Bị “nhốt” ở nhà lâu ngày, không tiếp xúc với thiên nhiên khiến trẻ tăng khả năng trầm cảm, học tập sa sút và thậm chí là có hành vi ngoài mong muốn.
Hàng loạt vấn đề tâm thần nếu trẻ “chôn” mình trong nhà
Một thực tế bất ngờ là tỉ lệ trẻ em tiểu học và trung học cơ sở nước ta có vấn đề về sức khỏe tâm thần rất cao. Theo báo cáo của UNICEF năm 2019, 29% thanh thiếu niên Việt Nam có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Tuy nhiên, nước ta chưa có một nghiên cứu khoa học có độ tin cậy về các ảnh hưởng này.
Thực tế cũng cho thấy trẻ sống gò bó trong các khu chung cư và đô thị thường lạm dụng các thiết bị điện tử, sa đà vào thế giới ảo… Các em rất ít được vui chơi, vận động ngoài trời và tiếp cận với môi trường thiên nhiên.
Theo bác sĩ chuyên khoa nhi Nguyễn Trọng An – nguyên Phó Cục trưởng Cục Trẻ em – Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trẻ thuộc đối tượng này có nguy cơ cao bị chậm nói hoặc tăng động giảm trí nhớ, mắc béo phì, cận thị và các tật khúc xạ, rối nhiễu tâm trí. Thậm chí, có trường hợp nặng trẻ bị trầm cảm.
“Trẻ em thời nay đầy đủ, sung sướng hơn thời trước về mặt vật chất nhưng khổ hơn về mặt tinh thần. Các em rất khổ khi phải hứng chịu môi trường không khí và môi trường xã hội bị ô nhiễm nghiêm trọng”, bác sĩ cho biết.
Bác sĩ An lưu ý rằng nếu không được vui chơi giải trí, chạy nhảy vận động tiếp xúc với môi trường thiên nhiên thì các em sẽ chậm chạp trong suy nghĩ, học tập giảm sút. Nhưng đáng buồn là hầu hết các điểm vui chơi giải trí của trẻ em hiện nay đang bị thu hẹp hoặc bị chuyển đổi mục đích sử dụng.
“Thần dược” màu xanh cho sức khoẻ và tinh thần của trẻ
Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra cây xanh góp phần tạo không khí trong lành; giảm ô nhiễm bụi, khí thải carbonic; cải thiện sức khoẻ và giảm thiểu bệnh tật. Màu sắc xanh mát của hoa lá cỏ cây sẽ làm tâm hồn thư thái hơn, giảm thiểu stress và các sang chấn tâm lý.
Bác sĩ Nguyễn Trọng An khẳng định rằng thiên nhiên chắc chắn sẽ góp phần phát triển trí tuệ và tinh thần của trẻ. Các em nên được học mà chơi, chơi mà học.
Nếu cả tuần gia đình tất bật công việc, bản thân trẻ cũng ngập đầu bài vở, thì đến ngày nghỉ cuối tuần, trẻ nên được đưa đi dã ngoại ở một không gian sinh thái xanh và cảnh quan đẹp.
Bác sĩ An nhấn mạnh: “Sau những ngày học tập căng thẳng, trẻ nên được thỏa sức chạy nhảy vui đùa cùng bạn bè tại nhiều bãi cỏ, vườn cây, được chia sẻ và học hỏi từ bạn bè đồng trang lứa. Những điều này sẽ giúp các con tránh xa các thiết bị điện tử, giảm thiểu các bệnh béo phì và các tật khúc xạ mắt.
Đồng thời, những buổi dã ngoại cũng là cơ hội để tăng cường tình cảm cộng đồng và gắn kết tình cảm gia đình, trẻ cũng được học hỏi các kiến thức thực tế, tìm hiểu môi trường thiên nhiên vào dịp này.”
Lifehub tổng hợp