tính hàn, vị ngọt, vào kinh vị, tâm, can, tiểu tràng, đại tràng. Nó có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tán ứ, lợi thấp, chống u…“, lương y Nguyễn Đình Cự cho biết.
Công dụng của cỏ lưỡi rắn
Theo lương y Nguyễn Đình Cự, cỏ lưỡi rắn trắng có một số công dụng sau:
Điều trị các khối u, ung nhọt, lở ngứa
Dùng 40g bạch hoa xà thiệt thảo (phơi khô), 50g cây xạ đen, 20g bách liên hoa (phơi khô) sắc với 1,5 lít nước, dùng uống trong ngày.
Điều trị bệnh vàng da
Sử dụng bạch hoa xà thiệt thảo 30g, cam thảo 15g, hạ thảo phơi khô 25g sắc với một lượng nước vừa đủ dùng uống trong ngày.
Chữa u phổi
Dùng cỏ lưỡi rắn 40g, bạch mao căn (rễ cỏ tranh khô) 40g, xạ đen 20g sắc với 1.5 lít nước, dùng uống với đường trong ngày.
Chữa rắn độc cắn sưng đau
Khi bị rắn cắn lập tức buộc garô để tránh nọc rắn lan ra hệ tuần hoàn. Sau đó dùng sợi tóc kéo căng ra, gạt qua gạt lại trên chỗ rắn để làm bật ống nọc ra khỏi cơ thể.
Sau đó dùng khoảng 100g lưỡi rắn, rửa sạch, nhai nuốt lấy phần nước, phần bã dùng đắp lên vết rắn cắn. Sau 5 – 7 phút có thể cởi bỏ garô. Sau 2 – 3 giờ uống nước sắc lưỡi rắn 1 lần.
Chữa trị sốt rét
Sử dụng lưỡi rắn, mã tiên thảo (cỏ roi ngựa), thường sơn, mỗi vị 6g sắc thành thuốc, dùng uống khi còn nóng.
Chữa viêm thận cấp
Cỏ lưỡi rắn, xa tiền thảo, mỗi vị 15g, chi tử 9g, tô diệp 6g, bạch mao căn 30g sắc thành thuốc, dùng uống.
Trị ho do viêm phổi hoặc nhiễm trùng phổi
Dùng cỏ lưỡi rắn tươi 40g, trần bì 8g sắc uống trong ngày.
Điều trị viêm amidan cấp tính
Cỏ lưỡi rắn, xa tiền thảo, mỗi vị 12g, sắc thành thuốc dùng uống.
Chống ung thư
Theo lương y Nguyễn Đình Cự, cỏ lưỡi rắn phân bố ở nhiều nơi, ví dụ như miền nam Trung Quốc, Đông Nam Á và Nam Á. Hiện tại Ấn Độ là quốc gia đang rất chú trọng nghiên cứu tác dụng chữa ung thư của cây thuốc này, đặc biệt là với các căn bệnh ung thư phổi, ung thư đại tràng và tử cung.
Ngoài ra, theo tài liệu từ nghiên cứu của Đại học Y Học Cổ Truyền Phúc Kiến (Trung Quốc), cây lưỡi rắn trắng còn có thể khống chế sự phát triển của ung thư đại tràng, ung thư gan thời kỳ đầu; giúp ức chế sự phát triển của các khối u lành tính và ác tính, các bệnh lý gan mật có liên quan đến virus viêm gan B.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết