Chỉ cần nghe tim, phổi hoặc căn cứ vào phim XQ ngực thẳng đã xác định được tình trạng bệnh. Không phải trẻ em nào cũng cần phải chụp cộng hưởng từ hay cắt lớp vi tính.
Thời gian gần đây, số trẻ em mắc Covid-19 trên cả nước đặc biệt ở Hà Nội tăng cao. Mặc dù triệu chứng của Covid-19 ở trẻ em nhẹ hơn so với người lớn, số chuyển nặng và nhập viện ít, nhưng một tỉ lệ nhất định trẻ sau khi mắc Covid-19 tồn tại kéo dài các triệu chứng như ho, đau đầu, mệt mỏi, rối loạn hành vi, mất vị giác, … thậm chí có những trẻ không biểu hiện bất thường nhưng đi khám thì phổi cũng có tổn thương.
Trao đổi với phóng viên, BSCKI. Nguyễn Thị Kim Dung, Phó trưởng Khoa Nhi tổng hợp, BV Xanh Pôn cho biết, hiện tại BV Xanh Pôn tiếp nhận số lượng lớn bệnh nhân là trẻ em được bố mẹ đưa đến khám sau khi mắc Covid- 19. Các bé đến viện khi có triệu chứng nhưng cũng có trường hợp bố mẹ chủ động đưa con đi kiểm tra sức khoẻ.Điều này khiến không ít các bậc phụ huynh lo lắng băn khoăn cần phải lưu ý những gì khi con đã khỏi Covid-19.
Đáng lưu ý, trong số này bệnh viện đã tiếp nhận nhiều bệnh nhi mắc hội chứng MIS-C (viêm đa hệ thống) sau khi mắc Covid-19. Hiện tại trong khoa cấp cứu Nhi, BV Xanh Pôn cũng đã tiếp nhận, điều trị 5 bệnh nhi mắc hội chứng MIS-C. Ngay tại đơn vị điều trị Covid-19 nhi của BV Xanh Pôn, cũng đã tiếp nhận, điều trị 3 bệnh nhân có hội chứng viêm đa hệ thống.
Các bệnh xảy ra ở giai đoạn hậu Covid-19 với trẻ em đặc biệt hội chứng MIS-C thường xảy ra từ tuần thứ 2- 6 sau khi bị nhiễm Covid-19. Đây là thời điểm bố mẹ hết sức chú ý. Theo đó, BS Kim Dung khuyến cáo các bậc phụ huynh cần theo dõi con sau thời gian từ 2- 6 tuần khi con đã test còn 1 vạch.
BS Kim Dung nhấn mạnh, sau khi trẻ mắc Covid-19 khỏi bệnh vấn đề được đặt ra là phụ huynh cần phát hiện ra các triệu chứng gặp phải để đưa đến bệnh viện kịp thời. Đây là điều mà các bố mẹ phải lưu tâm để các bác sĩ có thể can thiệp, điều trị thành công cho các con.
Cụ thể, các dấu hiệu phụ huynh cần chú ý sau khi con mắc Covid-19 đã khỏi bệnh gồm: sốt, sốt cao trở lại không đáp ứng thuốc hạ sốt, trên người có ban, mắt đỏ, trẻ kêu đau bụng, ỉa lỏng…Đấy là những biểu hiện cần đưa bệnh nhi đến viện ngay.
“Thông thường, trẻ sốt cao thì chúng tôi cũng đã khuyên bố mẹ nên đưa con đến bệnh viện để các bác sĩ khám, tiên lượng, chẩn đoán bệnh sớm”, BS Kim Dung nhấn mạnh.
Vậy câu hỏi đặt ra là, với trẻ không có biểu hiện gì có cần đến viện kiểm tra sau khi mắc Covid-19?
Trả lời câu hỏi này, BS Kim Dung cho biết, một trong những lời khuyên đối với các bậc phụ huynh có con mắc Covid-19 mà chúng tôi thường nói là sau khi khỏi bệnh dù có dấu hiệu hay không, nếu sắp xếp được thời gian vẫn nên đưa con đi khám tổng thể để được xác định tình trạng bệnh nếu có nhằm đưa ra những hướng dẫn, theo dõi nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ.
“Khi trẻ đến khám sẽ căn cứ vào các dấu hiệu cũng như các triệu chứng của trẻ thể hiện để có những chỉ định, xét nghiệm phù hợp. Chắc chắn không có một list cứng yêu cầu bệnh nhi đến phải làm các xét nghiệm A, B… Bởi đến viện có những trẻ khám theo bảo hiểm, có trẻ khám dịch vụ… tuỳ theo nhu cầu của bệnh nhân mà chúng tôi cho chỉ định khám, chụp chiếu và làm các xét nghiệm.
Có những gia đình đề nghị khám tổng thể cho con, bác sĩ sẽ tư vấn. Tuy nhiên có những bệnh nhân đến bác sĩ thấy cần phải làm xét nghiệm này mà không cần phải làm xét nghiệm khác.
Thực tế với trẻ em đến khám tại BVĐK Xanh Pôn chúng tôi sẽ khám lâm sàng, sau đó sẽ cho chỉ định xét nghiệm,chụp XQuang ngực thẳng phù hợp với từng bệnh nhân. Khi có kết quả chụp XQuang nếu có tổn thương hoặc nghi ngờ sẽ cho chỉ định để chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp công hưởng từ.
Phải nhấn mạnh rằng, không phải tất cả trẻ em nào cũng cần phải chụp cộng hưởng từ hay cắt lớp vi tính. Vì khi các con đến khám, chỉ cần nghe tim, phổi hoặc chỉ cần phim XQ ngực thẳng thôi thì cũng có thể đã xác định được bệnh nhi có những vấn đề gì. Như vậy không nhất thiết phải chụp cộng hưởng từ”, BS Kim Dung nhấn mạnh.
Ngoài việc thăm khám đánh giá tổng thể sức khoẻ của trẻ sau mắc Covid-19. BS Kim Dung cũng lưu ý chế độ dinh dưỡng nhằm phục hồi và nâng cao sức khoẻ của trẻ.
Theo đó, sau khi khỏi Covid-19, có trẻ ăn tốt nhưng có trẻ lại lười ăn, có bạn lại mệt mỏi, tuỳ theo tình trạng của con bố mẹ có hướng theo dõi, chăm sóc cho phù hợp.
“Tránh tình trạng ép, nhồi con ăn. Bởi có nhiều trường hợp phụ huynh có con nhiễm bệnh xong thì lo lắng, muốn con nhanh lại sức nên cố gắng nhồi nhét. Việc làm này phản tác dụng vì dẫn đến tâm lý sợ ăn của trẻ.
Do đó, tuỳ theo tình trạng của từng cá thể để mình có thể có xử lý kịp thời. Ví dụ với trẻ đang bú thì nên tận dụng nguồn sữa (sữa mẹ, sữa công thức) cho trẻ ăn. Đối với trẻ ăn dặm hay trẻ lớn, trong bữa ăn cố gắng cung cấp những món ăn trẻ thích nhưng tránh tình trạng ăn đạm quá nhiều hay tinh bột quá nhiều”, BS Kim Dung khuyến cáo.
Lifehub tổng hợp