Sau 3 ngày chiến sự nổ ra giữa Nga và Ukraine. Các nước Châu Âu đã đồng loạt thực hiện các lệnh trừng phạt về phía Nga và lên án cuộc tấn công lần này.
Đức hôm 26/2 đã đưa ra quyết định lịch sử: Đảo ngược chính sách lâu đời của mình về “không gửi vũ khí đến các khu vực xung đột”.
Từ kho dự trữ của mình, Chính phủ Đức sẽ gửi 1.000 vũ khí chống tăng và 500 hệ thống phòng không Stinger tới Ukraine. Chính phủ Đức cũng đã ủy quyền Hà Lan gửi cho Ukraine 400 bệ phóng tên lửa chống tăng và yêu cầu Estonia gửi 9 xe lựu pháo cũ, trang Politico (Bỉ) cho biết.
Người phát ngôn của Chính phủ Đức cho biết vũ khí sẽ được chuyển giao “càng sớm càng tốt”.
Cuộc tấn công của Nga vào Ukraine là một “bước ngoặt” quan trọng ảnh hưởng đến toàn bộ trật tự sau Thế chiến II trên toàn châu Âu, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết trong một tuyên bố.
Cho đến tận trước khi đưa ra quyết định trên, Đức vẫn “vướng mắc” trong chính cái thông lệ lâu đời của mình là không cho phép vũ khí sát thương mà nước này kiểm soát được chuyển vào khu vực xung đột.
Theo Politico, lập trường đó của Đức đã khiến một số quan chức châu Âu hoang mang, thậm chí còn hoang mang hơn sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh tấn công toàn diện Ukraine và tiến hành các cuộc tấn công tên lửa vào thủ đô Kiev.
Sự thay đổi của Đức diễn ra khi nhiều đồng minh phương Tây đang vận động gửi cho Ukraine nhiều súng, đạn dược và thậm chí cả hệ thống phòng không khi lực lượng Nga tấn công các thành phố lớn của Ukraine.
Sự đảo ngược này có thể đồng nghĩa với sự gia tăng nhanh chóng viện trợ quân sự của châu Âu dành cho Ukraine, vì phần lớn vũ khí và đạn dược của Lục địa này đều mang dấu ấn của ngành sản xuất của Đức, cho phép Berlin kiểm soát hợp pháp đối với việc chuyển giao vũ khí của các bên.
Tuy nhiên, lập trường thay đổi của Berlin không nhất thiết có nghĩa là tất cả các yêu cầu vận chuyển vũ khí sẽ được chấp thuận, vì mỗi trường hợp được quyết định riêng.
Trước diễn biến hôm 26/2, các quan chức cấp cao của Ukraine đã phàn nàn gay gắt trong nhiều tuần về việc Đức từ chối cho phép chuyển giao các chuyến hàng vũ khí để tăng cường khả năng phòng thủ của Ukraine.
Cụ thể, Estonia cho biết họ muốn gửi một số xe lựu pháo cũ cho Ukraine nhưng không nhận được sự chấp thuận từ Đức. Estonia đã mua số vũ khí này từ Phần Lan, nhưng vẫn cần sự đồng ý của Đức trong việc chuyển giao vì vốn lô xe pháo này là do Đức bán cho Phần Lan.
Theo Sky News (Anh), quyết định của Đức được đưa ra sau khi hơn 20 quốc gia, bao gồm cả Anh và Mỹ, đã đồng ý cung cấp thêm vũ khí, vật tư y tế và viện trợ quân sự khác cho Ukraine.
Sky News dẫn một nguồn tin quốc phòng cho biết, Vương quốc Anh đã đề nghị tiến hành “các hoạt động hậu cần” để hỗ trợ việc vận chuyển viện trợ cho Ukraine.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace đã tổ chức một hội nghị trực tuyến với các nhà tài trợ viện trợ quân sự vào tối 25/2. Khoảng 25 quốc gia, bao gồm Mỹ và Canada cùng một số nước ngoài NATO, đã tham gia hội nghị và tất cả đều nói rằng họ sẽ tiếp tục đóng góp viện trợ.
Ba Lan đã bắt đầu gửi đạn dược bằng đường bộ, trong khi Estonia và Latvia hôm 25/2 cho biết họ đang bắt đầu vận chuyển nhiên liệu, vũ khí chống giáp Javelin và vật tư y tế tới biên giới Ukraine để chuyển giao cho các lực lượng Ukraine. Trong một diễn biến khác, Cộng hòa Séc cho biết họ sẽ gửi súng và đạn dược, và Slovakia cho biết họ sẽ gửi đạn dược, dầu diesel và dầu hỏa.
Từ hôm 26/2, nhiều quốc gia hơn bắt đầu tham gia.
Hà Lan cho biết họ sẽ gửi 200 hệ thống phòng không Stinger tới Ukraine – đây thường là loại viện trợ quân sự được yêu cầu hàng đầu của các binh sĩ và quan chức Ukraine. Và Bỉ tuyên bố sẽ cung cấp cho Ukraine 2.000 súng máy và 3.800 tấn nhiên liệu.
Bên kia Đại Tây Dương, Mỹ hôm 26/2 cũng tăng cường hỗ trợ quân sự ngay lập tức cho Ukraine, ủy quyền lên tới 350 triệu USD để giúp tăng cường khả năng phòng thủ của Ukraine.
Lifehub tổng hợp