Dù bạn đang làm việc ở đâu, công việc ổn định như thế nào. Hay bạn đang chưa có công việc ổn định, hoặc thậm chí đang trong trạng thái sẵn sàng nghỉ việc thì bài viết này là dành cho bạn và những người đang có ý định nghỉ việc. Nghỉ việc cũng cần có văn hóa mọi người nhé.
1. Hãy nói chuyện thẳng thắn trước khi quyết định nghỉ việc
Nếu không hài lòng với công việc, mâu thuẫn đồng nghiệp, mức lương không thỏa đáng thì nên gặp sếp nói thẳng và đề xuất giải pháp. Nếu không được thì đề xuất chia tay, nói rõ lý do và thời gian nghỉ, cam kết làm việc trách nhiệm đến tận thời điểm đó.
Đừng bằng mặt, không bằng lòng. Đừng ngồi đó mà làm việc riêng, cuối tháng nhận lương dù tâm để chỗ khác. Đừng nói xấu, đổ lỗi. Nếu không thể tập trung làm hết trách nhiệm theo đủ thời gian quy định thì cứ xin nghỉ sớm nghỉ ngơi, thay vì cố nhận lương những ngày cuối.
Nói thật sẽ tốt cho cả 2 bên vì các sếp đa phần đều kinh nghiệm nên không khó để nhìn ra vấn đề. Đừng nghĩ mình nghỉ công ty sẽ sập vì không có ai thay được mình. Chỉ là nghĩ cho mình cũng nên nghĩ cho người khác, sao cho việc nghỉ ít ảnh hưởng nhất đến công ty và đồng nghiệp.
2. Báo trước thời gian nghỉ và tận tâm đến ngày cuối cùng
Đừng sợ báo sớm thì sếp nghĩ mình không còn gắn bó mà cho bạn nghỉ luôn. Sếp làm vậy chỉ khi bạn không có chút giá trị nào với công việc, còn đa phần đều sẵn sàng trả lương cho các nhân sự tâm huyết trong thời gian tìm người thay thế.
Hãy tận tâm làm việc đến ngày nào bạn còn nhận lương, dù không còn được giao việc mới, nhưng hãy tập trung làm tốt công việc cũ, đó là bạn đang tự rèn luyện đức tính tốt cho chính mình và tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng mọi người. Tôi rất vui khi hôm nay vẫn còn nhận được tin nhắn công việc của A dù bạn đã không còn nhận lương từ giữa tháng 4.
Hãy chuẩn bị việc bàn giao thật cẩn thận, chu đáo, trách nhiệm đến ngày nghỉ. Bạn sẽ thấy mình nhẹ lòng khi ra đi và sự tử tế này sẽ mang cho bạn may mắn, tiếng tốt trong ngành.
Tôi từng xin sếp cho làm nốt tháng 10 để tổ chức trọn vẹn thành công 4 hội nghị khách hàng mới yên tâm nghỉ!
3. Cẩn trọng bàn giao các công việc bạn đang làm
Nếu đã quyết định nghỉ việc, đừng quên lên kế hoạch bàn giao để đảm bảo sau khi bạn nghỉ, mọi công việc sẽ tiếp tục triển khai suôn sẻ.
Đặc biệt là bạn cần học kỹ năng tổng hợp lại các tài liệu và báo cáo vào kho dữ liệu riêng để chuyển tới người được bàn giao. Tôi đã từng dành nhiều ngày để soạn lại các folder tài liệu hàng trăm GB cho hơn 5 năm làm việc, kèm file excel hướng dẫn chi tiết, dù chẳng có ai để nhận bàn giao.
Với những việc cần phải chuyển đầu mối làm việc, hãy báo trước với sếp và có lời giới thiệu với đối tác để họ nắm được tinh thần cũng như không bất ngờ khi thấy bạn rời nhóm công việc trên zalo. Đó là cách bạn giữ thương hiệu cho cá nhân và uy tín của công ty trong mắt đối tác.
Và đừng quên giải quyết mọi khúc mắc, tồn đọng trước đây rồi hãy bàn giao cho đồng nghiệp, đừng đá quả bóng để họ phải giải quyết những việc bạn làm dang dở.
4. Chính trực và luôn biết ơn những điều nhỏ bé
Dù trả bạn mức lương bao nhiêu thì khi tuyển bạn vào làm việc, công ty đều bỏ rất nhiều công sức đào tạo, giúp bạn tiến bộ, mang lại cho bạn nguồn thu nhập chính đáng, hãy biết ơn mọi điều nhỏ bé đó.
Đừng nghĩ khách hàng mới là người trả lương cho bạn, đừng coi mọi sự giúp đỡ là đương nhiên, đừng nói xấu, đừng quay lưng bội bạc. Hãy chính trực, quân tử, giữ gìn tình cảm tốt đẹp khi chia tay để tự tin quay trở về chốn cũ bất cứ lúc nào, dù là về chơi hay quay lại làm việc.
5. Đừng gửi 1 tin nhắn vội vàng trong nhóm rồi out ngay sau đó
Hãy gặp từng người quan trọng với bạn, để tạm biệt, gửi email cảm ơn, chào tạm biệt mọi người trong công ty vào ngày Last working day (ngày làm việc cuối) và cho mọi người cơ hội được reply gửi lời chúc cho bạn. Đây là văn hóa tôi học được khi làm hãng GSK và luôn duy trì nó trong suốt công ty tôi đã đi qua.
Giờ thời đại 5.0 làm cho các bạn trẻ cũng dần lệ thuộc vào mạng xã hội, không học được văn hóa này. Mà chỉ gửi vội 1 tin nhắn trong nhóm facebook, zalo rồi out ngay sau đó vài phút, chẳng để cho mọi người kịp đọc, chứ chưa nói đến việc chào tạm biệt.
6. Đừng từ chối buổi tiệc chia tay
Đừng bực bội, ấm ức đến mức không thèm tham dự buổi chia tay công ty tổ chức cho mình. Đó không phải là việc bắt buộc ghi trong luật lao động, hay vì sợ bạn mà công ty phải làm. Đó là sự ghi nhận công sức nhân sự nghỉ việc mà không phải công ty nào cũng làm được. Bạn nên trân trọng điều đó thay vì coi thường.
Hãy vui vẻ đúng mực, đừng tỏ ra hả hê, nghỉ việc như trả thù cá nhân. Trân trọng công ty và kết nối với đồng nghiệp cũ một cách chân thành.
Theo: Lê Phương Dung
LifeHub