Chúng ta luôn được cảnh báo tránh xa những người có red flag (cờ đỏ), nhưng chính xác thì đâu là những dấu hiệu cho chúng ta thấy điều này?
Red Flag là gì?
Red Flag, hay còn gọi là cờ đỏ, hiểu nôm na là những dấu hiệu cảnh báo rằng có thể có những khuôn mẫu hoặc hành vi không lành mạnh trong các mối quan hệ của bạn. Đặc biệt trong tình yêu, ham muốn và cảm xúc có thể che mờ đi khả năng phán đoán của bạn, khiến bạn khó có thể nhận ra những dấu hiệu cảnh báo. Những dấu hiệu red flag phổ biến nhất chính là hành vi lạm dụng và gây hấn. Tuy nhiên, một số điều khác có thể bị bỏ qua.
Ngày nay, từ “red flag” được dùng trong giao tiếp như một từ lóng của “hãy cẩn thận” hoặc “hãy đề phòng”. Từ này không chỉ được dùng trong tình yêu, mà nó có thể được dùng trong cả các bối cảnh khác như tình bạn, gia đình, công việc hay thậm chí là sức khỏe.
8 red flag trong mối quan hệ
Có những chiếc “cờ đỏ” mà khi nhìn thấy có lẽ bạn cần phải “chạy ngay đi”!
1. Nói dối thường xuyên
Liên tục nhận thấy đối phương không trung thực không phải là một dấu hiệu tốt. Samara Quintero, một nhà tâm lý trị liệu hôn nhân và gia đình cho biết, tất cả chúng ta đều có lúc nói dối, nhưng nếu bạn nhận thấy đối phương liên tục lừa dối hoặc bị bắt quả tang nói dối, thì đó là một dấu hiệu đáng báo động.
Đó có thể là những lời nói dối không đáng kể, chẳng hạn như không trung thực về nơi họ đang đến, hoặc những lời nói dối lớn hơn như việc ngoại tình. Bị lừa dối nhiều lần có thể khiến bạn khó xây dựng nền tảng vững chắc trong mối quan hệ hoặc thậm chí nó có thể phá hủy nền tảng mà bạn đã xây dựng từ trước.
2. Luôn bị đánh giá thấp
Nếu đối phương thường xuyên chỉ trích hoặc hạ thấp bạn, ngay cả khi đó là những cách tinh tế hoặc gây hấn thụ động, điều đó có thể ảnh hưởng đến lòng tự trọng của bạn. Chẳng hạn như “em thật may mắn khi anh vẫn ở bên cạnh vì em sẽ không bao giờ làm tốt hơn được” hay “em đừng cố tỏ ra hài hước, vì nó thật lố bịch!”. Đây là một hình thức lạm dụng tình cảm có thể dẫn đến cảm giác lo lắng và bất an trong mối quan hệ.
Quintero cho rằng, bạn cần phải giải quyết hành vi này với đối phương và nếu họ từ chối chịu trách nhiệm hoặc đổ lỗi cho bạn thì có lẽ đã đến lúc để bạn đánh giá lại mối quan hệ này.
3. Không sẵn sàng thỏa hiệp
Nếu người ấy của bạn không sẵn sàng thỏa hiệp trong cả những vấn đề nhỏ nhặt lẫn những vấn đề lớn hơn, bạn nên lưu ý. Emily Simonian, một nhà tâm lý trị liệu hôn nhân và gia đình cho biết: “Nếu bạn đang trong một mối quan hệ với một người dường như làm mọi thứ trở nên phiến diện, bạn có thể sẽ trở nên thỏa hiệp quá mức và cuối cùng cảm thấy bực bội, tổn thương, hiểu nhầm và không hài lòng”. Trong các mối quan hệ lành mạnh, điều quan trọng là cả hai cần phải xem xét nhu cầu và mong muốn của nhau và sự thỏa hiệp không phải là con đường một chiều.
4. Có xu hướng trốn tránh những cuộc trò chuyện
Một người yêu hay người bạn đời thiếu các kỹ năng cảm xúc hoặc hành vi cần thiết để đối phó với các vấn đề, thay vào đó là chạy trốn khỏi chúng có thể là một red flag. Chẳng hạn như họ có thể bỏ qua cuộc tranh luận mà không nghe bạn nói hoặc phớt lờ bạn trong nhiều ngày khi mọi thứ trở nên leo thang.
