Những tưởng là thế hệ sung sướng, “cái gì cũng có”, nhưng thật ra mỗi gen Z sắp vào đời đều đang đối mặt với những thách thức rất riêng của thế hệ mình.
Thế hệ Z là những người sinh ra từ năm 1996, được dự đoán sẽ chiếm 25% lực lượng lao động Việt Nam trong năm 2025, tương đương 15 triệu người (theo nghiên cứu của Nielsen, 2018).
Lớn lên và trưởng thành trong thời kỳ bùng nổ Internet, smartphone, là những “cư dân mạng xã hội” đích thực, Thế hệ Z có những giá trị, thế mạnh và thử thách rất riêng, không giống thế hệ nào trước đây.
Gắn bó với công nghệ và mạng xã hội từ nhỏ, họ có khả năng tạo đột phá trong nhiều lĩnh vực, nhưng cũng chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực đi kèm. Và bởi đại dịch Covid-19, chưa thế hệ nào phải đối mặt với tương lai công việc và nghề nghiệp bất định như những gì Gen Z đang trải qua.
Làm sao để Gen Z vững vàng vào đời, đi qua khó khăn và phát huy tốt những điểm mạnh của thế hệ mình? 5 cuốn sách chất lượng dưới đây có thể là người bạn đồng hành cùng họ.
Gen Z là thế hệ phải chứng kiến hai “cú sốc” lớn trong quá trình lớn lên và trưởng thành: suy thoái kinh tế năm 2008 và đại dịch Covid-19, mà đi kèm với đó là những bất an về việc làm và tài chính cá nhân.
Do đó, hầu như bạn trẻ thuộc Thế hệ Z đều có ý thức mạnh mẽ về tiền bạc. Vì không muốn chịu cảnh rỗng túi hay nợ ngập đầu, họ sớm quan tâm đến tiết kiệm, quản lý chi tiêu và đầu tư.
1. Sách tài chính cá nhân – “Người giàu có nhất thành Babylon“
Ra đời từ năm 1926, nhưng “Người giàu có nhất thành Babylon” luôn đứng đầu trong danh sách các ấn phẩm phải đọc về tài chính cá nhân. Các phương cách kiếm tiền, giữ tiền và sinh lợi từ tiền trong sách dễ hiểu và sâu sắc hơn bất cứ bài giảng thời hiện đại nào mà Gen Z có thể tìm thấy.
Chỉ cần lật vài trang đầu tiên và bạn sẽ nhận ra ngay tại sao cuốn sách này kinh điển đến vậy. Thông qua những câu chuyện làm giàu đơn giản mà thấm thía tại thành Babylon cổ đại, George Clason chỉ ra những quy luật cốt lõi nhất về đồng tiền, dòng tiền, khơi gợi “lòng ham thích làm giàu” trong mỗi bạn trẻ.
Chẳng hạn, bài học về tiết kiệm được đúc kết trong sách: “Đối với những người sẵn sàng dành ra 1/10 số tiền kiếm được để tích lũy cho riêng mình trong tương lai, thì vàng sẽ đến và đến với số lượng ngày càng nhiều”.
Hoặc bài học về an toàn tài chính: “Ẩn sau những bức tường được xây nên bởi bảo hiểm, tiết kiệm, và kế hoạch đầu tư hợp lý, ta có thể bảo vệ mình khỏi những tai ương bất ngờ”.
Cuốn sách giúp bạn trẻ nhận ra rằng an toàn tài chính và sự giàu có không hề xa vời, và bất cứ ai cũng cần bắt đầu tích lũy cũng như làm giàu ngay từ khi còn trẻ dù cho xuất phát điểm của thu nhập có khiêm tốn như thế nào.
2. Sách làm điểm tựa cho cảm xúc – “Hiểu về trái tim”
Với những giá trị khác biệt, Gen Z thường xung khắc với những thế hệ trước, đồng thời chịu nhiều sức ép từ kỳ vọng của người thân. Thêm vào đó, công nghệ và môi trường trực tuyến gia tăng trong họ cảm giác cô đơn, còn mạng xã hội thì tạo thêm nhiều áp lực đồng trang lứa.
“Hiểu về trái tim” được trình làng năm 2011, là cuốn sách mà nhiều thế hệ độc giả Việt Nam tìm đến khi chông chênh cảm xúc. Sách gồm 50 bài viết bàn về 50 khái niệm gắn liền với cuộc sống thường ngày – những điều mà những bạn trẻ rất thường xuyên nghĩ về: tức giận, cô đơn, yếu đuối, khổ đau, hạnh phúc, thất bại, thành công, tuyệt vọng, thảnh thơi…
Thiền sư Minh Niệm liên tục đẩy giới hạn suy nghĩ của người đọc về bản chất của những vấn đề và cảm xúc mà họ đang đối diện. Đọc sách, đôi khi bạn sẽ phải tự hỏi, thái độ mình đang đối mặt với yêu thương, giận dữ, cô đơn, buồn bã, rốt cuộc có đúng đắn? Đâu là một cảm xúc được gắn nhãn là tốt nhưng sẽ có hại nếu ta cứ lậm vào nó, và đâu là cảm xúc ban đầu bị cho là xấu nhưng lại cần thiết cho hành trình hoàn thiện mình?
Không chỉ được đúc kết từ trải nghiệm và quan sát cá nhân suốt gần 20 năm của vị thiền sư, “Hiểu về trái tim” còn có sự đối chiếu và tổng hợp từ đạo Phật, tâm lý học, khoa học và truyền thống văn hóa Việt Nam. Vì thế, cuốn sách là một nguồn tham khảo phong phú và đáng tin cậy để bạn đọc trẻ tập sống hài hòa với cảm xúc chính mình.
3. Sách về hạnh phúc – “Flow – Dòng chảy“
Thế giới việc làm ngày càng bất ổn, biến đổi khí hậu dường như không thể đảo ngược, các tổ chức ngày một thiếu minh bạch… Từ nguồn thông tin đa chiều và không giới hạn, Gen Z thấy rõ mọi nguy cơ vĩ mô đó. Vì thế, đây cũng có thể là thế hệ có cái nhìn bi quan nhất về hạnh phúc.
Cuốn sách “Flow – Dòng chảy” có thể đem đến cho Thế hệ Z một gợi ý ít nhiều lạc quan. Theo tiến sĩ tâm lý học Mihaly Csikszentmihalyi, hạnh phúc đích thực không được xây dựng trên sự tiện nghi, giàu có, quyền lực, hay sự công nhận của xã hội – những điều Gen Z ngày một khó tiếp cận.
Tác phẩm và đồng thời là công trình nghiên cứu tâm lý học này cũng không hề hướng tới những ảo tưởng về hạnh phúc mang tính thỏa mãn tức thời. Mà trong “Flow – Dòng chảy”, Mihaly cho rằng con người có thể tạo nên “hạnh phúc tự thân”, một kiểu hạnh phúc lành mạnh, bền vững và… bất chấp ngoại cảnh.
“Cuốn sách sẽ khảo sát quá trình đạt được hạnh phúc thông qua sự kiểm soát đời sống nội tại của một người”, Mihaly viết. “Đời sống nội tại”, cụ thể hơn, là một trạng thái tối ưu trong tâm trí (ông gọi là “trạng thái dòng chảy”), mà khi đạt được nó, con người cảm thấy hưng phấn, có kết nối sâu sắc với thực tại, và được hòa mình trọn vẹn vào cuộc sống.
4. Sách về tư duy xác đáng, không định kiến – “Tư duy truy tìm sự thật”
Được tiếp cận nguồn thông tin từ Internet và mạng xã hội từ khi còn nhỏ, Gen Z rất đa nghi, tỉnh táo và không dễ bị dắt mũi bởi người nổi tiếng, nhãn hàng, hay chính trị gia. Và cũng khác hẳn với thế hệ cha mẹ mình, họ ý thức và đề phòng định kiến – từ người khác lẫn từ chính bản thân, đồng thời rất cởi mở với những giá trị, quan điểm và văn hóa khác biệt. Nói ngắn gọn, họ tôn sùng quyền tự do, sự chính xác và tính cởi mở.
“Tư duy truy tìm sự thật” của nữ tác giả Julia Galef là ấn phẩm mà Thế hệ Z sẽ gật gù khi cầm trên tay. Trong sách, Julia phân tích các “bẫy tư duy” mà nhiều người mắc phải: bóp méo hoặc vô thức chọn lọc thông tin, thiên kiến cá nhân, tinh thần bè phái… (những hành vi cô gọi chung là “tư duy chiến binh”).
Bên cạnh đó, Julia gọi tên lối tư duy hướng về sự thật là “tư duy trinh sát”. Nữ tác giả cũng hướng dẫn bạn trẻ cách vượt lên trên mọi thiên kiến và động cơ, để “nhìn nhận thế giới như đúng bản chất của nó” và đưa ra nhận định xác đáng trong mọi tình huống và vấn đề.
5. Sách “thay đổi thế giới” – “Miền đất hứa”
Cuối cùng, có một phẩm chất chung rất đẹp đẽ nơi Thế hệ Z, là mong muốn chung tay thay đổi thế giới. Theo nghiên cứu của Nielsen năm 2018, Gen Z rất quan tâm đến các vấn đề xã hội, như môi trường, bình đẳng giới, tính công bằng, bền vững của những hệ thống và tổ chức.
Sự “quan tâm” của Gen Z không chỉ dừng lại ở nhận thức hay lên tiếng, mà họ còn hành động. Từ các phong trào #MeToo đến Black Lives Matter, từ chính trị đến môi trường, ta thấy rằng chính Thế hệ Z đã và đang tạo nên những đổi thay thực sự cho thế giới này.
Trong cuốn hồi ký “Miền đất hứa”, Barack Obama, vị tổng thống Mỹ da màu đầu tiên đã kể lại hành trình của ông, từ những năm tháng trưởng thành, quá trình tranh cử cho đến 2 năm đầu đầy khó khăn và xúc cảm bên trong Nhà Trắng.
Và bởi vì kim chỉ nam trong suốt quá trình đó là lý tưởng của Obama về một thế giới tốt đẹp hơn, “Miền đất hứa” đã trở nên sống động, sâu sắc và thực tế hơn bất kỳ cuốn “cẩm nang thay đổi thế giới” nào khác.
Lần theo lời kể của Obama về chặng đường đã qua, bạn trẻ sẽ hiểu sâu sắc về cách thế giới và xã hội vận hành, cách các vấn đề môi trường, chiến tranh, khủng hoảng tài chính, bất bình đẳng kinh tế… được những nhà lãnh đạo đặt lên bàn làm việc và giải quyết ra sao.
Những nỗi hoài nghi về tính hiệu quả của giải pháp cũng được Barack Obama thổ lộ thành thật trong sách. Một mặt, sách khiến các độc giả trẻ nhận ra sự phũ phàng của thực tế, mà thông qua đó, những ý tưởng mơ hồ sẽ được hiện rõ nét. Mặt khác, những nỗ lực không mệt mỏi của Obama trong “Miền đất hứa” cũng sẽ là nguồn cảm hứng bất tận để những bạn trẻ Gen Z thêm kiên trì, tiếp tục xây dựng một thế giới tốt đẹp, nhiều hy vọng hơn.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết