Nếu con cái quá ỷ lại vào cha mẹ, lớn lên chúng khó lòng làm được việc lớn. Không những thế, việc trẻ sống dựa dẫm khiến chúng trở thành người lười biếng, nhút nhát.
Những đứa trẻ có tính ỷ lại thường gặp rắc rối trong tương lai. Bởi khi trưởng thành, rời xa vòng tay của cha mẹ thì hầu hết mọi việc con đều phải tự quyết định. Trong cuộc sống và công việc, con phải chấp nhận thử thách và hoàn thành nhiệm vụ một mình. Những đứa trẻ có tính phụ thuộc mạnh mẽ, thường không có khả năng làm việc độc lập.
Chúng sẽ nghĩ mình không có khả năng thực hiện thử thách này và không dám đương đầu. Vì thế, trẻ dễ dàng bị bỏ lỡ cơ hội này đến cơ hội khác, cuối cùng không làm được những điều to lớn.
Chính vì những lý do trên, cha mẹ cần chấn chỉnh lại ngay khi thấy con đang quá phụ thuộc vào mình. Dưới đây là 3 dấu hiệu cho thấy trẻ ỷ lại vào cha mẹ, phụ huynh tham khảo nhé!
1. Liên tục hỏi ý kiến bố mẹ khi đứng trước sự lựa chọn
Trước những điều mang tính lựa chọn, trẻ liên tục hỏi ý kiến của cha mẹ, ngay cả những điều đơn giản nhất như hôm nay mặc gì, đi giày gì, nên học môn gì trước… Con không thể đưa ra quyết định hay suy nghĩ của riêng mình mà phụ thuộc vào câu trả lời của người lớn thì đó là đứa trẻ đang ỷ lại vào cha mẹ.
Phụ huynh thường cho rằng, con hỏi ý kiến bố mẹ trong mọi chuyện như vậy là 1 đứa trẻ ngoan. Nhưng thực tế thì không phải vậy!
2. Để người khác đưa ra quyết định và hoàn toàn nghe theo
Từ 2 tuổi, trẻ đã có những chính kiến nhất định và muốn tự hành động theo ý mình. Nếu những hành động của con có thể chấp nhận, cha mẹ đừng vội phản đối. Bởi phụ huynh thay con quyết định, lâu dần trẻ sẽ hình thành tính cách ỷ lại và phụ thuộc vào cha mẹ. Khi lớn lên, chúng rất sợ sự thay đổi, lúc nào cũng muốn mọi thứ như cũ.
Khi cơ hội và thách thức đến, những người có tính cách như vậy thường khó nắm bắt. Nếu thấy mình đang phải thường xuyên nhắc nhở con trong việc ăn uống, thúc giục con học, đi tắm, đi ngủ… thì con bạn cũng đang quá phụ thuộc vào cha mẹ rồi đấy!
3. Trẻ luôn né tránh mọi vấn đề
Người có tính ỷ lại thường né tránh việc phải giải quyết vấn đề. Bởi sự phụ thuộc khiến trẻ cảm thấy con không đủ năng lực và tự tin để làm điều đó. Khi ấy con thường cầu cứu sự giúp đỡ của cha mẹ. Khi trẻ còn nhỏ, tính cách này có thể không gây cho chúng nhiều phiền toái, nhưng khi lớn lên, con sẽ gặp nhiều rắc rối vì sự ỷ lại của mình.
Nguyên nhân khiến trẻ ngày càng ỷ lại
1. Cha mẹ đáp ứng mọi đòi hỏi của con
Rất nhiều các ông bố bà mẹ hiện nay đang chiều con như.. vua. Bởi không thể chịu được sự mè nheo hay tiếng khóc của trẻ. Chỉ cần chúng đưa ra yêu cầu, phụ huynh liền hành động theo. Điều này khiến trẻ tự coi mình là trung tâm và có suy nghĩ không cần phải cố gắng cũng dễ dàng đạt được thứ chúng muốn.
2. Cha mẹ không cho con làm việc nhà
Nhiều phụ huynh thường nghĩ rằng, con bé như vậy không biết làm. Hoặc để chúng làm thì còn bừa bộn hơn, thôi làm cố cho xong. Việc này sẽ khiến trẻ không biết làm việc nhà, hoàn toàn phó thác cho cha mẹ.
Sự phụ thuộc quá nhiều vào cha mẹ sẽ phá hủy nền tảng của một đứa trẻ, dù sau này muốn đền đáp công ơn sinh thành nuôi dưỡng cũng không có khả năng thực hiện. Trước khi một đứa trẻ trở thành tài năng, điều quan trọng nhất bố mẹ cần dạy dỗ để con có thể trở thành một người độc lập. Dạy con làm việc nhà cũng là cách rèn sự tự lập của trẻ.
3. Bố mẹ không để con gặp thử thách
Không ít phụ huynh bao bọc con cái quá mức, không dám để cho con ra ngoài chơi vì sợ con ốm, sợ quần áo bẩn, sợ con bị ngã, gặp người xấu… Bên cạnh đó, mỗi khi con gặp rủi ro, tai nạn nhỏ, cha mẹ liền giải cứu trẻ nhanh chóng. Hành động này khiến trẻ dần mất đi tính tự chủ, tính trách nhiệm và trở thành người thích ỷ lại người khác.
4. Luôn đi theo sát bên để nhắc nhở, thúc giục con ở mọi lúc mọi nơi
Nhiều phụ huynh chỉ vì lo lắng thái quá, nên quen với việc theo sát con mình ở mọi lúc, mọi nơi để thúc giục, nhắc nhở con làm bài tập, làm việc nhà,… Sự thúc giục của cha mẹ cũng giống như “đồng hồ báo thức” khiến con cái trở nên ỷ lại, cha mẹ nhắc nhở thì con làm, cha mẹ không nhắc thì con cũng quên không làm. Lâu dần trẻ sẽ chờ đợi những câu ra lệnh hay quyết định của người lớn thì mới hành động.
5. Nuôi con trong môi trường hạn hẹp, không cho trẻ tiếp xúc với cộng đồng
Đứa trẻ ít được ra ngoài, không được gặp gỡ va chạm với người lạ, lớn lên chúng sẽ nhút nhát và sống khép mình. Khi ra ngoài tập thể, con không dám mạnh dạn bày tỏ ý kiến, suy nghĩ của mình. Con chỉ dám hùa theo số đông với suy nghĩ rằng mình không bị “vạch trần” cái sai, cái yếu kém,… Điều này lâu dần sẽ khiến trẻ trở nên phụ thuộc vào người khác và mất đi nhiều cơ hội thể hiện bản thân.
Làm thế nào để thay đổi tính cách này của con cái?
1. Giao việc nhà phù hợp cho trẻ
Đừng thay con làm mọi thứ, phụ huynh nên giao việc nhà cho trẻ. Tuy nhiên, cha mẹ cần lựa chọn những công việc phù hợp với khả năng, sức lực, lứa tuổi và sự nhận thức của trẻ. Ví dụ, trẻ 3-4 tuổi cha mẹ có thể giao cho trẻ các công việc như: giặt khăn mặt, tự rửa mặt,…
Từ 5-6 tuổi có thể giao cho trẻ rửa cốc chén, quét nhà, nhặt rau, chăm sóc vật nuôi trong nhà… Có thể con không làm hoàn hảo ngay nhưng cha mẹ đừng vội nản trí nhé.
2. Khích lệ trẻ tham gia các hoạt động thực tiễn xã hội
Thường xuyên đưa con tham gia các hoạt động thực tiễn xã hội như: đưa trẻ đi du lịch hè, đi thăm các bạn nhỏ khuyết tật, đến bảo tàng, cung thiếu nhi, tham gia tình nguyện ở khu phố, trường học… để trẻ nhận thức được tầm quan trọng của tính tự lập trong cuộc sống.
3. Cho trẻ tự quyết định những việc của chúng
Hãy mạnh dạn cho con tự lựa chọn, thực hiện và có hội học tập từ những thất bại, va vấp sẽ dạy trẻ cách làm tốt hơn ở lần sau.
4. Không đáp ứng mọi yêu cầu của con
Thay vì chiều chuộng mọi yêu cầu của con, cha mẹ nên cân nhắc những đòi hỏi của trẻ. Có những yêu cầu vô lý của trẻ, phụ huynh có thể thẳng thắn không đồng ý. Bên cạnh đó cha mẹ yêu cầu bé đưa ra những lí do hợp lí để thuyết phục mình, nhờ vào đó bé sẽ phải nghiêm túc suy nghĩ và có động lực để cố gắng nhiều hơn nữa.
5. Cho con tự chơi
Nên thường xuyên dẫn con đi các nơi vui chơi đông người, tạo môi trường cho trẻ tiếp xúc nhiều người cũng như khuyến khích trẻ tự giao tiếp, làm quen thêm các bạn mới tại nơi vui chơi.
6. Để trẻ chịu trách nhiệm với cuộc sống của chúng
Khi trẻ đã phát triển tới giai đoạn tự mình có thể làm được những công việc đơn giản như mặc quần áo, thu dọn đồ chơi sau khi chơi thì cha mẹ hãy để trẻ tự làm. Hoặc khi trẻ có sai lầm gì đó, thay vì thay con giải quyết, cha mẹ nên để trẻ đối mặt. Đừng bảo vệ và bao bọc con mình quá sẽ làm chúng sinh hư, ỷ lại hơn khi lớn lên.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết