Nếu cha mẹ có thể giúp con bước đi vững vàng bằng 3 bước then chốt này trước năm 18 tuổi thì con cái sẽ được hưởng lợi ích suốt đời.
Dù nam nữ hiện nay luôn được xem là bình đẳng, tuy nhiên không thể phủ nhận, trong môi trường xã hội, dù là công việc hay vai trò của hôn nhân, nam giới vẫn thường phải chịu nhiều trách nhiệm và áp lực hơn. Gia đình có con trai, vì thế, cha mẹ cũng thường phải đầu tư nhiều hơn về sức lực và chi phí giáo dục để hy vọng rằng con trai mình sau này có thể trở thành một người có triển vọng.
Nhiều nhà tâm lý học và giáo dục học đã tổng kết 3 bước then chốt nhất trong quá trình trưởng thành của bé trai theo đặc điểm tâm lý và nhu cầu tăng trưởng của trẻ. Nếu cha mẹ có thể giúp con bước đi vững vàng bằng 3 bước then chốt này trước năm 18 tuổi thì con cái sẽ được hưởng lợi ích suốt đời.
01. Bước đầu tiên (0-3 tuổi), làm tốt nhiệm vụ hỗ trợ tinh thần
Đối với trẻ 0-3 tuổi, giai đoạn này là lúc nhu cầu tình cảm của trẻ mạnh nhất, cảm xúc đối với trẻ là quan trọng nhất, thậm chí còn hơn cả việc ăn uống đầy đủ. Hơn nữa, lúc này, trẻ chỉ hiểu được tình cảm của người thân khi được âu yếm, vuốt ve và yêu thương. Rất tiếc, trước sức ép cạnh tranh của xã hội hiện nay, không phải cha mẹ nào cũng có thể lo cho con cái về mọi mặt, nhiều đứa trẻ được giao cho người già nuôi nấng.
Trong trường hợp này, sự nuôi dưỡng tình cảm giữa cha mẹ và con cái thực sự không có, bề ngoài thì vấn đề không thực sự lớn nhưng càng về sau, chúng ta sẽ càng tìm ra vấn đề.
Nếu phải sống tách rời bố mẹ từ nhỏ sẽ là một thiệt thòi rất lớn với trẻ và cả cha mẹ. Khi đó, chính các bậc phụ huynh sẽ không được trải nghiệm những ngày tháng vất vả nuôi con, không phát triển cảm xúc với con. Ngoài ra, với ông bà tiên tiến không sao nhưng nếu ông bà chỉ dạy cháu theo kinh nghiệm và quá nuông chiều thì trẻ sẽ không được phát triển theo hướng bố mẹ mong muốn, việc giáo dục lại rất khó. Hơn nữa, những đứa trẻ sống xa bố mẹ lâu thường ít gắn bó, khó chia sẻ và khi trẻ càng lớn các phụ huynh càng khó thâm nhập vào đời sống nội tâm của con.
Con trai đặc biệt không tinh tế bằng con gái trong cách thể hiện tình cảm, bề ngoài có vẻ điềm đạm nhưng thực chất trong lòng chúng vẫn bị tác động và ảnh hưởng không kém.
Giáo sư Lý Mai Cẩn (Trung Quốc) đã nói: Trước khi đứa trẻ được 3 tuổi, tốt nhất nên được cha mẹ ruột của mình nuôi nấng, để đứa trẻ được quan tâm và đáp ứng nhu cầu tinh thần nhiều hơn. Cách nuôi dưỡng tình cảm này có tác dụng rất tốt đối với việc hình thành nhân cách lành mạnh của cậu bé và tránh được những cảm xúc xấu sau này. Quan trọng hơn, những đứa trẻ lớn lên với cha mẹ chúng sẽ ổn định hơn về mặt cảm xúc và cảm thấy an tâm hơn.
Trong trường hợp bắt buộc vì hoàn cảnh hay phải đi công tác xa mà nhờ ông bà nuôi cháu, bố mẹ ngoài việc thường xuyên liên lạc với con, nên trao đổi với ông bà nội để thống nhất về cách giáo dục trẻ.
02. Bước thứ hai (3-6 tuổi), làm tốt việc nuôi dạy tính cách
Giáo viên Lý Mai Cẩn đã hơn một lần nói rằng giáo dục nhân cách của trẻ em quan trọng hơn giáo dục khả năng. Và muốn làm tốt việc nuôi dạy tính cách con trai thì phải tận dụng tốt khoảng thời gian vàng từ 3 – 6 tuổi, trong những trường hợp bình thường, chúng ta có thể thực hiện việc nuôi dạy tính cách từ năm khía cạnh theo đặc điểm tâm lý của cậu bé.
Thứ nhất, trau dồi khả năng chịu đựng khó khăn của trẻ: Những đứa trẻ may mắn sinh ra trong điều kiện khá giả thường không phải động tay vào bất cứ chuyện gì. Trong hoàn cảnh như vậy, khả năng tự lập của trẻ sẽ trở nên rất kém, thậm chí khi gặp một chút khó khăn, trẻ luôn muốn từ bỏ.
Vì vậy, cha mẹ phải trau dồi khả năng chịu đựng khó khăn của trẻ trước khi trẻ 6 tuổi và hướng dẫn chúng làm những việc trong khả năng của mình như tự lấy đồ, thu dọn phòng … để trẻ hiểu rằng, các thành viên trong gia đình nên chia sẻ với nhau.
Thứ hai, để con trai học cách biết ơn: Truyền thông Trung Quốc từng đưa tin một thiếu niên sau khi thi xong đại học đã tiến về phía mẹ mình, quỳ xuống đất và nói một cách trìu mến: “Mẹ ơi, con cảm ơn mẹ suốt thời gian qua đã chăm chỉ làm việc nuôi con ăn học đến bây giờ”.
Khi nghe câu nói này, người mẹ không khỏi xúc động và bật khóc. Vậy là sau bao cay đắng, vất vả khi làm mẹ đơn thân, cuối cùng bà cũng có thể thấy con mình sống một cách tử tế. Cậu thiếu niên hiểu và biết ơn những vất vả mà mẹ mình đã phải trải qua suốt bao nhiêu năm. Kết quả kỳ tuyển sinh năm ấy, cậu được nhận vào Đại học Bưu chính Viễn thông Bắc Kinh với số điểm rất cao.
Khi cha mẹ nuôi dạy một đứa trẻ biết cách biết ơn, chúng sẽ nhận ra trách nhiệm của mình và không ngừng cố gắng, nỗ lực hơn. Nuôi dưỡng một đứa trẻ tài năng chưa hẳn đã là một điều tốt, nhưng nuôi dạy một đứa trẻ sống biết ơn là phước lành lớn nhất của bậc làm cha làm mẹ.
Thứ ba, học cách kiểm soát và kiên nhẫn: Cha mẹ cần giúp trẻ học tính tự chủ và khoan dung, để trẻ tự giác hơn. Sự kiên trì, nhẫn nại được hình thành qua quá trình học tập, rèn luyện lâu dài và không dễ gì có được. Chính vì vậy kiên nhẫn đồng nghĩa với việc biết kiềm chế bản thân là những đức tính mẹ cần dạy con ngay từ khi còn nhỏ. Nếu kịp thời hướng dẫn, dạy trẻ tính kiên nhẫn sẽ giúp bé ngày càng hoàn thiện nhân cách và phát triển tốt hơn cho tương lai về sau.
Thứ tư, không kìm nén cảm xúc: Ai cũng có những cảm xúc tiêu cực nhất định cần được trút bỏ, tuy nhiên điểm khác biệt lớn nhất giữa con trai và con gái đó là con trai thường có xu hướng kìm nén những cảm xúc thực sự bên trong của mình để bộc phát, thậm chí nổi loạn tột độ khi ở tuổi vị thành niên.
Ai cũng có cảm xúc, nên dạy trẻ cách trút giận và kiềm chế, dạy khi nào chúng có thể khóc và khi nào chúng nên được kiểm soát. Nếu cha mẹ giáo dục con cái theo cách này, trẻ sẽ biết cách kiểm soát cảm xúc của mình một cách có tính toán trong tương lai.
Thứ năm, rèn luyện khả năng phục hồi sau thất bại: Trẻ sẽ gặp rất nhiều khó khăn và vấp ngã trong quá trình lớn lên, đặc biệt là đối với các bé trai, một khi khả năng phản kháng của trẻ còn tương đối yếu và không thể trút bỏ được cảm xúc thì rất dễ rơi vào trạng thái tuyệt vọng. Cha mẹ phải nói với con rằng, thất bại không có gì ghê gớm và để trẻ chấp nhận sự thật này.
03. Bước thứ ba (6-12 tuổi), làm thật tốt việc rèn luyện khả năng
Đây được xem là giai đoạn vàng vô cùng quan trọng của các bé trai, chúng ta có thể trau dồi khả năng của trẻ từ 3 khía cạnh.
Đầu tiên là phát triển những thói quen tốt: Là cha mẹ, bạn có thể bắt đầu với thói quen lắng nghe, thói quen suy nghĩ, thói quen đọc sách và thói quen sinh hoạt của con bạn để giúp con tạo nền tảng cho thói quen tốt.
Thứ hai là phát triển khả năng học tập: Giúp trẻ có cách suy nghĩ đúng đắn, hình thành thói quen học tập tốt.
Cuối cùng, đó là trau dồi tính tự giác của trẻ: Một cậu bé có tính kỷ luật cao thường dễ chủ động học hỏi, sẵn sàng chấp nhận thử thách và cũng biết cách kiềm chế bản thân, điều này chắc chắn mang lại nhiều lợi ích cho việc hình thành tính cách và nét quyến rũ độc đáo của cậu ấy.
Tất nhiên, ngoài những điều trên, chúng ta cũng nên để trẻ có những thói quen vận động nhất định, vừa có thể khiến bé trai tỏa sáng ở bất cứ nơi đâu, vừa có thể phát triển tính cách ngoan cường và tinh thần cạnh tranh.
Nuôi dạy bé trai cần nhiều sức lực và thời gian hơn bé gái, điều này được quyết định bởi tính cách của bản thân các bé trai, tuy nhiên đối với các bậc cha mẹ, nếu có thể giúp con mình đi được ba bước vững vàng này thì trong cuộc sống tương lai trẻ sẽ được lợi vô cùng.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết