Sau những vụ tai nạn máy bay thảm khốc, nhiều người đặt ra câu hỏi: Trong trường hợp như vậy, hãng bay phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại tính mạng cho người nhà nạn nhân như thế nào?
Chiều ngày 21/3, chiếc máy bay chở khách số hiệu MU5735 của hãng hàng không China Eastern Airlines đã gặp tai nạn thảm khốc tại huyện Đằng, thành phố Ngô Châu, tỉnh Quảng Tây. Xuất phát bay từ Côn Minh, 123 hành khách và 9 phi hành đoàn đã không bao giờ đến được đích dự kiến là thành phố Quảng Châu.
Đây vốn không phải lần đầu 1 vụ tai nạn máy bay thảm khốc xảy ra. Hàng không được coi là phương thức di chuyển có mức độ an toàn cao nhất, nhưng khi xảy ra sự cố thì hậu quả luôn rất bi thương. Đằng sau những thiệt hại không gì thay thế về con người, gia đình các hành khách xấu số sẽ nhận được tiền đền bù như thế nào? Hãng hàng không phải chịu trách nhiệm bao nhiêu?
Năm 2019, báo Tuổi trẻ đưa tin về dự thảo nghị định đang được Bộ Giao thông vận tải lấy ý kiến góp ý, mức bồi thường thiệt hại của hãng hàng không trong quá trình vận chuyển được tính theo đơn vị tính toán SDR của Quỹ Tiền tệ quốc tế (MIF).
Lý do là SDR được Công ước Montreal 1999 về thống nhất một số quy tắc về vận chuyển quốc tế bằng đường hàng không lấy làm đơn vị bồi thường của người vận chuyển trong vận chuyển bằng đường hàng không với thiệt hại gây ra cho hành khách, hành lý, hàng hoá, bao gồm cả nguyên nhân do vận chuyển chậm.
Theo đó, dự thảo nghị định đưa ra mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của hãng hàng không về tính mạng, sức khỏe của hành khách là 128.821 SDR cho mỗi hành khách. Nếu quy đổi tại thời điểm khi đó, 1 SDR tương đương 31.801 đồng thì mức bồi thường tối đa về tính mạng, sức khỏe mỗi hành khách tương đương là 4,1 tỷ đồng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Võ Huy Cường – Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam khi đó cho biết dự thảo nghị định trên nhằm quy định bảo hiểm trách nhiệm của hãng hàng không theo Công ước Montreal 1999. Các quy định của công ước này thống nhất trên toàn cầu về trách nhiệm bảo hiểm của hãng hàng không trong trường hợp hành khách chết, bị thương do tai nạn, sự cố; hành lý, hàng hóa thất lạc, vận chuyển chậm.
Công ước về thống nhất một số quy tắc liên quan đến vận chuyển hàng không quốc tế (Montreal 1999)
Điều 17. Người vận chuyển phải chịu trách nhiệm về thiệt hại xảy ra trong trường hợp hành khách chết và bị thương hoặc bất kỳ thương tích về thân thể nào của hành khách, nếu tai nạn gây ra thiệt hại ở trên tầu bay hoặc trong quá trình hoạt động xếp tải và dỡ tải.
“Việt Nam mới tham gia Công ước Montreal vào cuối năm 2018. Giá trị bồi thường theo Công ước Montreal thay đổi theo định kỳ nên khi có sự thay đổi Việt Nam cũng phải điều chỉnh kịp thời theo công ước”- ông Cường lý giải mức bồi thường cao nhất trong dự thảo nghị định được cập nhật theo mức tăng SDR được dự kiến theo Công ước Montreal kể từ 28/12/2019.
Tuy nhiên cũng theo công ước này, quy định tại Điều 20, Người vận chuyển không chịu trách nhiệm, nếu phía vận chuyển chứng minh được rằng mình và đại lý của mình đã áp dụng mọi biện pháp để tránh thiệt hại hoặc đã không thể áp dụng các biện pháp như vậy.
Lịch sử thế giới ghi nhận nhiều vụ tai nạn máy bay thảm khốc và câu chuyện đền bù thiệt hại đằng sau đó (Tổng hợp theo Tri thức trẻ)
Thảm họa sân bay Tenerife – Hãng hàng không quốc gia Hà Lan KLM
Ngày 27/03/1977 được coi là một trong những ngày đen tối nhất trong lịch sử hàng không thế giới. Tại sân bay Tenerife (Tây Ban Nha), hai chiếc Boeing 747 KLM Flight 4805 và Pan Am Flight 1736 đã lao vào nhau trên đường băng tại sân bay này trong màn sương mù dày đặc.Hậu quả là 583 người tử nạn ngay lập tức, hai chiếc máy bay hư hại hoàn toàn và đây trở thành một trong những tai nạn thảm khốc nhất trong lịch sử hàng không.
