Trong đám cháy chiều 1/8, có đến 3 cán bộ, chiến sĩ đã mãi mãi không trở về. Người ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ, ước mơ vẫn còn dang dở, người ra đi để lại mẹ già, vợ trẻ, con thơ…
Làm lính cứu hỏa là ước mơ từ nhỏ của Trung úy Việt
Vụ cháy tại quán karaoke ISIS số 231 Quan Hoa (P.Quan Hoa, Q.Cầu Giấy, Hà Nội) chiều 1/8 đã cướp đi sinh mạng của 3 chiến sĩ Đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn Công an Q.Cầu Giấy. Họ là Trung tá Đặng Anh Quân, đội trưởng; Trung úy Đỗ Đức Việt và binh nhì Nguyễn Đình Phúc. Sau vụ việc, thi thể 3 chiến sĩ được đưa về Bệnh viện 19.8 Bộ Công an.
Tại nhà tang lễ Bệnh viện 19-8 Bộ Công An, bố của Trung úy Đỗ Đức Việt (sinh năm 1998) mặc dù cố giấu đi nỗi đau để đứng vững, gương mặt đẫm mồ hôi, nhưng thi thoảng ông vẫn lặng lẽ quay mặt đi khóc nghẹn.
Chiều 1/8, nhận cuộc điện thoại từ người cháu, ông như rụng rời: “Chú ơi, cháu nghe tin Việt đi chữa cháy gặp nạn, chú đến bệnh viện ngay nhé”.
Ông bỏ hết mọi công việc đang làm dở, tức tốc bắt xe ôm đến bệnh viện. Trong thâm tâm lúc đó, ông nghĩ rằng chắc con chỉ bị thương nhẹ, ông đã cầu nguyện nơi ông đến sẽ là phòng cấp cứu để ông có thêm chút hy vọng.
Nhưng khi đặt chân đến bệnh viện, ông lại được dẫn đến nhà tang lễ, nơi con trai ông nằm đó cùng 2 đồng đội. “Dù gia đình lo lắng nhưng biết con rất thích nghề lính cứu hỏa, chúng tôi chỉ biết ủng hộ. Chưa bao giờ nghĩ rằng con sẽ ra đi như vậy”, ông nói trong nghẹn ngào trên báo Tuổi trẻ.
Trên báo Thanh Niên, chị Đ.M, em gái Trung úy Đỗ Đức Việt, cho hay khi nhận tin sét đánh về người anh trai đã hy sinh, cô rất bàng hoàng và không muốn tin vào sự thật. “Có khi nào mặt anh ấy bị ám khói đen, nên họ nhận nhầm không anh?”, em gái Trung úy Việt vừa khóc vừa đặt câu hỏi đến những người bạn của anh trai.
Càng về chiều tối 1/8, rất đông thân nhân, bạn bè và đồng đội của 3 cán bộ, chiến sĩ hy sinh khi tham gia cứu nạn, chữa cháy quán karaoke trên phố Quan Hoa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã có mặt tại nhà tang lễ Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an). Họ có mặt từ chiều với ánh mắt hướng về nhà tang lễ khi thi thể của người thân, đồng đội được đưa về quàn tại đây.
Đau xót và những tiếng khóc nghẹn là những gì diễn ra quanh nhà tang lễ. Rất nhiều thân nhân, bạn bè khi có mặt tại đây không giấu được sự bàng hoàng trước sự ra đi của 3 cán bộ, chiến sĩ.
Nhận xét về Trung úy Việt, mọi người đều chia sẻ chàng thanh niên sinh năm 1998 này giàu tình cảm. Trở thành lính cứu hỏa là ước mơ của Việt từ thuở niên thiếu.
Trung tá, đội trưởng Đặng Anh Quân – người con trai hiếu thảo hiếm hoi
Tại nhà Trung tá Đặng Anh Quân ở phố Chùa Láng, phường Láng Thượng bao trùm không khí u buồn. Ông Đặng Văn Thu (SN 1963), chú họ của Trung tá Đặng Anh Quân vẫn chưa hết bàng hoàng, ông nói như muốn quên sự thật: “Không ai tin Quân đã hy sinh đâu”.
Nói về người cháu của mình, trên Vietnamnet, ông Thu bộc bạch: “Nó là người hiền lành, nhất mực hiếu thảo. Quân sinh năm 1977, khi lên 3 tuổi thì mồ côi cha. Cha của Quân là một nông dân, sinh ra và lớn lên ở phường Láng Thượng, khi đó là làng Láng nổi tiếng với đặc sản húng Láng. Trong một lần mua vôi về tôi, làm vật liệu xây nhà, cha của anh Quân ngã xuống hố và tử vong sau đó”.
Theo lời ông Thu, nhà có hai anh em, em gái của Trung tá Quân sinh năm 1978. Và sự trưởng thành của hai anh em đều từ sự tần tảo của người mẹ đã ở vậy nuôi hai con khôn lớn.
“Quân rất hiền, hay giúp đỡ bà con và rất mực hiếu thảo nên cả khu phố ai cũng thương yêu. Những ngày nghỉ phép, không lên cơ quan hay thời gian hết giờ làm việc, nó luôn ở nhà phụ giúp mẹ và vợ con. Ai cũng yêu quý, tự hào về người chiến sĩ cứu hoả”, ông Thu ngậm ngùi.
Bà Đặng Thị Thêu, hàng xóm liền kề với gia đình Trung tá Đặng Anh Quân rơm rớm nước mắt: “Chiều nay khi hay tin Quân hy sinh, tôi không tin, còn bảo ông nhà tôi sang hỏi bác Thủy (mẹ Trung tá Quân) xem thực hư. Ai ngờ đó lại là thực, mà đến giờ không ai tin cả”.
Bà Thêu cho hay, bà làm hàng xóm với nhà Trung tá Quân được hơn chục năm. “Cháu Quân rất hiếu thảo. Từ khi chồng mất vì tai nạn lao động, bà Thủy mở quán nước ở ven hồ chùa Láng. Những khi không đến cơ quan, Quân vẫn phụ giúp mẹ dọn hàng quán, cả gia đình êm ấm, không một điều tiếng gì. Còn Quân rất hay giúp đỡ bà con lối phố”, bà Thêu kể.
Chia sẻ thêm về Trung tá Quân, bà Thêu rưng rưng: “Quân rất thương mẹ. Cơ quan đi du lịch, nếu mẹ không đi thì anh và cả gia đình cũng ở nhà. Bao giờ có mẹ đi anh mới đi. Ở phố thị, có người con trai hiếu thảo như vậy, hiếm lắm”.
Như đã đưa tin, khoảng 13 giờ 15 ngày 1/8, Trung tâm chỉ huy Công an TP.Hà Nội nhận tin báo xảy ra vụ cháy tại quán karaoke ISIS đã điều động 10 xe chữa cháy cùng hơn 60 cán bộ chiến sĩ lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn thuộc Công an Q.Cầu Giấy và các đơn vị lân cận đến hiện trường tổ chức chữa cháy, cứu nạn.
Ngay sau khi tiếp cận hiện trường, 3 cán bộ, chiến sĩ cảnh sát phòng cháy chữa cháy đã hướng dẫn, cứu hộ 8 người ra ngoài an toàn, sau đó quay lại để cứu hộ, cứu hỏa. Khi 3 chiến sĩ lên tầng 4 thì cầu thang bị sập, cắt đứt đường vòi chữa cháy, đồng thời trần nhà sập xuống đè vào người khiến cả 3 hy sinh tại chỗ.
Theo Công an TP.Hà Nội, quán karaoke ISIS đang dừng hoạt động để sửa chữa thì xảy ra hỏa hoạn từ tầng 6. Công an TP.Hà Nội đang thống kê thiệt hại và làm rõ nguyên nhân vụ cháy.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết