Theo chuyên gia nghiên cứu về khoa học thần kinh và hoạt động trí óc, kỹ năng này giúp nhiều người thành công vạch rõ những ý tưởng và hiện thực hoá chúng.
Thông tin là nền tảng cơ bản của mọi thứ chúng ta làm. Cho dù đó là thực hiện dự án tại nơi làm việc hay học kỹ năng mới, tất cả đều yêu cầu kỹ năng tìm kiếm và sử dụng đúng dữ liệu.
Nhưng có lúc bạn sẽ bị xáo trộn tinh thần và căng thẳng, khó nhớ lại mọi thứ. Chuyên gia khoa học thần kinh và năng suất Tiago Forte nhận thấy rằng những người thành công nhất luôn trau dồi trí nhớ của họ. Việc làm này giúp ý tưởng của họ trở nên cụ thể hơn.
Với trí nhớ tốt, chúng ta có thể mã hóa, lưu trữ, lưu giữ và sau đó nhớ lại thông tin hay kinh nghiệm trong quá khứ. Những dữ liệu quan trọng giúp chúng ta vượt qua những chướng ngại vật trên con đường tới thành công.
Forte đã đúc kết kinh nghiệm rèn luyện trí nhớ bằng phương pháp 4 bước “CODE”, viết tắt của các chữ: Capture (nắm bắt), organize (sắp xếp), distill (chắt lọc) và express (thể hiện).
1. Nắm bắt: Chỉ ghi nhớ những gì đắt giá
Phần lớn thông tin, sự vật sự việc chúng ta bắt gặp đều hữu ích và thú vị. Chẳng hạn các bài viết hướng dẫn cách làm việc hiệu quả hơn, bài học kinh nghiệm quý báu hay những bức hình truyền cảm hứng về người tốt việc tốt…
Nhưng chúng ta không thể ghi nhớ 100% thông tin từ những gì mình thấy. Theo Forte, 4 tiêu chí này sẽ giúp bạn nắm bắt được đâu là thông tin cần ghi nhớ.
Đầu tiên, bạn cần trả lời câu hỏi “Thông tin/câu chuyện có truyền cảm hứng cho bạn không?”. Cảm hứng là một trong những trải nghiệm quý giá nhất của cuộc đời. Đó là nhiên liệu bạn cần để làm việc một cách tốt nhất.
Thứ hai, thông tin đó có hữu ích không? Không phải lúc nào dữ liệu thống kê, kết quả nghiên cứu hay sơ đồ cũng có thể truyền cảm hứng. Nhưng chúng là những thông tin có thể hữu ích trong tương lai.
Thứ ba, thông tin có mang tính cá nhân không? Forte chia sẻ rằng anh thường chụp ảnh màn hình tin nhắn hội thoại với người thân và bạn bè. Với Forte, đó là những khoảnh khắc ấm áp và hài hước mà anh trân quý.
Cuối cùng, thông tin đó có tính bất ngờ không? Nếu thông tin này không khiến bạn cảm thất bất ngờ hay ngạc nhiên, điều đó có nghĩa là bạn đã phần nào biết về chúng.
2. Sắp xếp
Chúng ta không thể lưu trữ từng chút thông tin trong bộ não của mình. Song Forte đưa ra cách sắp xếp các ý tưởng sao cho hợp lý và dễ nhớ với hệ thống 4 nhóm. Mọi thông tin bạn muốn lưu trữ có thể được ghi nhớ dễ dàng hơn.
Thứ nhất là dự án. Đó là những nỗ lực ngắn hạn bạn đang thực hiện, chẳng hạn như hoàn thành việc thiết kế trang web, khoá học ngôn ngữ…
Tiếp đó là lĩnh vực – các trách nhiệm dài hạn bạn muốn quản lý theo thời gian. Ví dụ, “tài chính” là lĩnh vực trong cuộc sống mà không xác định được ngày kết thúc. Đó là vấn đề chúng ta luôn đau đáu suy nghĩ và quản lý, chừng nào chúng ta còn sống.
Kế đến là nguồn lực. Bạn cần suy nghĩ về những gì bạn quan tâm (ví dụ: Kiến trúc, thiết kế nội thất…), các chủ đề bạn đang nghiên cứu (cách quản lý dự án, tiền bạc…) và thông tin hữu ích mà bạn muốn tham khảo (điểm du lịch…).
Sau cùng là lưu trữ, những thứ còn lại không nằm trong 3 danh mục trên. Đó có thể là các dự án đã hoàn thành hoặc bị huỷ bỏ, sở thích bạn từng hứng thú… Forte đánh giá kho lưu trữ này rất quan trọng bởi bạn có thể dùng đến những thông tin này trong tương lai.
3. Chắt lọc: Tìm ra “tinh chất”
Sau khi trải qua 2 bước đầu, bạn trở nên sáng suốt và chọn lọc hơn về thông tin bạn sử dụng, đặc biệt ưu tiên những nội dung chất lượng nhất. Bạn nên hình thành thói quen sử dụng giấy nhớ để ghi chú lại những thông tin, ý tưởng hữu ích.
Mỗi lúc ghi chú, hãy đặt câu hỏi cho bản thân: “Làm cách nào bạn có thể biến nột dung này trở nên hữu ích trong tương lai?”. Câu hỏi này sẽ dẫn bạn đến những câu hỏi phụ như “Bạn đang nghĩ gì”, “Điều gì đã thu hút sự chú ý của bạn”…
Việc ghi lại và lưu các ghi chú thường dẫn đến bộ sưu tập thông tin lớn. Mỗi ý tưởng đều có “bản chất” hoặc trái tim hay linh hồn. Có thể mất hàng trăm trang hay hàng nghìn chữ để giải thích ý tưởng. Do vậy, bạn cần tìm cách để truyền tải thông điệp cốt lõi chỉ trong 1-2 câu.
4. Thể hiện “tác phẩm”
Tất cả 3 bước đầu – nắm bắt, sắp xếp và chắt lọc – đều hướng tới mục đích cuối: Chia sẻ ý tưởng, kiến thức hay câu chuyện của riêng bạn với những người khác.
Qua thời gian, những mẩu ghi chú giúp bạn hiểu được quá trình thăng hạng của bản thân và xác định lộ trình phát triển rõ ràng. Những thông tin, kiến thức bạn tích luỹ được có thể được dùng làm lý lẽ thuyết phục mạnh mẽ, xây dựng danh tiếng…
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết