Trung Quốc là quốc gia có lượng máy đào lớn nhất thế giới trước khi lệnh cấm được ban hành. Các xưởng đào thường được lắp đặt gần các nhà máy thủy điện, giúp họ tận dụng được giá điện rẻ. Nhờ vậy, nguồn năng lượng chính được các thợ đào Trung Quốc sử dụng có phần thân thiện với môi trường.
Tuy nhiên, lệnh cấm đào tiền số của chính phủ Trung Quốc vào tháng 5/2021 đã đem đến nhiều hệ lụy, theo CNN. Các thợ đào buộc lòng phải đem máy móc của họ phân tán đi khắp nơi. Các quốc gia được chọn làm điểm đến mới như Kazakhstan, Mỹ đều sử dụng điện từ than đá, hóa thạch khiến cho việc đào BTC một lần nữa trở thành vấn nạn với môi trường.
Theo nghiên cứu của ông Alex de Vries, nhà nghiên cứu tại Đại học Vrije Universiteit Amsterdam, các xưởng đào tại Kazakhstan sử dụng nguồn than đá thô. Điều này khiến cho hoạt động khai thác coin tại đây thải ra nhiều khí carbon hơn.
Đào BTC là hoạt động sử dụng lượng máy tính để xác thực các giao dịch được thực hiện trên mạng lưới blockchain Bitcoin. Càng nhiều thợ đào tham gia xác thực, mạng lưới sẽ được bảo mật tốt hơn.
Tính đến tháng 8/2021, chỉ 25,1% lượng điện mà các xưởng đào sử dụng có nguồn gốc thân thiện với môi trường như thủy điện, pin mặt trời, theo CNN. Con số này thấp hơn 17 điểm phần trăm so với mức trung bình năm 2020.
“Lệnh cấm của chính phủ Trung Quốc đã bị phản tác dụng khi năng lượng hóa thạch được sử dụng nhiều hơn. Các xưởng đào tại Mỹ thường sử dụng khí đốt tự nhiên để cấp điện”, ông de Vries chia sẻ.
Theo ông de Vries, lệnh cấm đào BTC không đem lại hiệu quả, một phần do xu hướng đào coin tại nhà đang lên ngôi. Theo dữ liệu từ Google Trends, Facebook, Reddit, ngày càng nhiều người tìm hiểu cách khai thác tiền số tại nhà.
Đào Bitcoin đang bùng nổ khắp nơi trên thế giới. Theo CNN, bang Kentucky là trung tâm đào coin của Mỹ. Chính quyền Kentucky đang có nhiều chính sách hỗ trợ cho các xưởng đào nhằm thúc đẩy hoạt động khai thác than đá của bang.
Hơn 200 công ty đã tham gia vào hiệp ước khí hậu của giới tiền mã hóa. Họ cam kết sẽ cắt giảm toàn bộ lượng khí thải carbon ra môi trường vào năm 2030. Ngoài ra, các công ty này sẽ chuyển sang dùng năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên theo đánh giá từ Euronews, việc chuyển đổi toàn bộ nguồn điện sang năng lượng tái tạo đang gặp khó khăn. Năng lượng xanh, sạch có giá tiền cao hơn so với điện có nguồn gốc hóa thạch.
“Chính phủ các nước cần thi hành các biện pháp cứng rắn hơn nếu muốn hướng đến mục tiêu không khí thải carbon. Các chính sách hiện có không đem lại hiệu quả”, ông de Vries bình luận.
Theo Zing