Khi gan có vấn đề, rất nhiều bộ phận trên cơ thể sẽ phát ra cảnh báo. Tuy nhiên, đa số chúng ta lại không để ý đến những bất thường ở vùng đầu và mặt.
Độ cứng của gan có thể cung cấp các thông tin dự báo cũng như tiên lượng nguy cơ xơ gan, ung thư gan và khả năng sống. Đặc biệt là ở bệnh nhân viêm gan virus B và C mạn tính.
Gan càng cứng chứng tỏ bạn có nguy cơ mắc bệnh về gan càng cao, trong đó phổ biến nhất là xơ gan. Vì vậy, bệnh xơ gan còn được gọi là chai gan. Nó chỉ giai đoạn sau của viêm gan mạn tính, là hậu quả của việc bị các tác nhân gây hại cho gan tấn công trong thời gian dài. Từ đó dẫn đến tế bào gan bị hư hại, chết dần và tạo ra các mô sẹo, không phục hồi được làm gan chai cứng dần dần và không thể thực hiện chức năng bình thường của gan.
Ở giai đoạn đầu, do chức năng bù trừ của gan còn mạnh nên các triệu chứng cũng chưa rõ ràng. Tuy nhiên, ngay khi gan bắt đầu cứng lại thì trên vùng đầu và mặt sẽ phát ra 6 dấu hiệu cảnh báo mà chúng ta dễ bị bỏ qua sau đây:
1. Quầng thâm mắt ngày càng nặng
Gan có chức năng dự trữ máu, khi gan không tốt sẽ ảnh hưởng đến cả khí và huyết. Vì vậy y học cổ truyền cho rằng một khi gan cứng lại sẽ khiến chức năng này bị rối loạn, dẫn tới ngưng tụ thành huyết ứ, gây ra quầng thâm mắt ngày càng nặng.
Lúc này, dù bạn ngủ đủ giấc thì quầng thâm mắt vẫn sẽ ngày càng đậm và to lên một cách bất thường. Vùng quanh mắt cũng là nơi độc tố do quá trình chuyển hóa của gan dễ tích tụ nên tốt nhất hãy đi khám bác sĩ trước khi xơ gan, ung thư gan “gõ cửa” nhé!
2. Đầu mũi bị mẩn đỏ
Nhiều người thường xem nhẹ triệu chứng mũi bị mẩn đỏ thường xuyên một cách bất thường mà không biết rằng đó là dấu hiệu “cầu cứu” từ gan.
Khi chức năng trao đổi chất của gan không bình thường, estrogen trong cơ thể sẽ bị rối loạn dẫn đến tình trạng dư thừa estrogen trong máu. Nó được vận chuyển đến nhiều cơ quan khác nhau của cơ thể thông qua các mạch máu, khiến các mao mạch và tế bào trên mũi bị kích thích ở một mức độ nhất định, dẫn đến đầu mũi đỏ và có thể ngứa.
3. Tóc bạc ở thái dương
Y học cổ truyền cho rằng phần tóc ở hai bên của thái dương trở lên chính là khu vực tương ứng phản ánh tình trạng của gan trong cơ thể. Nếu tóc ở khu vực này chuyển sang màu bạc trước các vùng còn lại trên đầu thì rất có thể bệnh gan đang âm thầm tàn phá cơ thể bạn.
Bởi vì khi chức năng gan bị tổn thương cũng sẽ ảnh hưởng đến tốc độ trao đổi chất của cơ thể cũng như chức năng tuần hoàn máu. Hậu quả là trung khu thần kinh của não bộ không thể cung cấp chất dinh dưỡng cho các nang tóc trên da đầu. Từ đó khiến các tế bào bề mặt của da đầu thiếu oxy và máu, khiến tóc bạc nhanh hơn, nhất là vùng tóc ở thái dương.
4. Tóc nhờn
Ngoài tóc bạc bất thường, tóc nhờn hơn và nhanh bẩn hơn cũng là một dấu hiệu ban đầu của cứng gan, xơ gan hoặc ung thư gan.
Lớp bề mặt của da người tiết có số lượng lớn lỗ chân lông, chức năng chính của chúng là loại bỏ độc tố và rác thải, thỉnh thoảng lỗ chân lông sẽ thường xuyên bài tiết chất nhờn. Ở những bệnh nhân mắc bệnh gan, do chức năng gan suy giảm nên một lượng lớn chất lipid sẽ được bài tiết ra ngoài qua các nang tóc của da đầu khiến tóc người bệnh có cảm giác nhờn rõ rệt.
Nếu da đầu đột nhiên tiết nhiều dầu hơn, tóc nhanh bết hơn rất nhiều mà không phải do nguyên nhân từ môi trường thì tốt nhất bạn hãy nhanh chóng đi khám gan. Đừng để xơ gan, ung thư gan tìm đến thì hối hận cũng không kịp.
5. Da mặt vàng hoặc nám
Là một cơ quan rất quan trọng trong cơ thể, chức năng chính của gan là loại bỏ độc tố và rác thải và duy trì sức khỏe tốt. Khi gan phát triển những biến đổi bệnh lý, chức năng chuyển hóa và giải độc của chính nó cũng sẽ bị suy giảm.
Cụ thể, gan bị suy giảm chức năng sẽ không kịp chuyển hóa bilirubin, dẫn tới sự tồn đọng bilirubin trong máu quá cao. Lúc này, máu bị quá tải bilirubin sẽ theo các mạch máu phân phối đến khắp cơ thể, gây ra tình trạng vàng da. Điều này sẽ dễ dàng nhìn thấy nhất ở vùng da mặt và mắt.
Chưa kể tới, việc rối loạn giải độc khiến độc tố tích tụ ở gan và theo máu tới các cơ quan khác. Khi chất độc này phân ly đến da mặt, da mặt sẽ xuất hiện nhiều vết nám xấu xí dù bạn ở độ tuổi nào.
6. Chảy máu nướu răng
Chúng ta đều biết rằng, chảy máu chân răng thường là do bệnh răng miệng gây ra. Tuy nhiên thì trên thực tế, một số các bệnh khác cũng có thể gây chảy máu chân răng, phổ biến như bệnh gan.
Chảy máu chân răng dai dẳng xảy ra khi miệng bị tổn thương do giảm prothrombin hoặc fibrinogen, dẫn đến quá trình đông máu kém. Trong khi gan là cơ quan chính đảm nhiệm chức năng sản xuất và phân phối 2 chất này thông qua hệ thống mạch máu.
Ngoài chảy máu miệng và nướu, bệnh gan còn có thể gây chảy máu và bất thường ở các bộ phận khác của cơ thể. Chẳng hạn như chảy máu và sưng khớp, khó cầm máu sau khi bị thương. Vì vậy hãy hết sức chú ý và tốt nhất là nên đi khám bác sĩ nếu như có các dấu hiệu bất thường này.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết