Hôm nay (19/3), chiến sự Ukraine đã bước sang ngày thứ 24. Cùng nhìn lại những sự kiện chính đã diễn ra tính đến thời điểm hiện tại.
Giao tranh tại Lviv – Cập nhật số người thương vong
Ít nhất 3 tiếng nổ đã vang lên ở thành phố Lviv, miền tây Ukraine sáng nay. Thị trưởng Andriy Sadovyi cho biết, tên lửa của Nga đã tấn công khu vực gần sân bay.
Tình báo quân đội Anh và các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết, cuộc tấn công của Nga phần lớn đã bị đình trệ ở các mặt trận trong những ngày gần đây trong bối cảnh tổn thất nặng nề.
Trong khi đó, nhà chức trách ở thành phố cảng phía nam Mariupol bị bao vây nói rằng lực lượng Nga đang thả từ 50-100 quả bom vào thành phố này hàng ngày.
Đài truyền hình Suspilne của Ukraine cho biết các cuộc pháo kích của Nga đã gây ra hỏa hoạn tại chợ Barabashovo ở Kharkiv, một trong những chợ lớn nhất Đông Âu.
Các quan chức cho biết hơn 350.000 người đang trú ẩn tại Mariupol. Lực lượng cứu hộ đang rà soát đống đổ nát của một nhà hát bị đánh bom hôm thứ 4 tại thành phố này để tìm người sống sót. Nga phủ nhận việc tấn công này. Trong khi đó Italy cho biết sẽ xây dựng lại nhà hát.
Thống đốc khu vực Chernihiv phía bắc cho biết 53 thường dân thiệt mạng trong 24 giờ qua. Tuy nhiên, Nga phủ nhận việc nhắm mục tiêu vào dân thường.
Liên hợp quốc cho biết đã ghi nhận 780 trường hợp dân thường thiệt mạng kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu và 3,2 triệu người đã phải chạy trốn khỏi cuộc chiến. Tổ chức Y tế Thế giới cho biết họ đã xác minh 43 vụ tấn công vào các cơ sở y tế ở Ukraine khiến 12 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương, bao gồm cả nhân viên y tế.
Ukraine hé lộ về thời điểm Tổng thống Putin và Tổng thống Zelensky có thể gặp nhau
Theo cố vấn của Tổng thống Zelensky – ông Mikhail Podolyak cho biết, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có thể gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin “trong những tuần tới”.
Tuy nhiên, cuộc gặp này chỉ có thể diễn ra khi “thỏa thuận hòa bình” giữa Kiev và Moscow được ký kết. Việc hoàn tất thỏa thuận hòa bình có thể mất thời gian, từ một vài ngày cho tới 1 tuần rưỡi, quan chức này nhận định. Ông Podolyak cũng thừa nhận, hiện tại, cả Nga và Ukraine đều “kiên quyết bảo vệ quan điểm của mình”.
Hạ viện Mỹ ủng hộ thu hồi quy chế thương mại tối huệ quốc đối với Nga và Belarus
Hạ viện Mỹ ngày 18/03 đã bỏ phiếu thông qua dự luật thu hồi quy chế thương mại tối huệ quốc đối với Nga và Belarus liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Với 424 phiếu thuận và 8 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật thu hồi quy chế thương mại tối huệ quốc hay còn gọi là quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn đối với Nga và Belarus. Cả 8 phiếu chống đều của các Hạ nghị sỹ Cộng hòa. Dự luật này sẽ phải được thông qua tại Thượng viện trước khi được Tổng thống Biden ký thành luật.
Mỹ chi 180 triệu USD viện trợ cho các nước NATO ở Baltic, NATO cam kết hỗ trợ Ukraine
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký dự luật ngân sách chính phủ trị giá 1.500 triệu USD bao gồm 180 triệu USD hỗ trợ an ninh cho 3 quốc gia thành viên NATO ở khu vực Baltic.
Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết ông hiểu “sự thất vọng và tuyệt vọng” của Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky, đồng thời cam kết sẽ tiếp tục vận chuyển vũ khí cho Ukraine. Ngoài ra, theo ông Stoltenberg, hiện có khoảng 100.000 lính Mỹ ở châu Âu khi NATO tăng cường hiện diện ở sườn đông giữa bối cảnh chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine vẫn tiếp diễn. Số lượng quân nhân Mỹ ở châu Âu đã tăng thêm hàng nghìn người trong những tuần qua và vẫn đặt trong tình trạng “cảnh báo cao”.
Tổng thống Putin nêu các điều kiện để chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine
Trong cuộc trao đổi với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 17/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã vạch ra những điều kiện cần thiết để chấm dứt chiến dịch quân sự ở Ukraine. Trả lời phỏng vấn BBC sau cuộc trao đổi kéo dài nửa tiếng giữa hai nhà lãnh đạo, người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Ibrahim Kalin, người đã lắng nghe cuộc điện đàm trên cho biết, các yêu cầu của phía Nga chia thành 2 loại.
Điểm chính trong số những yêu cầu đầu tiên là Ukraine chấp nhận tình trạng trung lập và không gia nhập NATO. Khó khăn trong quá trình đàm phán giữa Nga và Ukraine hiện nay, theo người phát ngôn Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, nằm ở loại yêu cầu thứ hai. Ông Kalin không nêu cụ thể các vấn đề trong loại yêu cầu này mà chỉ đơn giản nói rằng chúng liên quan đến tình trạng của Donbass và việc Nga yêu cầu Ukraine chính thức công nhận Crimea là một phần thuộc Nga.
Mỹ lo ngại Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân nếu tình hình Ukraine không tiến triển
Theo Fox News, giới chức tình báo Mỹ bày tỏ lo ngại rằng ngày càng có dấu hiệu về khả năng Tổng thống Nga Putin sẽ tung ra đòn đánh hạt nhân nếu Ukraine tiếp tục cản bước đáng kể quân đội Nga trên chiến trường. Các quan chức Mỹ tin rằng ông Putin có ý định “lật ngược trật tự thế giới hậu Chiến tranh Lạnh dựa trên các quy tắc do Mỹ dẫn dắt” và khôi phục lại các lãnh thổ của Liên Xô năm xưa.
Ngoại trưởng Nga giải thích mục tiêu phi quân sự hóa Ukraine
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, mục tiêu phi quân sự hóa Ukraine là để đạt được những đảm bảo an ninh dựa trên nguyên tắc chung không thể chia cắt Nga, Ukraine và tất cả các nước châu Âu.
Nga tố Ukraine cố kéo dài đàm phán bằng các đề xuất ngày càng thiếu thực tế
Hôm 18/3, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Nga Putin đã điện đàm với nhau về đàm phán Nga-Ukraine. Trong cuộc đàm thoại gần 1 tiếng đồng hồ này, ông Putin cho rằng phía Ukraine cố tình kéo dài các cuộc thương lượng bằng việc đưa ra các đề xuất ngày càng thiếu thực tế.
Mỹ và đồng minh thiết lập đường dây liên lạc với Nga để ngăn chiến tranh Nga – NATO
Mỹ và các đồng minh đã thiết lập đường dây liên lạc trực tiếp với Nga để tránh xung đột (giữa Nga và NATO) có thể xảy ra do những sự hiểu lầm ở biên giới Ukraine. Bloomberg cũng dẫn lời các đại diện NATO cho biết lực lượng vũ trang Nga không có hành động khiêu khích hay nỗ lực nào nhằm gây chiến với liên minh quân sự này. Tuy nhiên, các nước NATO muốn loại trừ bất kỳ sự cố nguy hiểm tiềm tàng nào, và cùng với đó, họ sẽ triển khai hệ thống phòng không Patriot cũng như tăng cường các hoạt động tuần tra.
Các biện pháp trừng phạt mới
Nhật Bản và Australia đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với các thực thể của Nga.
Cơ quan Vũ trụ châu Âu cho biết, một sứ mệnh của Nga – châu Âu nhằm hạ cánh một xe tự hành trên sao Hỏa đã bị dừng lại vì các lệnh trừng phạt vì Nga tấn công Ukraine.
Kinh tế và thị trường
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế ước tính chiến tranh có thể làm giảm hơn một điểm phần trăm tăng trưởng toàn cầu trong năm nay.
Một số nguồn tin thị trường nói rằng một số chủ nợ đã nhận được khoản thanh toán cho các trái phiếu của Nga đã đến hạn trong tuần này. Điều này có nghĩa là Nga có thể đã ngăn chặn được tình trạng vỡ nợ.
Lifehub tổng hợp