Nhiều gia đình có thói quen bày vàng mã trên ban thờ, nhưng do quên hóa mã trước khi năm mới đến, hoặc hóa mã sai cách thì lại không tốt cho việc luân chuyển tiền bạc dồi dào để cho năm sau tốt hơn, nhiều hơn năm trước.
1. Quên hóa vàng mã trên ban thờ dịp cuối năm, sang năm mới làm ăn có thể gặp khó khăn
Mặc dù tiền vàng mã không được khuyến khích dùng vì những lý do đề phòng hỏa hoạn và ảnh hưởng môi trường, nhưng theo quan niệm dân gian và thói quen truyền đời, đây vẫn là những đồ thờ cúng nhiều gia đình quen bày biện trên ban thờ quanh năm.
Nhưng theo các chuyên gia phong thủy thì thói quen bày tiền mã vàng mã lưu trên bàn thờ cả năm là không nên – nhất là khi Tết sắp tới, có những công việc mới – thì những đồ mã đó cần đốt hóa hết dịp cuối năm, để sang năm mới mọi thứ đều tươi mới.
Nếu để quên không hóa tiền mã, vàng mã dịp cuối năm thì việc làm ăn của năm mới rất có thể sẽ bị ngưng trệ, gặp nhiều khó khăn. Việc hóa vàng mã lưu trên ban thờ nên làm vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm – như thế gia chủ mới có sự luân chuyển về tiền bạc dồi dào, năm sau nhiều hơn năm trước.
2. Xử lý những “lộc lá” xin về
Những cành vàng lá ngọc được “ban” ở các chùa chiền, miếu phủ, điện thờ… theo nhiều người quan niệm không nên đặt lên ban thờ – bởi có rất nhiều vấn đề xung quanh (như cành vàng lá ngọc có được bày bán ở chỗ sạch, cất giữ ở nơi có bị ô uế hay không…). Quan trọng hơn cả là những cành vàng lá ngọc đó có bị nhiễm năng lượng xấu, nhiễm bụi – khuẩn bẩn, hay những thứ không lành khác nữa.
Nhiều người dân đi lễ đã “xin lộc” về cắm ở nhà mình. Nhưng việc “xin lộc” cành vàng lá ngọc mang về đặt lên ban thờ gia tiên là điều không nên làm, hoặc có làm cần được các nhà tâm linh tư vấn xem xét kỹ lưỡng. Nhưng tốt nhất mọi người không nên mang về vì có thể ở những nơi đó có nhiều năng lượng xấu và nhiều thứ bám vào…
Nếu tới chùa chiền, di tích mua những cành vàng lá ngọc đó dâng lên thì sẽ có công đức, nhưng sau khi cúng lễ xong thì nên hóa đi, không nên mang về nhà.
Đại đức Thích Thanh Hải cũng cho rằng, bày cành vàng lá ngọc lên ban thờ là theo triết lý dân gian, còn theo nhà Phật thì không có điều này.
Đi lễ trong năm, hay đi lễ đầu xuân người dân hay mua những cành vàng lá ngọc để cầu sự phú quý, cầu may – chứ không phải vật phẩm để thờ cúng. Nếu muốn bày lên ban thờ cho đẹp mắt thì nên mua mới, nhưng tới ngày Rằm tháng Giêng thì hóa luôn.
Ban thờ là nơi linh thiêng của cả nhà, đồ thờ cúng phải sạch sẽ, thanh khiết. Chính tín là đồ thờ trên ban thờ phải là đồ thật, thanh tịnh. Vì thế không nên đặt những “lộc lá”, xin những cành vàng, lá ngọc đã cúng về nhà, rồi cắm cái ngược cái xuôi vừa làm ban thờ rườm rà, vừa không thông thoáng, lại lãng phí và là mê tín.
3. Không tùy tiện cắm chân hương vòng vào bát hương
Một số gia đình hay cắm trụ sắt giữa bát hương để thắp hương vòng – việc này theo các nhà tâm linh cũng không nên – bởi bát hương cần tĩnh và nghiêm cẩn, không tùy tiện cắm bất cứ thứ gì vào đó vì có thể làm “động” bát hương, gây xui xẻo cho gia chủ.
Nếu muốn cắm trụ sắt mà không “động” bát hương thì ngày 23 tháng chạp là thời điểm tốt để bao sái bát hương, tỉa chân hương – thì sau khi bao sái xong hãy cắm trụ sắt thật thẳng, vững vào chính giữa bát hương.
Sau khi hoàn tất việc dọn dẹp bàn thờ, khấn vái xong gia chủ sẽ thắp hương vòng lên trụ sắt.
Ngày nay có nhiều đĩa, khay, tháp dùng để thắp hương vòng rất đẹp và tiện lợi, không phải cắm trụ sắt vào trong bát hương, vừa tránh động bát hương, mà làm sạch rất dễ dàng.
Ngày lễ tết chỉ cần đặt hương vòng vào đĩa, khay, tháp đó và đốt hương vòng – như thế vừa tránh được việc “động” bát hương, vừa dễ thắp hương vòng, việc làm sạch cũng nhanh chóng.
Một ban thờ sẽ là tốt nếu có đủ ngũ hành (Kim là đồ kim loại, Mộc là hương, Thủy là nước, Hỏa là đèn nến, Thổ là bát hương, tro) nhưng các đồ kim loại như đỉnh đồng, lư đồng, bát hương đồng, hạc đồng, chân nến… bằng kim loại không nên đặt nhiều – vì đặt nhiều đồ kim loại đồng nặng và lớn trên ban thờ sẽ không tốt, khói hương có thể làm khuyếch tán phụ liệu trong đồ đồng, ảnh hưởng tới sức khỏe gia chủ.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết