Ngày 9/3, TAND tỉnh Hậu Giang xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với Võ Thanh Long (cựu tổng giám đốc khu du lịch sinh thái (KDLST) Phú Hữu, huyện Châu Thành, Hậu Giang).
Các đồng phạm cùng hầu tòa về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản gồm Trần Vạn Lợi, Lữ Nhựt Trường, Nguyễn Tân Định, Trần Tấn Phát, Phạm Minh Hoàng, Lê Minh Thu, Võ Văn Sang, Lê Thành Nguyên và Đỗ Văn Thọ.
Vụ án có tới 816 bị hại ở 39 tỉnh, thành trên cả nước đã bị lừa tổng số tiền gần 160 tỉ đồng. Gần 1.000 người là các bị hại, tổ chức, cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được triệu tập đến phiên tòa.
Trong ngày xử đầu tiên, ngoài 10 bị cáo, 12 luật sư bào chữa, còn có 216/816 bị hại, 21/141 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham dự phiên tòa. Tòa đã bố trí các bị hại ngồi ở sân tòa, có mái che để theo dõi phiên xử.
Xét thấy sự vắng mặt của các bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không ảnh hưởng đến quá trình xét xử, HĐXX quyết định tiếp tục phiên xử.
Do số bị hại quá nhiều, trong ngày làm việc đầu tiên, HĐXX chỉ mới thực hiện phần kiểm tra lý lịch bị can và kiểm tra căn cước các bị hại. Dự kiến phiên xử kéo dài đến ngày 23/3.
Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Hậu Giang, từ tháng 4-2017 đến tháng 10-2019, bị cáo Võ Thanh Long không thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định để triển khai dự án KDLST nghỉ dưỡng Phú Hữu. Đồng thời không chuyển quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của dự án sang Công ty Cao Thắng.
Dù chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động nhưng Long đã cùng các đồng phạm lợi dụng dự án để huy động vốn theo phương thức đa cấp qua các hình thức như hợp đồng hợp tác đầu tư, thanh lý hợp đồng mua phiếu bảo trì của Công ty Ước Mơ Việt để mua cổ phần Công ty Bất động sản Cao Thắng, bán cổ phần Công ty Cao Thắng, bán vé ITO, hợp đồng đại lý bán vé du lịch…
Cáo trạng quy kết bị cáo Long là chủ mưu, cầm đầu và chỉ đạo, các bị cáo còn lại giúp sức cho Long thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 816 bị hại ở 39 tỉnh, thành trên cả nước với tổng số tiền gần 160 tỉ đồng. Cáo trạng xác định bị cáo Long phải chịu trách nhiệm chính với số tiền gần 160 tỉ đồng đã chiếm đoạt.
Giăng bẫy “lãi suất” ở nhiều vùng quê
Theo nhiều bị hại kể lại, thủ đoạn của Long và các đồng phạm là tìm về các vùng quê, tìm những người lớn tuổi để chào mời đầu tư với mức lãi hấp dẫn. Vì tin lời đường mật của các bị cáo, nhiều người đã sập bẫy và ngậm ngùi mất tiền.
Ông Lê Văn Bình (ngụ tỉnh Trà Vinh, một trong những bị hại của Long) kể ông là nông dân ở nhà nuôi tôm. Vốn dĩ ông và những người anh em không biết đến bị cáo Long cũng như Công ty Ước Mơ Việt. Thế nhưng với thủ đoạn tung “cò” về tận vùng quê, ông Bình cùng ba người khác đã bị Long lừa 800 triệu đồng.
“Nông dân không vay được tiền nhưng “cò” lại vay được. Sau đó, họ chở chúng tôi cùng số tiền đến một công ty ở Hậu Giang để làm thủ tục. Phía công ty hứa hẹn là sẽ chia lãi cho người dân nhưng bốn anh em tôi đầu tư vào chưa kịp nhận lãi thì Long bị công an bắt” – ông Bình kể lại.
Không chỉ tung “cò” về các vùng nông thôn để lừa đảo, các bị cáo có chức vụ ở công ty cũng thân chinh đi lừa. Và với mác lãnh đạo công ty, nhiều người càng đặt lòng tin hơn để rồi phải nhận trái đắng.
Ông Huỳnh Văn Sơn (ngụ tỉnh Đồng Tháp, bị hại trong vụ án) nhớ lại có hai người xưng là giám đốc và phó giám đốc công ty đến tận nhà để kêu ông đầu tư. Với cái bẫy lãi suất cao hơn nhiều lần so với gửi vào ngân hàng, những người này đã thuyết phục được ông Sơn đầu tư. Lúc đầu, ông Sơn cũng chưa tin vào những lời mời chào, ngay sau đó các đối tượng đã tung chiêu mời qua công ty dự tiệc, tham quan, dự hội thảo…
“Tại đây, những người trong công ty nói về cách đầu tư khá đơn giản nhưng lãi suất khá cao, mỗi tháng lấy lãi một lần, lãi tăng theo số vé đã mua… nên tôi quyết định đầu tư 100 triệu đồng và chỉ mới lấy được một tháng tiền lãi là 21 triệu đồng. Đây là số tiền con tôi cho để gửi ngân hàng lấy lời, tuy nhiên thấy lãi ngân hàng thấp hơn nhiều so với đầu tư vào công ty nên tôi quyết định đầu tư, giờ mất hết” – ông Sơn nói.
Xin đầu tư khu du lịch nhưng không thực hiện
Theo báo cáo của UBND huyện Châu Thành, Trung tâm du lịch sinh thái Phú Hữu được thành lập vào năm 2011, do Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Duy Danh làm chủ đầu tư, quy mô khoảng 10 ha.
Đến tháng 1/2017, Công ty Duy Danh chuyển nhượng toàn bộ quyền sử dụng đất và tài sản trên đất cho Võ Thanh Long, tổng giám đốc Công ty CP Bất động sản Cao Thắng. Công ty này sau đó đề nghị thực hiện dự án đầu tư KDLST nghỉ dưỡng Phú Hữu – Hậu Giang với quy mô 3,2 ha và được UBND tỉnh chấp thuận.
Năm 2018, UBND huyện Châu Thành đưa dự án vào kế hoạch sử dụng đất, tuy nhiên phía công ty không thực hiện và không có văn bản gia hạn. Do đó, trong kế hoạch sử dụng đất năm 2019, huyện không đưa vào danh mục sử dụng đất.
Đến tháng 11/2019, UBND tỉnh Hậu Giang đã ban hành công văn chấm dứt hoạt động dự án này. Sau đó, Võ Thanh Long bị khởi tố, bắt tạm giam vào tháng 11/2019. Sau thời gian điều tra, năm 2020, các đồng phạm của Long cũng bị khởi tố, bắt tạm giam.
Theo PLO