Qua quá trình điều tra, người ta kết luận lỗi chính thuộc về cơ trưởng của chuyến bay KLM đã điều khiển máy bay cất cánh khi chưa được sự cho phép của đài kiểm soát không lưu.
Giới chức Hà Lan sau đó cũng đã thừa nhận trách nhiệm của KLM trong vụ tai nạn này. KLM đã bồi thường cho nạn nhân hoặc gia đình họ các khoản phí từ 58.000 – 600.000 USD (khoảng 1,2 – 12,6 tỷ VND).
Hãng hàng không Japan Airlines – chuyến bay 123 năm 1985
Chuyến bay 123 ngày 12/08/1985 là một chuyến bay nội địa được thực hiện bởi máy bay Boeing 747 – 146SR từ Tokyo tới Osaka. Chiếc Boeing nói trên đã bay được 25.030 giờ và từng được sửa chữa phần đuôi trong một tai nạn trước đó 7 năm.
Sau khi cất cánh được 44 phút, do chênh lệch áp suất ở độ cao 7.300m, phần đuôi đã từng được sửa chữa đã nứt vỡ, gây ra hỏng hóc, khiến phi công không thể điều khiển và khống chế tình hình. Kết cục cuối cùng là cú đâm thảm khốc của chiếc Boeing vào núi Takamagahara, cướp đi sinh mạng của 520 người trên máy bay.
Duy nhất chỉ có 4 người may mắn thoát chết trong thảm họa trên. Nguyên nhân sau đó được phát hiện ra: máy bay rơi là do phần sửa chữa ở đuôi được thực hiện sai quy định nên không chịu được áp suất trên cao, làm máy bay rơi và phát nổ.
Sau vụ tai nạn, hãng hàng không Japan Airlines không hề thừa nhận trách nhiệm pháp lý của mình. Thay vào đó, hãng này gửi tới gia đình các nạn nhân tổng số tiền là 7,6 triệu USD (khoảng 159,6 tỷ đồng) với danh nghĩa “tiền chia buồn”. Tính trung bình, mỗi nạn nhân nhận được khoảng 304,5 triệu đồng.
Hãng hàng không Air France – chuyến bay 447 năm 2009
Ngày 01/06/2009, một chiếc Airbus A330 của hãng Air France đã cất cánh từ Rio de Janeiro để thực hiện hành trình tới Paris trong chuyến bay mang tên 447. Tuy nhiên, máy bay mang theo 216 hành khách và 12 phi hành đoàn này đã không bao giờ hoàn thành được nhiệm vụ của mình.
Sau nhiều nỗ lực điều tra, trong bản báo cáo ngày 05/07/2012, các nhà chức trách cho rằng máy bay đã rơi vì hệ thống bị lỗi, ngắt kết nối cũng như sự phản ứng không kịp thời của phi hành đoàn. Với lý do trên, gia đình mỗi hành khách xấu số nhận được 17.500 euros tiền bồi thường (khoảng hơn 507 triệu đồng).
Chuyến bay MH-17 của hãng hàng không Malaysia năm 2014
Ngày 17/7/2014, chuyến bay MH-17 của hãng hàng không Malaysia bị rơi tại khu vực cách biên giới Nga-Ukraine 30m khiến toàn bộ 298 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng. Theo bà Catherine Thomas – giám đốc phân tích của A.M.Best, trong khi thông tin chi tiết chính xác về vụ tai nạn này vẫn chưa được xác định, tổng số tiền bồi thường bảo hiểm sẽ có thể bao gồm bồi thường trách nhiệm cho hành khách và bồi thường vật chất của chiếc máy bay.
Khi đó, thiệt hại phần vật chất được ước tính khoảng 100 triệu đô la và con số này được đánh giá là chắc chắn và hợp lí. Theo dự đoán, nếu việc chiếc máy bay bị bắn hạ được xác nhận là chính xác, các công ty bảo hiểm nhận đơn bảo hiểm rủi ro chiến tranh sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường, chứ không phải các công ty bảo hiểm của đơn mọi rủi ro.
Sau đó đến tháng 7/2014, Zing đưa tin theo thông tin từ gia đình nạn nhân Việt Nam có mặt trên chuyến bay định mệnh MH17(chị Nguyễn Ngọc Minh – cùng 2 con), Bộ Ngoại giao vừa thông báo khoản đền bù cho mỗi nạn nhân trên chuyến bay là 170.000 USD. Như vậy, gia đình sẽ nhận tổng cộng 510.000 USD (khoảng 10,8 tỷ đồng) trong vụ tai nạn thương tâm này.
Bộ Ngoại giao cho biết, thông tin này do phía Malaysia cung cấp và chưa rõ là do bảo hiểm, hãng hàng không hay đơn vị nào thanh toán.
Dù con số đền bù về vật chất có lên đến bao nhiêu thì nỗi đau mất người thân vĩnh viễn không thể bù đắp được, mong sao mọi hành khách của mỗi chuyến bay đều sẽ được “Vạn dặm bình an”.
Lifehub tổng hợp