Mỗi nước trên thế giới đều có những nguyên tắc và phong tục của riêng mình. Trong khi nhiều quốc gia tiền boa như một nét văn hóa thì nước này lại xem điều này là cấm kỵ.
Tiền tip (hay còn có cách gọi khác là tiền boa) là khoản tiền nhỏ không nằm trong hoá đơn mà khách hàng thưởng cho nhân viên nhằm thể hiện sự hài lòng của họ về chất lượng dịch vụ. Nhưng liệu thưởng tiền tip có phải là một hành vi phổ biến ở nơi mà bạn đang ở? Và nếu vậy, bạn nên boa bao nhiêu thì phù hợp?
1. Tiền boa ở châu Mỹ
Nếu bạn đến từ Mĩ, bạn có thể đã quen thuộc với quy tắc bất thành văn về tiền boa: chi tiền boa càng hào phóng, bạn sẽ nhận được dịch vụ càng tốt trong lần quay lại tiếp theo. Nhìn chung, ở cả Bắc, Trung và Nam Mỹ, việc để lại tiền thưởng cho người phục vụ được ngầm hiểu như một thông lệ tại các hàng quán. Do vậy, tiền boa nhiều khi còn chiếm một phần đáng kể trong thu nhập của các nhân viên phục vụ.
Trang Trip Advisor gợi ý khoản tip hợp lí sẽ tương đương với 15-20% giá trị trên hóa đơn dịch vụ tại các nhà hàng hay taxi. Tương tự như ở Mỹ, khách quen ở Canada và Colombia cũng boa cho nhân viên khoảng 15-20% giá trị hoá đơn. Ở Argentina, Mexico, Nicaragua và Peru, giá trị tiền tip có khi ít hơn một chút, khoảng 10-15% giá trị hoá đơn là tiêu chuẩn.
Bên cạnh đó, đa số các nhà hàng ở Brazil, Chile và Costa Rica đều đã thêm 10% tiền hoa hồng vào hóa đơn khi bạn đặt chỗ. Trong những trường hợp này, khách hàng có thể không cần để lại tiền boa nhưng nếu có thể cũng hãy thoải mái đặt thêm 5-10% tiền mặt vì các nhân viên đôi khi không nhận được phần tip ấy.
Đặc biệt lưu ý, nếu bạn để lại tiền boa ở Brazil, hãy bảo đảm để lại một cách tinh tế vì người Brazil khá nhạy cảm khi nói đến các giao dịch kinh doanh.
2. Tiền boa ở Châu Âu
Có thể nói, việc để lại tiền boa lớn hơn 15-20% giá trị hoá đơn là không cần thiết và đôi lúc bị cho là thiếu hiểu biết vì nhiều nước trong Liên minh Châu Âu đã có luật liên quan tới tiền tip.
Có thể kể tới một vài nước như Hà Lan, quốc gia này đề nghị các cơ sở đưa tiền boa vào bảng giá công khai. Thế nhưng, thông thường mọi người vẫn để lại một khoản tiền boa nhỏ khoảng 5-10% khi quán có dịch vụ tốt, khoản này còn được gọi là ‘fooi’ trong tiếng Hà Lan.
Các nước EU khác thường tính phí dịch vụ vào hóa đơn bao gồm Cộng hòa Séc, Pháp, Hungary, Tây Ban Nha và Thụy Điển. Ở những nước này, tiền boa không phải là phong tục, nhưng được cho là một hành động hào phóng để đổi lấy dịch vụ đặc biệt.
Đức, Ireland, Bồ Đào Nha và Vương quốc Anh không có văn hóa boa tiền cụ thể nên việc để lại tiền thưởng là tùy thuộc vào bạn. Nguyên tắc chung khi để lại tiền boa là 5-10% giá trị dịch vụ. Tài xế và nhân viên pha chế ở những nước này thường không mong đợi tiền thưởng, nhưng việc làm tròn hóa đơn luôn được đánh giá cao.
Ở Áo, Ý và Nga, việc tính tiền boa không phải là hành vi quá phổ biến, nhưng mọi người cũng thường hào phóng làm tròn hóa đơn vì lương cho các nhân viên phục vụ khá thấp. Một vài khu du lịch ở Ý sẽ thêm một khoản có tên là ‘coperto’, có nghĩa là “chi phí trang trải”, nhưng khoản tiền thưởng này không phải lúc nào cũng được chia sẻ với nhân viên – vì vậy, nếu bạn muốn tip ở Ý, hãy để lại tiền mặt để bảo đảm khoản tip đến tay người phục vụ.
Có một yếu tố khá thú vị về tiền típ ở Đức đó là từ “cho tiền boa” là ‘trinkgeld’, có nghĩa là “tiền uống rượu”; còn ở Pháp, từ chỉ tiền boa là ‘pourboire’, có nghĩa là “uống một ly”.
3. Tiền boa ở Trung Đông và các khu vực của châu Phi
Tương tự như Châu Mỹ, tiền boa là thông lệ và được mong đợi bởi các nhà cung cấp dịch vụ ở Châu Phi và Trung Đông. Gía trị tiền tip thường thay đổi tùy theo nhà hàng và tình hình kinh tế của đất nước.
Ở Qatar, Ả Rập Xê Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, các nhân viên phục vụ đã quen với việc nhận tiền boa 15-20%. Ngay cả ở những thành phố như Dubai, nơi đã thêm sẵn 10% phí phục vụ vào hóa đơn, các nhân viên nhà hàng vẫn sẽ vô cùng vui vẻ nếu có thêm 15-20% tiền thưởng cho những nỗ lực của họ.
Ở các đất nước châu Phi như Jordan, Morocco và Nam Phi, nhân viên phục vụ sẽ mong đợi ít nhất 10-15% tiền boa. Các nhà hàng ở các nước du lịch nổi tiếng như Ai Cập và Israel cũng sẽ tính thêm phí dịch vụ vào hóa đơn, vì vậy hãy chú ý để tránh phải boa gấp đôi.
Đặc biệt, trong văn hóa Iran, một món quà tặng có ý nghĩa hơn nhiều so với tiền bạc. Khách du lịch được khuyến khích bày tỏ sự hài lòng, cảm kích của họ tại các khách sạn bằng cách tặng một món quà nhỏ từ đất nước của họ.
4. Tiền boa ở Đông Á và Nam Thái Bình Dương
Ngoài các địa điểm du lịch, tại các nước ở Đông Á và Nam Thái Bình Dương, tiền tip không mấy thông dụng nên việc boa tiền đôi lúc sẽ khiến các nhân viên khá bất ngờ và thậm chí nhiều khi còn bị từ chối.
Ở Trung Quốc, Myanmar, Singapore…, tiền boa được cho là một khoản không cần thiết; Thế nhưng, một vài nhà hàng sang trọng ở Trung Quốc cũng đã bắt đầu chấp nhận loại tiền này. Các nước châu Á khác, như Nhật Bản và Nepal thì hoàn toàn cho rằng việc được cung cấp dịch vụ tốt là một phần hiển nhiên của cuộc sống, vì vậy tiền boa chỉ nên thưởng cho dịch vụ vượt trội. Ở Nhật Bản, một số nhà hàng thậm chí còn lịch sự từ chối tiền boa của bạn.
Đặc biệt ở Nhật Bản, nhân viên luôn tâm niệm phục vụ khách hàng không phải vì để được boa hay nhận tiền thưởng mà là do người Nhật luôn luôn làm việc hết sức mình để bảo đảm rằng khách hàng thực sự hài lòng về dịch vụ và sản phẩm của mình. Họ cho rằng tiền bạc là thành quả của lao động nên nếu bạn đưa thêm tiền ngoài giá niêm yết họ sẽ cảm thấy như mình bị xúc phạm vì cảm thấy như mình không được trả công đầy đủ nên mới cần thêm tiền boa.
Do làn sóng du lịch tràn vào, các nước như Campuchia, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và một số vùng của Thổ Nhĩ Kỳ đang trở nên cởi mở hơn trong việc nhận tiền boa; Thế nhưng, tiền boa vẫn không được cho là quá cần thiết, vì vậy nếu bạn không để lại tiền boa thì cũng sẽ không bị đánh giá là thiếu hào phóng.
Ở Úc và New Zealand, các nhà hàng và tài xế cũng không mong đợi tiền boa, nhưng họ sẽ đánh giá cao nếu bạn chủ động làm tròn hóa đơn.
Lifehub tổng hợp