Theo nhà phân tích Sumit Ganguly, có tới 3 điều khiến “gã khổng lồ” này không thể rời xa Moscow, ít nhất là trong tương lai gần.
Theo tờ Asia Times, trong suốt cuộc khủng hoảng đang diễn ra, chính phủ Ấn Độ đã rất cẩn trọng, tránh đưa ra một quan điểm rõ ràng. Họ đã từ chối tham gia cùng các nước phương Tây áp đặt các biện pháp kinh tế nhằm vào Moscow, khiến Mỹ phải lên tiếng cảnh báo về nguy cơ các lệnh trừng phạt bị phá vỡ.
Nhà phân tích Sumit Ganguly trên tờ Asia Times nhận định, lập trường của Ấn Độ xuất phát từ sự phụ thuộc vào Nga trong một loạt các vấn đề liên quan tới ngoại giao, quân sự và năng lượng.
Đối tác chiến lược
Theo ông Ganguly, lập trường của Ấn Độ không hoàn toàn mới. Trong một loạt các vấn đề toàn cầu, Ấn Độ từ lâu đã tránh áp đặt quan điểm khi giữ vị thế là một quốc gia không liên kết, hay nói cách khác là không chính thức liên minh với bất cứ khối cường quốc nào.
Từ quan điểm chiến lược ngày nay, giới cầm quyền ở New Delhi tin rằng họ không đủ khả năng để ‘xa lánh’ Nga, bởi họ tin vào việc Moscow sẽ phủ quyết bất cứ nghị quyết bất lợi nào của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc liên quan tới khu vực tranh chấp Kashmir.
Kể từ năm 1947, Ấn Độ và Pakistan đã nổ ra 3 cuộc giao tranh giành Kashmir, và khu vực này vẫn đang tiếp tục là một nguồn cơn gây căng thẳng.
Tương tự như thời Liên Xô, Ấn Độ đã dựa vào quyền phủ quyết của Nga tại Liên Hợp Quốc để bảo vệ mình khỏi bất cứ tuyên bố bất lợi nào đối với Kashmir. Ví dụ trong cuộc khủng hoảng Đông Pakistan năm 1971 (dẫn tới việc thành lập Bangladesh), Liên Xô đã bảo vệ Ấn Độ trước sự chỉ trích tại Liên Hợp Quốc, phủ quyết nghị quyết yêu cầu New Delhi rút quân khỏi khu vực tranh chấp.
Tổng cộng, Liên Xô và Nga đã 6 lần sử dụng quyền phủ quyết của mình để bảo vệ Ấn Độ. New Delhi đã không phải phụ thuộc vào quyền phủ quyết của Nga kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng Kashmir vẫn ở mức cao với những cuộc giao tranh lẻ tẻ giữa hai phía, New Delhi vẫn sẽ muốn đảm bảo rằng Moscow đứng về phía mình nếu tình cảnh tương tự xảy ra trước Hội đồng Bảo an một lần nữa.
Ấn Độ cũng hy vọng có được sự ủng hộ của Nga – hoặc ít nhất là sự trung lập- trong tranh chấp biên giới với Trung Quốc. Ấn Độ và Trung Quốc có chung đường biên giới dài gần 3.500km, đây là khu vực tranh chấp đã 80 năm, trong đó cuộc chiến năm 1962 đã không giải quyết được vấn đề giữa hai phía.
Trên hết, Ấn Độ không muốn Nga đứng về phía Trung Quốc nếu có thêm các cuộc đụng độ trên dãy Himalaya, đặc biệt là trong bối cảnh các cuộc tranh chấp biên giới một lần nữa đã trở thành vấn đề nổi cộm từ năm 2020, khi nổ ra những cuộc giao tranh giữa Quân đội Ấn Độ và Quân đội Trung Quốc.
Nhà cung cấp vũ khí
Ấn Độ cũng phụ thuộc sâu sắc vào Nga về nguồn cung vũ khí. 60-70% kho vũ khí phi hạt nhân của Ấn Độ có nguồn gốc từ Liên Xô hoặc Nga.
Trong thập kỷ qua, New Delhi đã tìm cách đa dạng hóa các hoạt động mua sắm vũ khí của mình. Để đạt được mục tiêu đó, họ đã mua sắm các trang thiết bị quân sự trị giá hơn 20 tỷ USD từ Mỹ trong hơn 1 thập kỷ qua. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa thấm vào đâu để Ấn Độ có thể rời xa Nga.
Vấn đề càng phức tạp hơn khi Nga và Ấn Độ phát triển mối quan hệ sản xuất quân sự chặt chẽ. Trong gần 2 thập kỷ qua, Nga và Ấn Độ đã hợp tác sản xuất tên lửa siêu thanh BrahMos có thể bắn từ tàu, máy bay, hoặc các bệ phóng trên đất liền. New Delhi gần đây đã nhận được đơn hàng xuất khẩu tên lửa BrahMos đầu tiên từ Philippines.
Bên cạnh đó, Nga – không giống với bất cứ quốc gia phương Tây nào, kể cả Mỹ – luôn sẵn sàng chia sẻ một số công nghệ vũ khí với Ấn Độ. Ví dụ Nga đã cho Ấn Độ thuê tàu ngầm hạt nhân lớp Akula, trong khi không có quốc gia nào sẵn sàng cung cấp cho Ấn Độ loại vũ khí tương đương, một phần do lo ngại công nghệ này sẽ được chia sẻ với Nga.
Trong mọi trường hợp, Nga đều có thể cung cấp cho Ấn Độ vũ khí công nghệ cao với giá thấp hơn đáng kể so với bất cứ nhà cung cấp phương Tây nào. Do đó, không ngạc nhiên khi bất chấp sự phản đối kịch liệt từ Mỹ, Ấn Độ vẫn chọn mua tổ hợp phòng thủ tên lửa S-400 của Nga.
Sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng
Không chỉ ngành công nghiệp quốc phòng, ngành năng lượng của Ấn Độ cũng gắn bó chặt chẽ với Nga, tiêu biểu là chương trình hạt nhân dân sự.
Mặc dù lĩnh vực này vẫn còn tương đối nhỏ khi xét tới tổng sản lượng năng lượng, nhưng nó vẫn đang phát triển và ở đó, Nga trở thành đối tác quan trọng của New Delhi. Sau khi thỏa thuận hạt nhân dân sự năm 2008 cho phép Ấn Độ gia nhập các hoạt động thương mại liên quan, Nga đã nhanh chóng ký thỏa thuận xây dựng 6 lò phản ứng hạt nhân tại Ấn Độ.
Mỹ và các quốc gia phương Tây đều không tỏ ra sẵn sàng đầu tư vào lĩnh vực hạt nhân dân sự của Ấn Độ do những hạn chế trong luật trách nhiệm hạt nhân. Tuy nhiên, kể từ khi chính phủ Nga tuyên bố sẽ chịu trách nhiệm cần thiết trong trường hợp xảy ra sự cố hạt nhân, họ đã có thể tham gia vào lĩnh vực điện hạt nhân ở Ấn Độ.
Ngoài năng lượng hạt nhân, Ấn Độ còn đầu tư vào các mỏ dầu và khí đốt của Nga. Ủy ban Dầu khí và khí đốt tự nhiên [nằm dưới sự quản lý của nhà nước Ấn Độ) từ lâu đã tham gia vào việc khai thác nhiên liệu hóa thạch ngoài khơi đảo Sakhalin, một hòn đảo của Nga ở Thái Bình Dương.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gần đây lưu ý rằng “mối quan hệ giữa Ấn Độ với Nga đã phát triển qua nhiều thập kỷ, vào thời điểm mà Mỹ không thể trở thành đối tác của Ấn Độ”. Giờ đây, “Washington đã sẵn sàng để trở thành đối tác của New Delhi”.
Tuy nhiên, nhà phân tích Ganguly nhận định, xét về mặt ngoại giao, quân sự và năng lượng, khó có thể thấy Ấn Độ sẽ thay đổi lập trường của họ đối với Nga trong thời gian ngắn tới.
Lifehub tổng hợp