Trong giai đoạn trưởng thành, mỗi đứa trẻ sẽ nhiều cơ hội để phát triển nhưng khi không có bố mẹ ở bên, đường đời cũng có nguy cơ xuất hiện làn sóng dữ nhấn chìm tương lai nếu các con không biết cách thích ứng.
Theo thạc sĩ Lê Thị Loan – nguyên Phó khoa Giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục) thì trong quá trình nuôi dạy con, ngoài việc dạy con kiến thức trong sách vở bố mẹ cũng cần chú ý đến những trải nghiệm thường ngày trong cuộc sống của con vì đó là những kỹ năng để dần dần từng bước giúp trẻ vượt khó, đối diện với những vấn đề phức tạp sau này.
“Chính cuộc đời của bố mẹ sẽ là bài học sinh động nhất để trẻ nhìn thấy noi theo, vượt qua khó khăn, sống lành mạnh và tuân thủ luật pháp.
Không phải phụ huynh nào cũng có cuộc đời bằng phẳng, và cách để bố mẹ vượt qua những khó khăn, những sóng gió trong cuộc đời là một trong những bài học tốt nhất cho con cái.
Bố mẹ cũng chính là tấm gương cho con về việc sống lành mạnh, tự vượt lên khó khăn và đứng bằng đôi chân của mình. Ví như khi con còn nhỏ, đưa con đi đường, bố mẹ luôn chấp hành đúng luật giao thông, dừng đèn đỏ thì sau này con lớn lên, việc dừng đèn đỏ như phản xạ hiển nhiên của con về cái đúng. Đấy là một cách truyền tải gần gũi nhất giúp con có được sự chuẩn bị trong tương lai.
Nhiều phụ huynh sai lầm khi không dạy con lao động mà cái gì cũng làm hết cho con khiến con không biết giá trị thực sự của lao động. Tuổi nhỏ thì làm việc nhỏ, con có thể bỏ đồ vào máy giặt giúp mẹ hay đơn giản chỉ là cùng mẹ nấu bữa tối, hay dọn dẹp nhà cửa… đó cũng là trải nghiệm về lao động”, thạc sĩ Lê Thị Loan nói.
“Nếu phụ huynh hay sợ hãi, trẻ cũng có khuynh hướng sợ hãi giống như phụ huynh vì trẻ học rất nhiều từ phụ huynh. Do đó bố mẹ nên cố gắng làm gương cho chúng bằng cách tự mình khắc phục nỗi sợ hãi của bản thân. Cũng theo vị chuyên gia này thì trẻ cần học cách quản lý những lo lắng để chúng không trở thành sự sợ hãi, để có khả năng kiểm soát các tình huống khó khăn.
Bố mẹ không nên có phản ứng quá mức khi có điều gì lo lắng mà nên biết cách đối mặt và vượt qua chúng. Từ đó, trẻ sẽ hiểu được rằng sợ sệt là một điều rất bình thường trong cuộc sống mà chúng ta hoàn toàn có khả năng khắc phục và vượt qua được dù khó khăn đến mấy.
Bố mẹ nên dạy trẻ hiểu rằng sợ hãi không có gì là tội lỗi vì ai cũng sợ hãi một điều gì đó ít nhất một lần trong đời, quan trọng là năng lượng để vượt qua nó”, chuyên gia Lê Thị Loan phân tích.
Theo vị chuyên gia này, trẻ cũng cần được trang bị kỹ năng để nếu bị đe dọa dẫn đến sợ hãi thì con không được im lặng mà cần tìm sự giúp đỡ của những người xung quanh, thứ nhất là những người thân trong gia đình, sau đó có thể là cơ quan chức năng.
Ví như sau sự cố bị xâm hại, đa số trẻ có tâm lý sợ hãi, không dám nói và chịu đựng một mình thậm chí là để kẻ xấu tận dụng, đó là yếu điểm để trẻ tiếp tục bị đe dọa. Trong tình huống này con phải nói ra để tìm sự giúp đỡ từ những người xung quanh để giải quyết sợ hãi thay vì chịu đựng một mình.
Để trẻ có thể mở lòng, bố mẹ cần khuyến khích con tâm sự với phụ huynh về những lo sợ của chúng, đặc biệt là bàn luận về cách làm thế nào đối mặt với khó khăn của bản thân. Điều này không chỉ giúp phụ huynh nhận biết các vấn đề khó khăn của con, mà còn “vẽ đường cho hươu chạy đúng” để con không mắc phải những sai lầm đáng tiếc trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, bố mẹ cũng cần dạy con tỉnh táo vượt qua những cạm bẫy từ chính mình. Đó là tâm lý thỏa mãn quá đà, thiếu tinh thần vượt khó trước những khó khăn trước mắt và sống “tầm gửi”.
Con trẻ cần phải hiểu chỉ có lao động bằng đôi bàn tay của mình mới là bền vững chứ đừng có suy nghĩ sống dựa dẫm vào bất kỳ ai vì cuộc đời này bạn lấy của người ta thứ này thì phải trả cho người ta thứ khác… để con trẻ có thể tỉnh táo đối diện với những tình huống khác nhau trong cuộc sống.
Con cũng cần biết đến kỹ năng thiết lập và duy trì các mối quan hệ xã hội vì nó có khả năng giúp các con có được những mối quan hệ mới hay kịp thời phát hiện những nguy cơ để tránh cũng như quản lý tốt các mối quan hệ xã hội”, thạc sĩ Lê Thị Loan nói.
Lifehub tổng hợp