Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm gây ra bởi virus viêm gan B (HBV). Bệnh ảnh hưởng lớn đến chức năng của gan, có thể gây nhiễm trùng gan thậm chí đe dọa đến tính mạng của người bệnh. Ngoài ra, viêm gan virus B được quan tâm nhiều bởi có thể gây ra xơ gan, ung thư gan.
1. Tổng quan về viêm gan B và con đường lây truyền
Virus viêm gan B vẫn là mối đe dọa lớn đến sức khỏe toàn cầu, theo thống kê của WHO, có khoảng 400 triệu người trên thế giới mắc viêm gan B mạn tính. Ở Việt Nam hiện nay số người nhiễm virus viêm gan B chiếm khoảng 20% dân số (khoảng từ 12-16 triệu người), trong đó có khoảng 5 triệu người trong tình trạng viêm gan mạn tính, xơ gan hoặc ung thư gan.
Viêm gan B lây truyền khi máu, tinh dịch, hoặc dịch cơ thể khác (đã nhiễm virus viêm gan B) xâm nhập vào cơ thể người chưa bị nhiễm. Có thể bị nhiễm virus viêm gan B khi:
Khi sinh (lây truyền virus từ người mẹ đã nhiễm virus viêm gan B sang cho con trong khi sinh) Quan hệ tình dục với người đã nhiễm virus viêm gan B. Dùng chung kim tiêm, hoặc thiết bị tiêm thuốc khác với người nhiễm virus viêm gan B.
Dùng chung dao cạo râu, bàn chải đánh răng với người nhiễm virus viêm gan B. Tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc các vết thương hở của người nhiễm virus viêm gan B. Tiếp xúc với các vật sắc nhọn có dính máu của người nhiễm virus viêm gan B.
Virus viêm gan B có thể sống ngoài cơ thể ít nhất là 7 ngày. Trong suốt khoảng thời gian này, virus vẫn có thể gây bệnh cho người nếu xâm nhập được vào cơ thể của người chưa bị bệnh.
2. Đối tượng nguy cơ mắc viêm gan B
Viêm gan B có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào. Tuy nhiên, một số trường hợp trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người lớn nhiễm virus nhưng không thể điều trị khỏi hoàn toàn. Những đối tượng sau đây dễ có nguy cơ nhiễm virus viêm gan B.
Những trẻ sơ sinh từ mẹ bị nhiễm virus viêm gan B. Những người có nhiều bạn tình. Người có bạn tình/ vợ / chồng bị nhiễm virus viêm gan B. Người có quan hệ đồng tính nam. Người tiêm chích thuốc (ma túy). Nhân viên y tế hoặc nhân viên an ninh xã hội có tiếp xúc với máu, hoặc dịch cơ thể có dính máu của người nhiễm virus viêm gan B. Những bệnh nhân lọc máu định kỳ.
3. Biểu hiện viêm gan B
Viêm gan B có triệu chứng không rõ ràng nên người bệnh rất khó nhận biết. Thậm chí có rất nhiều người bị nhiễm viêm gan B mà không hề hay biết. Tuy nhiên, kể cả khi không có triệu chứng bệnh gì thì virus viêm gan B vẫn có thể gây tổn hại nặng nề đến gan sau một thời gian phát triển âm ỉ. Do đó, cần lưu ý những triệu chứng nhận biết bệnh như sau:
Cơ thể mệt mỏi, ăn uống không ngon miệng. Đau nhức xương khớp . Thường xuyên buồn nôn, ói mửa. Nước tiểu có màu vàng sẫm. Đau bụng. Phân màu xanh xám, sẫm màu. Thường xuyên bị rối loạn tiêu hóa. Vàng da, vàng mắt. Có hiện tượng xuất huyết dưới da. Đau hạ sườn phải. Chướng bụng.
Viêm gan B nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể phát triển thành suy gan, xơ gan cổ trướng rất nguy hiểm đến sức khỏe.
Nhiễm virus viêm gan B, sau bao lâu thì xuất hiện triệu chứng?
Nhiều người thắc mắc, kể từ khi bị nhiễm virus viêm gan B thì sau bao lâu sẽ xuất hiện triệu chứng? Thông thường, triệu chứng sẽ xuất hiện sau 90 ngày (3 tháng). Tuy nhiên, triệu chứng bệnh có thể biểu hiện trong khoảng thời gian từ 6 tuần – 6 tháng kể từ khi nhiễm virus viêm gan B.
Các triệu chứng viêm gan B cấp tính kéo dài trong vài tuần, nhưng cũng có những bệnh nhân viêm gan B cấp có biểu hiện triệu chứng kéo dài tới 6 tháng.
Cần lưu ý, nhiều người bị viêm gan B mà không có triệu chứng vẫn có thể lây bệnh cho người khác.
4. Biến chứng viêm gan B và tiến triển xơ gan, ung thư gan
Một số bệnh nhân duy trì những biểu hiện (triệu chứng) tương tự như viêm gan B cấp. Tuy nhiên, hầu hết bệnh nhân viêm gan B mạn tính không có biểu hiện triệu chứng nào trong khoảng 20-30 năm. Chính vì lẽ đó mà viêm gan B mạn sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Theo nghiên cứu khoảng 15-25% bệnh nhân viêm gan B mạn sẽ bị những biến chứng nặng nề về gan như xơ gan, ung thư gan. Kể cả khi mới bị xơ gan giai đoạn sớm, nhiều bệnh nhân vẫn chưa thấy biểu hiện triệu chứng gì, mặc dù khi đó các xét nghiệm chức năng gan đã có biểu hiện bất thường.
Thông thường bị nhiễm virus viêm gan B, chỉ có khoảng 25% bệnh nhân nhiễm viêm gan B cấp là có biểu hiện lâm sàng và có thể được chẩn đoán và điều trị. Một số ít có khả năng chống lại viêm gan B và loại bỏ được virus trong cơ thể. Số còn lại thường không có biểu hiện lâm sàng và tiến triển thành viêm gan B mạn tính.
Viêm gan B mạn tính diễn biến âm thầm theo thời gian, virus phá hủy các tế bào gan gây tổn thương gan nghiêm trọng, từ đó dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như xơ gan thậm chí ung thư gan. Phần lớn bệnh nhân có biểu hiện triệu chứng khi đã ở giai đoạn muộn.
Theo thống kê cho thấy, có đến 70% trường hợp mắc ung thư gan ở Việt Nam do viêm gan B gây ra và viêm gan B là nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc ung thư gan lên đến 100 lần.
Do viêm gan B thường không biểu hiện triệu chứng, nên để biết có bị viêm gan B hay không thì cần tới các cơ sở y tế, bệnh viện để được làm một số xét nghiệm máu. Dựa trên kết quả xét nghiệm, bác sĩ có thể cho kết quả là viêm gan B cấp tính hay mạn tính hoặc đã từng nhiễm virus viêm gan B nhưng đã tự khỏi bệnh. Nếu đã có miễn dịch (có kháng thể) chống lại virus viêm gan B thì không cần tiêm ngừa.
5. Có virus viêm gan B, khi nào cần điều trị?
Về điều trị viêm gan B, trong giai đoạn bị viêm gan B cấp, người bệnh cần được nghỉ ngơi, dinh dưỡng hợp lý. Một số bệnh nhân cần nhập viện. Một số trường hợp cần dùng thuốc điều trị – điều này được quyết định bởi bác sĩ chuyên khoa gan.
Nếu viêm gan B mạn tính thì người bệnh sẽ được theo dõi định kỳ bởi bác sĩ chuyên khoa gan. Việc theo dõi định kỳ là rất quan trọng.
Không phải trường hợp nào cũng phải uống thuốc. Tùy thuộc tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc để điều trị khi cần. Hiện nay có những thuốc điều trị viêm gan B mạn rất hiệu quả.
Nhiều người thắc mắc khi xét nghiệm có virus viêm gan B mà bác sĩ lại không kê thuốc gì. Bởi lẽ, khi virus xâm nhập vào gan sẽ diễn ra sự tương tác giữa virus và cơ thể, do đó người mang virus viêm gan B có thể trải qua nhiều giai đoạn bệnh khác nhau: có giai đoạn không phải uống thuốc, có giai đoạn phải uống thuốc hoặc tiêm thuốc để điều trị.
Nếu bệnh nhân đang ở giai đoạn không phải uống thuốc thì cần tái khám định kì mỗi 3-6 tháng, để làm các xét nghiệm cần thiết đánh giá tình trạng bệnh, khi thấy bệnh chuyển sang giai đoạn cần phải điều trị bằng thuốc thì được điều trị kịp thời, tránh để trễ dẫn tới xơ gan, ung thư gan và tử vong. Việc nhận định chính xác thời điểm cần điều trị là vấn đề tương đối phức tạp, đòi hỏi người thầy thuốc phải cân nhắc rất tỉ mỉ.
Người bệnh đang ở giai đoạn không phải uống thuốc cần tuyệt đối hạn chế rượu bia, tuyệt đối không sử dụng thuốc theo mách bảo, theo truyền miệng khi chưa có ý kiến của bác sĩ.
Lifehub tổng hợp