Khả năng nào để Nga quay trở lại chế độ bản vị vàng lần đầu tiên sau hơn một thế kỷ, và như vậy sẽ trở thành người thay đổi cuộc chơi trong mô hình kinh tế toàn cầu?
Ngân hàng Trung ương Nga tuần trước vẫn liên tục mua vàng, nhưng quan trọng hơn, đang mua vàng với mức giá cố định là 5.000 rúp (59 USD)/1 gam trong suốt thời gian từ ngày 28.3 đến ngày 30.6, nâng cao khả năng Nga quay trở lại chế độ bản vị vàng lần đầu tiên sau hơn một thế kỷ.
Nếu Nga thực hiện bước tiếp theo là bán hàng hóa của mình được định giá bằng đồng rúp, những động thái kết hợp này có thể có ảnh hưởng rất lớn đối với đồng rúp, đồng USD và nền kinh tế toàn cầu.
Nhà phân tích kim loại quý Ronan Manly tại BullionStar Singapore trao đổi với RT về viễn cảnh này.
Vì sao việc ấn định giá vàng bằng đồng rúp lại có ý nghĩa quan trọng?
Bằng cách yêu cầu mua vàng từ các nhà băng Nga với mức giá ấn định là 5.000 rúp/gam, Ngân hàng Trung ương Nga đã liên kết cả đồng rúp với vàng và vì vàng được giao dịch bằng USD nên đã đặt mức giá sàn cho đồng rúp theo đồng USD.
Kể từ ngày 25.3, Ngân hàng Trung ương Nga đã đưa ra thông báo về giá cố định. Đồng rúp được giao dịch ở mức khoảng 100 rúp/USD vào giai đoạn này, nhưng kể từ đó đã mạnh lên và giao dịch ở mức gần 80 rúp/USD. Nguyên nhân là bởi vàng đã được giao dịch trên thị trường quốc tế ở mức khoảng 62 USD/gam, (5.000 rúp/62 USD), tương đương tỷ giá khoảng 80,5 rúp/USD.
Vì vậy, đồng rúp hiện có giá sàn so với USD, tính theo vàng. Nhưng có thể nói, vàng cũng có giá sàn bởi vì 5.000 rúp mỗi gam là 155.500 rúp mỗi ounce vàng và với mức 80 rúp/USD, giá vàng khoảng 1.940 USD. Nếu thị trường vàng LBMA (Hiệp hội thị trường vàng thỏi London) và COMEX (Trao đổi hàng hoá và kỳ hạn) cố gắng đẩy giá vàng tính theo USD xuống thấp hơn, họ cũng sẽ phải cố gắng làm suy yếu đồng rúp.
Bên cạnh đó, với mối liên kết mới của vàng với đồng rúp, nếu đồng rúp liên tục mạnh lên (ví dụ như do nhu cầu được tạo ra bởi việc thanh toán năng lượng bắt buộc bằng đồng rúp), điều này cũng làm giá vàng mạnh hơn.
Ảnh hưởng đến dầu và khí đốt
Nga là nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới và đất nước xuất khẩu dầu lớn thứ ba trên thế giới. Hiện tại, Tổng thống Putin đang đề nghị người mua nước ngoài “không thân thiện” phải trả tiền mua khí đốt tự nhiên bằng đồng rúp. Điều này ngay lập tức liên kết giá khí đốt với đồng rúp và giá vàng.
Điều tương tự có thể được thực hiện với dầu mỏ của Nga. Nếu Nga bắt đầu đề nghị thanh toán tiền dầu mỏ bằng đồng rúp, thì ngay lập tức sẽ có một chốt giá gián tiếp đối với vàng. Sau đó, Nga có thể bắt đầu chấp nhận vàng trực tiếp để thanh toán cho xuất khẩu dầu. Trên thực tế, điều này có thể được áp dụng cho bất kỳ mặt hàng nào, không chỉ dầu mỏ và khí đốt.
Ảnh hưởng với giá vàng
Bằng cách bắc cầu, tức là liên kết đồng rúp với vàng và sau đó liên kết thanh toán năng lượng với đồng rúp, Ngân hàng Trung ương Nga và Điện Kremlin đang thay đổi cơ bản toàn bộ các giả định hoạt động của hệ thống thương mại toàn cầu trong khi đẩy nhanh sự thay đổi trong hệ thống tiền tệ toàn cầu. Việc người mua tìm kiếm vàng vật chất để trả cho hàng hóa thực chắc chắn có thể làm nổ tung thị trường vàng của LBMA và COMEX.
Chốt cố định giữa đồng rúp và vàng đặt tỷ giá rúp/USD nhưng cũng là giá vàng/USD. Trong khi nhu cầu tăng đối với đồng rúp sẽ tiếp tục củng cố tỷ giá rúp/USD, nếu Nga bắt đầu chấp nhận thanh toán dầu bằng vàng thì đây sẽ là một sự thay đổi mô hình mới cho giá vàng vì nó sẽ liên kết trực tiếp giá dầu với giá vàng.
Ví dụ, Nga có thể bắt đầu bằng cách chấp nhận 1 gam vàng cho mỗi thùng dầu. Không nhất thiết phải là 1 gam nhưng sẽ phải là một ưu đãi chiết khấu so với giá dầu hiện tại. Sau đó, người mua sẽ tranh nhau mua vàng để thanh toán tiền dầu cho Nga, điều này sẽ tạo ra sự căng thẳng lớn trên thị trường vàng ở London và New York.
Ảnh hưởng với đồng rúp
Liên kết đồng rúp với vàng thông qua giá cố định của Ngân hàng Trung ương Nga giúp ổn định và củng cố đồng rúp. Kiến nghị thanh toán tiền khí đốt bằng đồng rúp (và có thể là dầu và các mặt hàng khác) sẽ một lần nữa đóng vai trò bình ổn và hỗ trợ.
Nếu hầu hết hệ thống thương mại quốc tế bắt đầu chấp nhận những đồng rúp này cho các thỏa thuận thanh toán hàng hóa, điều này có thể thúc đẩy đồng rúp của Nga trở thành một loại tiền tệ toàn cầu. Bên cạnh đó, bất kỳ động thái nào của Nga trong việc chấp nhận vàng để thanh toán dầu sẽ khiến vàng quốc tế đổ vào kho dự trữ của Nga nhiều hơn, yếu tố này cũng sẽ củng cố bảng cân đối kế toán của Ngân hàng Trung ương Nga và từ đó củng cố đồng rúp.
Việc thảo luận về một tiêu chuẩn vàng chính thức cho đồng rúp có thể còn quá sớm, nhưng đồng rúp được hỗ trợ bằng vàng là điều mà Ngân hàng Trung ương Nga đã cân nhắc.
Theo nhà phân tích Ronan Manly, động thái của Ngân hàng Trung ương Nga liên kết đồng rúp với vàng và liên kết các khoản thanh toán hàng hóa với đồng rúp là một sự thay đổi mô hình mà các phương tiện truyền thông phương Tây vẫn chưa thực sự nắm bắt được.
Khi quân domino sụp đổ, những sự kiện này có thể ảnh hưởng theo những cách khác nhau. Tăng nhu cầu đối với vàng. Giá vàng được định giá lại. Một sự thay đổi so với đồng USD. Tăng cường trao đổi thương mại hàng hóa song phương giữa các nước không thuộc phương Tây bằng các đơn vị tiền tệ khác với USD.
Lifehub tổng hợp