Đây là 9 cách giúp bạn có thể để não bộ tạm thời nghỉ ngơi và phục hồi.
Cho dù chúng ta học cách thích nghi với sự thay đổi tốt đến đâu, thế giới xung quanh chúng ta vẫn không ngừng phát triển, thay đổi và xoay chuyển. Kết quả là, cùng với tất cả những trải nghiệm tuyệt vời mà cuộc sống mang lại, đôi khi chúng cũng có thể khiến bạn choáng ngợp.
Và cách tốt nhất là thiết lập lại hệ thống của mình. Giống như một chiếc máy tính, bạn cũng có thể học cách thiết lập lại bộ não của mình. Nếu bạn tải quá nhiều thông tin vào não bộ, bạn sẽ có nguy cơ bị “treo máy”. Do đó, bạn dễ bị tổn thương trước nhiều vấn đề sức khỏe tinh thần như trầm cảm hay lo lắng.
Điều cần thiết nhất là làm mọi thứ trong khả năng của bạn để bảo vệ và nuôi dưỡng bộ não của bạn, giống như bạn làm với bất kỳ cơ quan nào khác trong cơ thể cần được chăm sóc và quan tâm. Đây là 9 cách giúp bạn có thể để não bộ tạm thời nghỉ ngơi và phục hồi.
1. Bắt đầu một sở thích
Chỉ làm việc mà không chơi thì có thể dẫn đến kiệt sức. Hãy theo đuổi đam mê của bạn, hoặc ít nhất là thử một điều gì đó mới mẻ để giải trí. Nghiên cứu cho thấy những người có sở thích ít có khả năng mắc các triệu chứng về lo lắng và trầm cảm hơn.
Sở thích có thể mang lại trải nghiệm thú vị, thư giãn, nơi bạn có thể tham gia với tốc độ và trình độ của riêng mình mà không bị phán xét. Ví dụ, đọc sách có thể giúp bạn mở rộng vốn từ vựng, quan điểm và trí tưởng tượng của mình. Trong khi nghệ thuật và đồ thủ công có thể giúp bạn thể hiện cảm xúc một cách tích cực bằng sự sáng tạo, đồng thời xây dựng lòng tự trọng.
2. Hít thở sâu
Các bài tập thở sâu là những cách đơn giản và dễ dàng giúp khởi động lại bộ não của bạn. Tìm một nơi yên tĩnh trong nhà hay bất cứ nơi nào bạn thấy thoải mái, duy trì một tư thế dễ chịu, hít bằng mũi và đếm đến 5 cho phép phổi của bạn được lấp đầy bằng không khí. Sau đó nhẹ nhàng thở ra bằng mũi và đếm đến 5. Lặp lại bài tập thở này thêm vài lần. Bạn có thể tăng hoặc giảm tần suất và thời lượng của bài tập phù hợp với mức độ thoải mái của bạn.
Các bài tập thở sâu được chứng minh là làm giảm huyết áp và giảm căng thẳng. Chúng làm tăng lượng oxy trong cơ thể, kích thích hệ bạch huyết. Do đó, các bài thở sâu cũng có thể thúc đẩy khả năng miễn dịch bằng cách giúp cơ thể giải phóng các độc tố có hại.
3. Vận động cơ thể để tâm trí được nghỉ ngơi
Hầu hết chúng ta đều bận rộn với công việc hoặc việc nhà nên tập thể dục là việc khó có thể sắp xếp thời gian. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy những người tập thể dục thường xuyên ít có khả năng mắc bệnh về tinh thần.
Hơn nữa, tập thể dục cũng giúp giải phóng endorphin trong não làm tăng cảm giác hạnh phúc bên trong bạn.
4. Thực hành chánh niệm
Bạn có thể tìm thấy bình yên sâu thẳm bên trong tâm trí bạn bằng cách thiền. Hãy đóng cửa, đóng rèm và tắt chuông điện thoại. Dành thời gian để tâm trí thiền định. Đặt hai bàn tay mở rộng trên đùi với lòng bàn tay hướng lên trời. Hãy để tâm trí của bạn tập trung vào những gì đang xảy ra và thả lỏng.
Nhắm mắt lại và để tâm trí bạn lang thang qua tất cả những hình ảnh xuất hiện bên trong. Thiền chánh niệm tức là bạn ở đây ngay bây giờ. Và phương pháp này được chứng minh là giúp cải thiện sự tập trung và minh mẫn.
5. Ưu tiên thời gian của bạn
Bạn có thể có rất nhiều việc phải làm, nhưng sẽ có một số thứ quan trọng hơn những thứ khác. Bắt đầu một ngày của bạn với một danh sách những điều bạn cần phải hoàn thành. Và hãy ưu tiên những việc quan trọng nhất và đặt chúng lên hàng đầu, kiểm tra từng nhiệm vụ khi bạn hoàn thành.
Bạn có thể không thể hoàn thành mọi việc trong danh sách, nhưng hãy cố gắng hết sức để hoàn thành những việc quan trọng nhất như tập thể dục, chơi với con cái, dành thời gian cho gia đình, hoàn thành dự án cá nhân…
Bạn chắc chắn sẽ cảm thấy tốt hơn vào cuối ngày và thấy dễ dàng hơn để bộ não được nghỉ ngơi với ít các vấn đề đang chờ bạn xử lý.
6. Rời xa công nghệ
Bằng cách này hay cách khác thì tất cả chúng ta đều đang trở nên phụ thuộc vào công nghệ. Internet làm tăng hiệu quả, năng xuất và khả năng tiếp cận thông tin theo nhiều cách. Tuy nhiên, đồng thời, chúng ta không thực sự kiểm soát lượng thời gian chúng ta trực tuyến. Kết quả là nhiều người thấy mình dành quá nhiều thời gian onine.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng dành quá nhiều thời gian trên mạng có thể dẫn đến chứng mất ngủ, sức khỏe kém, xung đột cá nhân và khó khăn về tài chính. Nếu bạn muốn khởi động lại não bộ của mình, hãy thử sắp xếp thêm một chút thời gian ngừng hoạt động lướt mạng, đặc biệt là trước khi đi ngủ.
7. Giao lưu với người khác
Dù là với đồng nghiệp ở cơ quan hay với những người anh em họ hàng yêu thích, tương tác xã hội là một cách tuyệt với để khởi động lại não bộ của bạn. Con người phần lớn là sinh vật xã hội, chúng ta có xu hướng tụ tập lại với nhau và hình thành các cộng đồng.
Sự cô lập xã hội dường như là một dấu hiệu hoặc triệu chứng cảnh báo các bệnh về sức khỏe tinh thần. Các nghiên cứu chỉ ra rằng những người thường xuyên tương tác xã hội với người khác có tỷ lệ trầm cảm và lo lắng thấp hơn đáng kể so với những người không làm vậy.
8. Trò chuyện với chuyên gia
Chắc chắn rằng gia đình và bạn bè của bạn có thể cung cấp cho bạn nhiều sự hỗ trợ và khuyến khích về mặt tinh thần. Tuy nhiên, phần lớn mối liên hệ về mặt cảm xúc với sức khỏe của bạn đều từ góc độ chủ quan.
Hơn nữa, cuộc sống của những người đó có thể bị ảnh hưởng trực tiếp bởi hành vi và cảm xúc của bạn, khiến họ khó có thể hoàn toàn minh bạch và thẳng thắn.
Từ góc độ khách quan hơn, bạn có thể được hưởng lợi nhiều hơn khi nói chuyện với một chuyên gia sức khỏe tinh thần được đào tạo bài bản và có tâm, người có thể giúp bạn giải quyết bất kỳ vấn đề nào mà bạn có thể cảm thấy đang ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của mình.
Khi bạn giải quyết các vấn đề của mình, tức là bạn đang giải phóng nhiều không gian hơn cho bộ não, giúp nó có thể nghỉ ngơi và khởi động lại.
9. Ngủ đủ giấc
Một giấc ngủ xứng đáng và cần thiết có lẽ là cách tốt nhất để khởi động lại bộ não của bạn. Cuộc sống không phải là một cuộc chạy đua nước rút, mà là một cuộc chạy marathon. Bạn cần phải điều chỉnh tốc độ của mình trên đường đi để không bị hụt hơi trước vạch đích.
Bộ não của bạn là trung tâm xử lý tất cả các cảm xúc và hành vi của bạn, vì vậy bạn cần nó luôn hoạt động với hiệu suất cao nhất. Tương tự như sạc pin, giấc ngủ mang đến cho tâm trí bạn cơ hội để tái tạo năng lượng.
Các chuyên gia y tế khuyên bạn nên ngủ ít nhất 7 giờ mỗi ngày để đạt được hiệu quả tối ưu. Ngủ không đủ giấc có liên quan đến cả sự khởi phát và làm trầm trọng thêm nhiều các triệu chứng về tinh thần, bao gồm trầm cảm, lo âu và rối loạn tâm thần.
Mặc dù bạn có thể có một số dự án đang chờ giải quyết tại nơi làm việc hoặc trách nhiệm ở nhà, nhưng hãy thử kết thúc một ngày bằng các hoạt động thư giãn hơn, ít tác động lên não bộ hơn như nghe nhạc, đọc sách, xem một bộ phim hài trước khi bắt đầu đi ngủ.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết