Có bao giờ bạn thắc mắc vì sao các cặp vợ chồng thường gọi nhau là “ông xã”, “bà xã”?
“Ông xã” và “bà xã” là 2 cụm từ thân thương, gần gũi mà các cặp vợ chồng thường dùng để gọi nhau. Đây là cách gọi thân thuộc trong cuộc sống hàng ngày nhưng gần như mọi người không biết đến gốc tích của nó. Có bao giờ bạn thắc mắc cách gọi này có từ bao giờ và nguồn gốc từ đâu không? Nếu đang băn khoăn thì hãy đọc ngay bài giải thích dưới đây.
Trong cuốn Đại Nam Quốc âm tự vị của tác giả Tịnh Của (xuất bản năm 1986) là một cuốn sách ghi chép đầy đủ Tiếng Việt của cả 3 miền Bắc, Trung, Nam nhưng lại không có từ “xã” trong “ông xã”, “bà xã”. Điều này chứng tỏ vào cuối thế kỷ XIX, người Việt chưa dùng từ “ông xã”, “bà xã” để gọi người chồng, người vợ của mình.
Trong cuốn Việt Nam tự điển của tác giả Lê Ngọc Trục và Lê Văn Đức giảng giải: “Xã” là cách gọi tắt của từ “xã trưởng”, ví dụ như “ông xã”, “thầy xã”.
Xã trưởng là người đứng đầu hội đồng hương một xã, được giao nhiệm vụ quản lý xã – đơn vị hành chính cấp trên của thôn, cấp dưới của hương. Chức này không phải do triều đình cắt cử mà do nhân dân địa phương tự thống nhất đề cử lên, được các cấp trên của triều đình xét duyệt.
Từ điển Tiếng Việt do Văn Tân chủ biên ghi lại: “Xã” là người đàn ông trong làng có chức vị cao hơn dân thường, như “bác xã”. Còn trong một số tài liệu khác, “xã” là một chức vụ ở làng thời phong kiến và có thể bỏ tiền ra mua được.
“Ông xã nhà tôi”, “anh xã nhà em” là những cách gọi mà những bà vợ của xã trưởng thường dùng để chỉ chồng mình khi nói chuyện với người khác, giống như các bà vợ của ông lý có cách nói chuyện là “ông lý nhà tôi/ em”. Khi lối nói này dần trở nên phổ biến thì nó không còn là của riêng giới quyền thế nữa, ai cũng có thể dùng “ông xã” để chỉ chồng. Và khi “ông xã” là chồng thì nghiễm nhiên “bà xã” là vợ.
Cách gọi này thể hiện sự vẻ vang, tự hào về người bạn đời của mình đối với làng xóm. Ngoài ra, từ “xã” trong Hán Văn còn chỉ người có cùng chí hướng hợp lại, như: Thi xã = Hội thơ.
Vậy xuất xứ của chữ “xã” dùng để gọi vợ hoặc chồng chỉ người tâm phúc, cùng chí hướng. Tình cảm đó chỉ vợ với chồng mới có được. Trong Tiếng Hán, chữ “xã” bao gồm chữ “thần” (tức là tình cảm, tâm linh) kết hợp với chữ “thổ” (tức là đất, chỉ tài sản và vật chất). Triết học phương Đông xem mỗi con người là một thế giới, cần phải hội tụ cả tâm linh lẫn vật chất.
Khi chọn bạn đời, chúng ta thường tìm chọn những người có thân hình mạnh khoẻ, biểu thị sự phát triển vật chất dồi dào để biết lao động, góp phần nuôi sống gia đình. Người đó lại phải có tâm hồn phong phú, dịu dàng, chu đáo, chịu thương chịu khó. Đó cũng là tiêu chuẩn ngầm gửi gắm vào cách gọi “ông xã”, “bà xã”. Để khi gọi nhau như thế, bên cạnh sự thân mật, vợ hay chồng đang nhắc nhở nhau về trách nhiệm và chuẩn mực vai trò của từ “xã”.
Lifehub tổng hợp