Nhiều khi chúng ta bỏ qua những dấu hiệu đáng cảnh giác trong mối quan hệ hôn nhân để rồi phải hối hận.
Yêu thì dễ, kết hôn và duy trì hôn nhân yên bình, hạnh phúc thì không đơn giản.
Muốn trở thành vợ chồng lâu bền và gắn bó, cả hai bên cần chung tay góp sức cho cuộc hôn nhân . Tuy nhiên, dù cố gắng thế nào đôi khi vẫn như “muối bỏ bể”.
Trong cuộc sống vợ chồng, có 4 điều xảy đến được coi là “báo động đỏ”, khiến cho mối quan hệ hai bên sứt mẻ, khó lòng duy trì hạnh phúc.
1. Không còn gì để nói với nhau
Sự giao tiếp chính là một chìa khóa quan trọng trong tất cả các vấn đề của cuộc sống hôn nhân. Hai bên có quan tâm nhau, thấu hiểu nhau hay không thì cũng từ những câu trao đổi, nói chuyện trong ngày. Biểu hiện của tình yêu là hai bên có chuyện để tâm sự, sau khi tan sở về nhà mỗi người kể về điều thú vị với người kia. Cả hai thoải mái trao đổi chuyện gia đình, cuộc sống, bàn tính chuyện tương lai.
Nhiều vấn đề trong cuộc sống cũng từ nói chuyện mà tháo gỡ, khúc mắc cũng sẽ dần dần không còn tồn tại.
Một khi hai người ngồi bên nhau mà nhìn điện thoại còn hơn nhìn vào đối phương, không nói được nhiều câu và chẳng quan tâm đối phương nghĩ gì thì chứng tỏ tình cảm trục trặc lớn. Mối quan hệ dù có thân mật đến mức nào đi chăng nữa mà rơi vào tình trạng đó cũng có lúc rạn nứt. Với hôn nhân, nó thực sự là “báo động đỏ”, cần phải cảnh giác.
2. Mâu thuẫn quan điểm nghiêm trọng
Nền tảng của việc chung góc nhìn, chung quan điểm vô cùng quan trọng với hôn nhân. Nếu như hai vợ chồng bất đồng quan điểm sống, hai bên luôn không hiểu ý nhau, ý kiến về nhiều vấn đề khác biệt thì thật sự là một tai họa lớn. Hôn nhân như vậy có thể duy trì trước mắt, mâu thuẫn sẽ ngày càng tăng và sâu sắc dần theo thời gian.
Trong một cuộc hôn nhân không chỉ có vợ chồng mà còn có con cái. Sau này, có con rồi cả hai vẫn quan điểm khác nhau, không chịu thỏa hiệp thì sẽ kéo theo nhiều vấn đề to lớn khác nữa. Đơn giản như chuyện dạy con cũng đủ để phát sinh cãi vã, tác động tâm lý rồi xung đột, xích mích.
Một cuộc hôn nhân lúc nào hai vợ chồng cũng đứng trên góc nhìn khác biệt, ở hai đầu chiến tuyến thì làm sao mà hòa hợp được. Đã không hòa hợp thì rất khó để cả hai có thể vui vẻ và mối quan hệ bền chặt dài lâu.
3. Không còn tin tưởng nhau
Vợ và chồng là mối quan hệ thân mật bậc nhất. Một trong những điều quan trọng trong mối quan hệ này chính là sự tin tưởng lẫn nhau.
Với mối quan hệ nào cũng thế, có tin tưởng thì mới có thể duy trì bền lâu. Vợ chồng lại càng như vậy. Tuy nhiên, một khi lòng tin bị rạn nứt thì cả hai bên đều cảm thấy vô cùng khó xử. Sự nghi ngờ tồn tại sẽ giết chết mối quan hệ cực nhanh. Cả hai bên không thể phân định được lúc nào đối phương nói thật, lúc nào nói dối. Sự nghi ngờ bủa vây khiến cả hai sống vô cùng mệt mỏi.
Mối quan hệ không có lòng tin thì rất khó bền chặt lâu dài. Bởi vậy, khi cảm thấy sự mất tin tưởng xuất hiện, cả hai nên ngồi lại và trao đổi với đối phương. Nếu không thì rất khó để giải quyết toàn bộ vấn đề và cuộc hôn nhân dễ dàng đi đến hồi kết.
4. Sống như người lạ chung nhà
Hai vợ chồng ở chung một mái nhà nhưng cách ở chung như bạn cùng phòng, không thân thiết bằng đồng nghiệp, không thể dễ dàng chuyện trò như bạn thân, đây chắc chắn là điều đáng buồn bậc nhất của hôn nhân.
Trên thực tế, tình trạng này diễn ra khá phổ biến. Nhiều cặp vợ chồng kết hôn, đặc biệt là sau khi sinh con xong trở nên thiếu kiên nhẫn với nhau. Họ không còn đối mặt với đối phương bằng sự thấu hiểu nữa. Các cuộc cãi vã tăng dần lên, sự mệt mỏi lúc nào cũng bủa vây.
Vấn đề nhỏ nhặt tích tụ thì cũng thành vấn đề lớn. Rồi đến một ngày, cả hai vô cùng mệt mỏi với đối phương và trở nên không còn quan tâm đến những vấn đề chung trong nhà nữa. Họ vẫn sống chung nhưng mối quan tâm không giống nhau, không chuyện trò tâm sự, không bàn tính chuyện tương lai. Mối quan hệ của họ thậm chí còn chẳng được thân thiết như bạn bè. Đây rõ ràng là một dấu hiệu báo hiệu rằng mối quan hệ phải chăng đã đến hồi kết thúc.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết