Trong đuối nước, sơ cứu nạn nhân nhanh chóng bằng ép tim, hà hơi thổi ngạt đúng cách sẽ giúp nạn nhân thoát khỏi bàn tay tử thần và giảm di chứng.
Cứu được 3 nạn nhân trong vụ đuối nước ở Vũng Tàu
Ngày 10/4, tại một bãi tắm xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Trung úy Thái Ngô Hiếu, Đội Phòng Cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ khu vực Trảng Bom (thuộc Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ – Công an tỉnh Đồng Nai) đã dũng cảm cứu sống 3 người bị đuối nước.
Qua lời kể của những người tại hiện trường, một nhóm bạn trẻ đang tắm biển thì bất ngờ xảy ra tình trạng đuối nước tập thể. Sự việc xảy ra vô cùng nhanh, khiến những người dân xung quanh hoảng loạn và không thể ứng cứu kịp thời.
Trong khi đang tắm biển cùng gia đình cách đó khoảng 30m, sau khi biết có người bị đuối nước, Trung úy Thái Ngô Hiếu nhanh chóng bơi qua khu vực tai nạn, trực tiếp kéo được 2 người lên khỏi mặt nước đưa vào bờ.
Sau đó, anh Hiếu tiếp tục tìm kiếm thêm 1 nạn nhân đuối nước nữa, tất cả đều trong tình trạng đã bất tỉnh, tay chân tím tái. Khi đưa được các nạn nhân lên bờ, anh Hiếu bằng những kỹ năng, nghiệp vụ được tập huấn về sơ cấp cứu ban đầu đã nhanh chóng hô hấp nhân tạo, bóp tim ngoài lồng ngực và cứu sống được cả 3 nạn nhân.
Hành động dũng cảm của anh Hiếu đã được chia sẻ rất nhiều trên cộng đồng mạng.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo đuối nước là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em dưới 5 tuổi tại nhiều quốc gia. Ở Việt Nam, mùa hè đang tới gần cũng là thời điểm các vụ tai nạn đuối nước gia tăng, đặc biệt là đuối nước ở trẻ nhỏ. Bản tính hiếu động, tò mò, thích nghịch nước của trẻ hoặc sự chủ quan, bất cẩn của người lớn trong quản lý, giám sát là nguyên nhân phổ biến dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em.
Đuối nước nếu được cấp cứu kịp thời có thể qua cơn nguy kịch nhưng cũng có thể dẫn tới biến chứng nặng nề như suy hô hấp, viêm phổi, hoặc di chứng tổn thương não do thiếu oxy kéo dài, thậm chí tử vong. Phần lớn nạn nhân đuối nước tử vong hoặc để lại di chứng não bởi không được sơ cứu hay sơ cứu không đúng cách. Vì vậy, việc sơ cứu tại chỗ đúng kỹ thuật khi bị đuối nước cực kỳ quan trọng, quyết định sự sống còn của người gặp nạn.
Cách sơ cứu người bị đuối nước
Theo bác sĩ Huỳnh Bá Tản – Trung tâm cấp cứu 115, TP.HCM, khi thấy nạn nhân bị đuối nước và đưa được nạn nhân vào bờ hãy nhanh chóng ấn tim ngoài lồng ngực để cứu nạn nhân ngay tại hồ bơi hoặc bờ sông, bãi biển.
Bước 1: Ấn tim ngoài lồng ngực kèm hô hấp nhân tạo ngay lập tức nếu thấy trẻ ngưng thở, thở ngáp cá hoặc tím tái, theo tỷ lệ 15 lần ấn tim xen kẽ 2 lần hô hấp nhân tạo (nếu có 2 người cấp cứu), hoặc tỷ lệ 30 lần ấn tim xen kẽ 2 lần hô hấp nhân tạo (nếu chỉ có 1 người cấp cứu) liên tục như thế cho đến khi trẻ tự thở và có các biểu hiện như khóc to, vùng vẫy cử động tay chân.
Bước 2: Vừa tiếp tục liên tục ấn tim ngoài lồng ngực và hô hấp nhân tạo, vừa nhờ người gọi cấp cứu 115 ngay lập tức, khẩu lệnh: “Gọi cấp cứu 115 có người đuối nước”.
Sơ cấp cứu tại chỗ được xem là thành công khi da trẻ hồng hào, tự thở được, tim đập lại, mạch rõ và trẻ dần tỉnh lại, khóc to, cử động tay chân.
Bước 3: Sau khi trẻ đã có thể tự thở lại, cần phải cho trẻ nằm nghiêng xoay mình và hơi úp nghiêng mặt xuống đất ở tư thế an toàn để trẻ có thể thở dễ dàng hơn và ho ói trào dịch từ trong phổi hay dạ dày ra, nằm đợi xe cứu thương 115 hay đội Y tế Cấp cứu ngoại viện đến.
Không tự ý hấp tấp vận chuyển trẻ bị ngưng tim, ngưng thở do ngạt nước bằng bất kỳ phương tiện xe cộ nào vì thời gian vàng để sơ cứu ngưng tim, ngưng thở là từ 5 đến 7 phút ngay tại hồ bơi, bờ sông, bãi biển. Đây là yếu tố quyết định có thể cứu sống nạn nhân bị đuối nước.
Hãy gọi cấp cứu 115 để được hướng dẫn cách sơ cấp cứu ngay tại hiện trường trong khi chờ xe cứu thương đến.
Chú ý trong quá trình sơ cứu đuối nước cần tránh các sai lầm thường gặp như dốc ngược nạn nhân hoặc vác nạn nhân lên vai rồi chạy cho nôn nước ra. Việc làm này sẽ làm chậm thời gian cấp cứu thổi ngạt và tăng nguy cơ hít sặc…
Lifehub tổng hợp