Theo Bộ Công an, hiện nay nhiều người vẫn mất cảnh giác, sập bẫy tội phạm công nghệ cao mặc dù đã được cảnh báo trước đó.
Công an TP HCM cho biết, các cơ quan chức năng thường xuyên tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, MXH, tin nhắn SMS,… để cảnh báo các phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Thế nhưng, nhiều người dân vẫn mất cảnh giác, sập bẫy tội phạm công nghệ cao mặc dù đã được cảnh báo.
Công an TP. HCM đề nghị mọi người nâng cao ý thức cảnh giác với loại tội phạm dưới đây. Nếu phát hiện hoạt động loại tội phạm như sau thì nhanh chóng trình báo cho lực lượng công an gần nhất để kịp thời hỗ trợ, xử lý theo quy định.
Giả danh cơ quan tư pháp yêu cầu bị hại chuyển tiền để chứng minh sự trong sạch
Các đối tượng lừa đảo gọi điện thoại cho bị hại tự xưng là nhân viên bưu điện và thông báo người bị hại nợ tiền cước điện thoại, tiền điện hoặc có thư mời/triệu tập của công an, tòa án,… Đối tượng dò hỏi thông tin cá nhân của bị hại như họ tên, ngày tháng năm sinh, số CMND/Căn cước công dân, nơi cư trú,… trong quá trình nói chuyện.
Tinh vi hơn, nhóm đối tượng này nói rằng sẽ kết nối máy với cơ quan công an khi bị hại thắc mắc hoặc nghi ngờ.
Sau khi trao đổi qua điện thoại, bị hại sẽ được nói chuyện với đối tượng khác tự xưng là cán bộ công an (thường sẽ gọi bằng Zalo có hình ảnh để cho bị hại thấy đang nói chuyện với người mặc quân phục cảnh sát – đây là hình ảnh được lấy trên mạng gán ghép vào để người bị hại tin là đang làm việc với công an thật).
Bị hại sẽ được thông báo đang liên quan trong đường dây rửa tiền, buôn bán ma túy xuyên quốc gia; hiện người bị hại đang có lệnh bắt giữ và gửi hình ảnh lệnh bắt tạm giam giả mạo cho bị hại.
Nhóm đối tượng sau đó sẽ nói với bị hại rằng điều tra sẽ không bị bắt tạm giam, trong quá trình làm việc tuyệt đối không được tiết lộ thông tin cho bất kỳ ai, trong đó có người thân trong gia đình. Đồng thời, nhóm đối tượng đưa ra những yêu cầu hợp tác điều tra như sau:
– Yêu cầu bị hại rút tiền trong tài khoản hiện có hoặc vay, mượn để chuyển đến số tài khoản do đối tượng chỉ định để phục vụ việc điều tra và cam kết sẽ hoàn trả lại sau khi điều tra xong. Khi bị hại chuyển tiền thì bọn chúng chiếm đoạt và cắt liên lạc.
– Yêu cầu bị hại đứng tên mở tài khoản ngân hàng nhưng đăng ký sử dụng Internet Banking với số điện thoại là do đối tượng tạo ra. Người bị hại được hướng dẫn chuyển tiền vào tài khoản này. Do thấy chuyển tiền vào tài khoản của chính mình nên bị hại tin tưởng và thực hiện việc chuyển tiền. Khi bị hại chuyển tiền thì bọn chúng lập tức chuyển tiền sang tài khoản khác và chiếm đoạt.
– Yêu cầu bị hại đứng tên mở tài khoản ngân hàng và đăng ký sử dụng Internet Banking với số điện thoại của bị hại. Sau đó, đề nghị người bị hại truy cập vào đường link, tải ứng dụng có logo “Bộ Công an” và đăng nhập thông tin tài khoản mới mở vào.
Sau khi bị hại truy cập theo hướng dẫn thì tất cả thông tin tài khoản của bị hại sẽ bị đánh cắp. Khi bị hại chuyển tiền thì nhóm đối tượng lừa đảo lập tức chuyển tiền sang tài khoản khác và chiếm đoạt.
Trong quá trình người bị hại đến ngân hàng để nộp tiền thì đối tượng luôn yêu cầu giữ kết nối để giám sát và hướng dẫn trả lời các câu hỏi của nhân viên ngân hàng liên quan đến việc rút và chuyển tiền.
Làm quen trên MXH, sau đó gửi quà tặng và đề nghị đóng các loại phí để nhận quà
Tội phạm thường là người nước ngoài, sử dụng MXH làm quen với những người Việt Nam có khả năng sử dụng tiếng Anh. Sau khi nói chuyện qua lại và phát sinh tình cảm, đối tượng nói sẽ đến Việt Nam để du lịch hoặc sinh sống. Bên cạnh đó, đối tượng sẽ gửi quà tặng hoặc một lượng lớn tiền về Việt Nam và nhờ bị hại nhận, cất giữ khi đối tượng đến Việt Nam. Trong trường hợp bị nghi ngờ, đối tượng sẽ gửi cho bị hại tên của đơn vị vận chuyển, đường link và mật khẩu để theo dõi lịch trình di chuyển của lô hàng.
Sau đó, đối tượng khác thường là người Việt Nam tự xưng là nhân viên hải quan, gọi điện thoại cho bị hại nói là lô hàng đã đến sân bay. Thế nhưng, do bên trong có điện thoại, máy tính, nữ trang, tiền,… nên phải đóng phí và yêu cầu bị hại chuyển tiền vào các tài khoản chỉ định để đóng phí.
Sau khi bị hại chuyển tiền đóng phí thì đối tượng lừa đảo sẽ thêm nhiều lý do để yêu cầu bị hại tiếp tục đóng thêm tiền. Đến khi bị hại nghi ngờ hoặc không còn tiền để đóng phí thì tất cả các đối tượng cắt đứt liên lạc.
Đề nghị nâng cấp sim điện thoại
Đối tượng lừa đảo giả danh nhân viên của các nhà mạng gọi điện thoại tư vấn cho bị hại và đề nghị nâng cấp sim điện thoại từ 3G lên 4G để sử dụng dịch vụ được tốt hơn. Khi bị hại đồng ý, bị hại được yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân và tự đăng nhập vào đường link được chỉ định. Sau đó, bị hại được yêu cầu nhắn tin hoặc tải các ứng dụng theo hướng dẫn.
Thời điểm này, đối tượng lừa đảo sẽ chiếm quyền sử dụng sim điện thoại này và nhắn tin đến các ngân hàng có đăng ký giao dịch Internet Banking để lấy mã OTP. Kết cục, đối tượng lừa đảo sẽ chuyển tiền của người bị hại đến những tài khoản khác để chiếm đoạt.
Lừa đảo qua sàn ngoại hối, tiền ảo
Đối tượng lừa đảo thường là người có trình độ về tin học, các loại tiền ảo hoặc là người có uy tín trong lĩnh vực tiền ảo, tạo website, sàn và đồng tiền ảo riêng.
Tội phạm sẽ tạo ra một hoặc nhiều website, các group trên MXH, tổ chức những sự kiện để dụ dỗ, lôi kéo nhiều người tham gia với mức lãi suất đầu tư siêu lợi nhuận. Các bị hại tham gia sẽ được hướng dẫn tạo tài khoản để đầu tư trên sàn ngoại hối, sàn chứng khoán, sàn tiền ảo kiếm lời.
Thời gian đầu, nhóm lừa đảo sẽ cho bị hại rút tiền lợi nhuận. Các bị hại thấy kiếm tiền lời nhanh chóng và dễ dàng, liên tục đầu tư với số tiền lớn hơn và giới thiệu thêm người tham gia. Khi đủ số lượng người chơi với số lượng tiền lớn, tội phạm sẽ không cho các bị hại rút tiền từ tài khoản ảo.
Không chỉ vậy, tội phạm còn yêu cầu các bị hại liên tục nạp tiền vào tài khoản để tiến hành nâng cấp website, sàn… Cuối cùng, đối tượng đóng băng tài khoản, đánh sập sàn, đưa giá tiền ảo nội bộ do chính mình tạo ra tụt dốc và chiếm đoạt toàn bộ số tiền mà các bị hại đã nạp vào.
Lifehub tổng hợp