Simonian cho biết những người gặp khó khăn trong việc đối mặt với cảm xúc thường có xu hướng nổi giận hoặc né tránh khi mọi việc trở nên căng thẳng. Ngay cả những mối quan hệ lành mạnh cũng sẽ trải qua những giai đoạn khó khăn, vì vậy bạn cần chắc chắn rằng đối tác của mình sẽ giao tiếp hiệu quả với bạn thay vì bỏ chạy khi mọi thứ trở nên căng thẳng.
5. Kiểm soát hành vi và ghen tuông thái quá
Nếu đối phương là một người hay ghen, điều đó có thể dẫn đến hành vi kiểm soát. Ví dụ, họ có thể cảm thấy ghen tị với cuộc sống xã hội bên ngoài của bạn. Một đối tác ghen tuông có thể khiến bạn ngộp thở với những cuộc gọi hoặc tin nhắn quá mức, đồng thời cố gắng kiểm soát những gì bạn làm. Những nỗ lực kiểm soát thường bắt đầu một cách tinh vi nhưng dần dần sẽ tăng cường độ hoặc thường có thể khiến bạn cảm thấy như thế không có gì bạn làm là đủ tốt.
Nếu bạn nhận thấy mình bị ngột ngạt hoặc liên tục phải thay đổi hành vi của bản thân để xoa dịu sự ghen tuông cả đối phương, thì đây có thể là dấu hiệu của những vấn đề lớn hơn sắp xảy ra. Một phân tích tổng hợp năm 2010 cho thấy rằng khi sự ghen tuông trong mối quan hệ gia tăng thì chất lượng mối quan hệ sẽ bị giảm xuống, điều này cho thấy sự ghen tuông có hại có các mối quan hệ lãng mạn.
6. Thiếu giao tiếp cởi mở và lành mạnh
Khi đối phương trở nên hung hăng thụ động, đổ lỗi hoặc thể hiện cảm xúc một cách thái quá, điều đó thể hiện khả năng giao tiếp kém hiệu quả.
Giao tiếp là nền tảng của các mối quan hệ, vì vậy nếu cả hai không thể giao tiếp cởi mở và lành mạnh, mối quan hệ sẽ gặp rắc rối. Một mối quan hệ lành mạnh là nơi an toàn để cả hai nói chuyện cởi mở về cảm xúc mà không sợ bị phán xét hay chỉ trích.
7. Họ không có bạn bè
Nếu người yêu/người bạn đời của bạn không có bất cứ người bạn bè riêng nào, đây có thể là một lá cờ đỏ. Nếu không có bạn bè, họ có thể là người không muốn hoặc không thể tạo và duy trì tình bạn với người khác. Điều này có nghĩa là họ thiếu kỹ năng xã hội, khó gần hoặc có cái nhìn tiêu cực về người khác.
Một vấn đề khác với người không có bạn bè là họ có thể đeo bám hoặc đòi hỏi quá nhiều, nếu không phải là tất cả thời gian của bạn. Họ có thể không hiểu mong muốn của bạn hoặc nhu cầu dành thời gian cho bạn bè của bạn, điều này lâu dần có thể trở thành sự oán giận.
8. Họ không ủng hộ bạn
Sự cam kết và hỗ trợ trong mối quan hệ của bạn và đối phương là điều cần thiết để duy trì sự ổn định và lâu dài. Hóa ra “muốn” mối quan hệ kéo dài là không đủ, mà chúng ta cần tích cực ủng hộ, hỗ trợ đối phương và mối quan hệ này. Nếu đối phương không thể hiện sự ủng hộ dành cho bạn hay mối quan hệ, thì đây có thể là một dấu hiệu cảnh báo. Sự thiếu cam kết có thể gây ra nhiều vấn đề sau đó.
Phải làm gì khi bạn nhận thấy red flag trong mối quan hệ của mình?
Khi nhìn thấy red flag, cách tốt nhất là hãy xử lý nó thật sớm, trung thực và công bằng. Hãy bắt đầu một cuộc đối thoại trung thực với đối phương, bày tỏ sự quan tâm và cảm xúc của bạn và để họ làm điều tương tự.
Hãy ghi nhớ nhu cầu của bạn, giao tiếp rõ ràng và thường xuyên, đồng thời cố gắng kiểm soát cảm xúc của bạn. Điều quan trọng là bạn cần luôn trung thực với bản thân trong suốt quá trình và hãy tìm đến bạn bè, gia đình nếu cần.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết