Trí tuệ cảm xúc (EQ) là một kỹ năng linh hoạt mà bạn có thể dễ dàng cải thiện bằng sự nỗ lực, cố gắng theo thời gian.
Trong cuộc sống hàng ngày, tất cả chúng ta đều phải đối mặt với những thời điểm cần đến thử thách ý chí, cho dù đó là vì quen nhầm bạn xấu, nhận một đầu việc khó hay mắc kẹt trong một mối quan hệ đau khổ. Nhưng cho dù phải đối mặt với thử thách như thế nào, nếu bạn muốn vượt qua suôn sẻ, bạn phải nhìn vấn đề từ một khía cạnh khác và hành động quyết đoán.
Nghe có vẻ dễ dàng, nhưng không phải vậy.
Có một điều buộc phải thừa nhận là: những người có ý chí mạnh mẽ thường khác biệt so với những người bình thường. Khi người khác nhìn thấy những trở ngại không thể vượt qua, họ lại nhìn thấy những thách thức có thể chinh phục.
Quá nhiều người tin một cách thụ động rằng ý chí là một phẩm chất bẩm sinh, không thể có được qua học hỏi, rèn luyện mà chỉ thuộc về một số ít người may mắn. Trên thực tế, sức mạnh ý chí có thể kiểm soát được, đó là vấn đề của trí tuệ cảm xúc (EQ).
Nhiều thập kỷ nghiên cứu đã chỉ ra rằng EQ là yếu tố then chốt phân biệt những người làm việc hiệu quả nhất với những người còn lại. EQ là một “thứ” vô hình mà tất cả chúng ta đều có, ảnh hưởng đến cách chúng ta kiểm soát hành vi của mình, điều hướng sự phức tạp của xã hội và đưa ra quyết định cá nhân dẫn đến kết quả tích cực.
Mặc dù EQ là rất quan trọng, nhưng nó vô hình và không thể nắm bắt được, vì vậy thật khó để biết EQ của bạn cao đến mức nào hoặc làm thế nào để cải thiện nếu nó thấp. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng EQ là một kỹ năng linh hoạt mà bạn có thể dễ dàng cải thiện bằng nỗ lực. Bất cứ ai cũng có thể cải thiện trí tuệ cảm xúc của mình bằng cách bắt chước những người có trí tuệ cảm xúc cao và phát triển những thói quen mà họ sở hữu.
Dưới đây là 13 điều mà người EQ cao không bao giờ làm:
1. Họ không ở trong vùng thoải mái của mình
Tự nhận thức là nền tảng của EQ và quá trình phát triển nó có thể không dễ chịu như bạn tưởng tượng. Bạn không thể cải thiện trí tuệ cảm xúc của mình nếu bạn không ép buộc bản thân khám phá, tìm tòi những gì mình cần và nên thực hiện. Điều đó khá khó bởi khi nhìn vào chính mình, bạn có thể sẽ không thích tự chỉ ra khuyết điểm của bản thân. Nhắm mắt làm ngơ trong trường hợp này có thể khiến bạn thoải mái hơn, nhưng nó sẽ không bao giờ giúp bạn cải thiện EQ của mình.
2. Họ không nhượng bộ trước sợ hãi
Nỗi sợ hãi không nhất thiết phải đến từ một điều gì đó cực đoan như lao vào một tòa nhà đang cháy, mà nó có thể đến từ những việc như nói trước công chúng hoặc chấp nhận rủi ro để được thăng chức. Nếu bạn sử dụng nỗi sợ hãi như một cái cớ để không làm điều gì đó, bạn đã đánh mất chính mình. Không phải những người có EQ cao không sợ hãi – họ chỉ bất chấp nỗi sợ hãi ấy, lấy lại sự tự tin và tiếp tục chiến đấu.
3. Họ sẽ không từ bỏ niềm tin vào chính mình
Những người thông minh về mặt cảm xúc luôn kiên trì. Họ không bỏ cuộc khi đối mặt với thất bại và càng không bỏ cuộc chỉ vì mệt mỏi hay khó chịu. Họ tập trung vào các mục tiêu hơn là những cảm xúc nhất thời, họ có động lực để tiếp tục ngay cả khi mọi việc trở nên khó khăn. Họ không coi sai lầm là thất bại. Tương tự như vậy, họ không để ý kiến của người khác ngăn cản họ theo đuổi ước mơ của mình. Khi ai đó nói, “Bạn sẽ không bao giờ có thể làm được điều này”, họ chỉ coi đó là ý kiến của một người, không có gì hơn.
4. Họ không cần sự chú ý
Những người luôn cầu xin sự chú ý là những người cằn cỗi về tinh thần, và họ phụ thuộc vào sự chú ý của người khác để hình thành ý thức về bản thân. Người có EQ cao không quan tâm người khác có chú ý đến mình hay không, họ chỉ làm những gì mình muốn và cần làm, mặc kệ người khác có đánh vào lòng tự trọng của họ hay không.
5. Họ không buồn vui bất chợt
Những người có tính khí thiếu ổn định thường không vui vẻ và hay bất an. Họ không biết cách kiềm chế cảm xúc của mình, thường để cảm xúc chi phối lý trí. Những người có EQ thì ngược lại, có biết cách đánh giá mối quan hệ với mọi người, nghĩa là họ đối xử với người khác bằng sự trọng và tử tế, bất kể họ đang ở trong tình trạng cảm xúc nào.
6. Họ không để sự oán giận nảy sinh
Những cảm xúc tiêu cực đi kèm với sự oán giận thực sự là một phản ứng căng thẳng. Luôn ở trong trạng thái căng thẳng này có thể tàn phá sức khỏe thể chất của bạn và theo thời gian có thể tàn phá cơ thể bạn. Theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Emory, căng thẳng kéo dài có thể dẫn đến huyết áp cao và bệnh tim. Mặt khác, giữ ác cảm với ai đó hoặc điều gì đó trong một thời gian dài có nghĩa là bạn đang phải chịu áp lực liên tục và những người EQ cao biết rằng nên tránh điều này bằng mọi giá.
7. Họ không thâm giao với những người tiêu cực
Những người tiêu cực sẽ mang đến năng lượng tiêu cực cho bạn. Thay vì tập trung giải quyết vấn đề, họ lại chọn cách buông thả bản thân. Họ muốn mọi người hấp thụ sự tiêu cực của mình, từ đó giúp bản thân họ cảm thấy tốt hơn.
Khi không muốn tỏ ra nhẫn tâm hay thô lỗ, mọi người thường buộc phải lắng nghe những câu chuyện tiêu cực từ những người tiêu cực. Nhưng có một ranh giới mong manh giữa việc lắng nghe một cách thông cảm và bị cuốn vào vòng xoáy cảm xúc tiêu cực đó. Những người EQ cao sẽ tránh xa những người tiêu cực khi cần thiết để tránh gặp rắc rối. Hãy nghĩ thế này: nếu một anh chàng hút thuốc, bạn có ngồi cạnh anh ta cả buổi chiều để hít khói thuốc không? Không, bạn sẽ tránh xa người này. Tương tự như vậy, bạn cũng nên tránh xa những người tiêu cực và lan truyền những cảm xúc tiêu cực.
8. Họ sẽ không thấy bản thân tội nghiệp
Tự cảm thấy bản thân tội nghiệp không chỉ gây ra cảm giác khó chịu mà hơn hết, nó còn dẫn đến hậu quả nghiêm trọng hơn, đó là làm thay đổi vị trí kiểm soát của bạn, đặt trách nhiệm và nguyên nhân cho một thứ khách quan nào đó chứ không phải chính bạn. Tự thấy bản thân tội nghiệp nghĩa là bạn đang coi mình là nạn nhân. Những người EQ cao không bao giờ như vậy, bởi lẽ điều này chẳng khác nào bạn đang từ bỏ quyền kiểm soát chính cuộc sống của mình.
9. Họ sẽ không tự cao
Những người có trí tuệ cảm xúc cao tin rằng thế giới được điều hành bởi chế độ trọng dụng nhân tài và rằng những gì họ nhận được là xứng đáng với công sức họ đã bỏ ra. Trong khi đó, người EQ thấp có xu hướng trở nên tự cao tự đại, coi mình là trung tâm và nghĩ rằng thế giới nợ họ điều gì đó. Những người EQ cao thì luôn biết rằng thành công hay thất bại của họ đều do chính họ.
10. Họ không cổ hủ, ghét sự sáng tạo và chỉ chăm chăm với ý kiến của mình
Nhiều người chọn từ chối thông tin mới vì họ coi đó là mối đe dọa. Họ nghĩ rằng thừa nhận rằng người khác đúng có nghĩa là thừa nhận họ sai, và điều này khiến những người có EQ thấp rất khó chịu. Tuy nhiên, người có EQ cao không sợ những điều mới, họ cởi mở với những thông tin mới và những ý tưởng mới lạ, ngay cả khi điều đó có nghĩa là thừa nhận sai lầm của họ.
11. Họ sẽ không để ai giới hạn hạnh phúc của mình
Khi bạn có được niềm vui và sự hài lòng từ việc so sánh mình với người khác, bạn không còn là người làm chủ hạnh phúc của chính mình nữa. Khi những EQ cao biết hài lòng với những gì họ làm, họ không bao giờ đánh mất niềm vui chỉ vì ý kiến của người khác, hoặc vì người khác đạt được nhiều hơn họ.
Tất nhiên, bạn không thể bỏ ngoài tai mọi ý kiến của những người xung quanh, chỉ là bạn không cần thiết phải so sánh mình với ai và biết chọn lọc, lắng nghe người khác một cách phù hợp. Bất kể người khác nghĩ hay làm gì, giá trị bản thân của bạn đến từ bên trong bạn. Bất kể người khác nghĩ gì về bạn, có một điều chắc chắn là – bạn không bao giờ tốt hay xấu như lời họ nói.
12. Họ sẽ không bị đắm chìm bởi sự đố kỵ, ganh tị và hận thù
Những người có EQ cao hiểu rằng hạnh phúc và thành công của người khác không thể bị lấy đi, vì vậy họ không ghen tị với người khác. Họ tin rằng thành công là vô hạn và họ cũng có thể đạt được thành công như những người khác. Cũng bởi thế, họ cảm thấy hoàn toàn thoải mái khi ăn mừng thành công của người khác.
13. Họ không sống trong quá khứ
Thất bại có thể làm mất đi sự tự tin và khiến bạn trở nên nản chí, không tin rằng sẽ đạt được kết quả tốt trong tương lai. Hầu hết thời gian, thất bại xuất hiện do ai đó chấp nhận rủi ro và thử làm điều gì đó khó khăn, có khác chăng là thái độ của mỗi người sau thất bại đó.
Người EQ cao biết rằng thành công nằm ở khả năng đứng dậy hậu vấp ngã, điều mà họ không thể làm được nếu sống trong quá khứ. Những điều đáng để cố gắng đều cần sự mạo hiểm. Nếu cứ mãi sống trong quá khứ, bạn sẽ càng ngày càng trì trệ và khó bước tiếp.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết