Triệu chứng hậu COVID-19 có thể xuất hiện từ lúc người bệnh khỏi bệnh và kéo dài trong vòng nửa năm.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đa số người bệnh hồi phục hoàn toàn sau khi mắc COVID-19, nhưng có khoảng từ 10-20% bị tác động lâu dài, biểu hiện ở mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng được gọi là tình trạng hậu COVID-19.
Hội chứng COVID-19 kéo dài là khi một người có các triệu chứng COVID dai dẳng trên 12 tuần kể từ khi được test dương tính hoặc có các triệu chứng như khi đang mắc COVID-19. Tình trạng này có thể xuất hiện đa dạng, bên cạnh đó cùng một lúc hoặc trong khoảng thời gian khác nhau.
Nghiên cứu Quốc tế khái quát về đặc điểm lâm sàng hậu COVID-19 (năm 2021) cho hay, các triệu chứng thường gặp nhất là: Yếu (41%), khó chịu chung (33%), mệt mỏi (58%), đau đầu (44%), suy giảm năng lực tập trung (26%), khó thở (25%), rụng tóc (25%) và chất lượng cuộc sống bị giảm sút khoảng 37% (18,4 đến 59,9%).
Theo nghiên cứu theo dõi người bệnh hậu COVID-19, có từ 33%-76% người bệnh gặp triệu chứng hậu COVID kéo dài ít nhất 6 tháng sau khi khỏi bệnh; 20% người phải tái nhập viện, 80% người bệnh cần theo dõi tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu trong vòng 2 tháng kể từ khi xuất viện.
Để ngăn ngừa di chứng hậu COVID-19 tác động nặng đến sức khỏe, tinh thần, những F0 khỏi bệnh có thể khám sức khỏe tổng quát tại các cơ sở y tế.
Theo khuyến nghị từ chuyên gia Y tế thì các nhóm đối tượng cần đi khám hậu COVID-19 sau 2 – 4 tuần nhiễm bệnh là:
Các trường hợp F0 có bệnh lý nền như tiểu đường, huyết áp, tim mạch, suy giảm miễn dịch, rối chuyển hóa.
Những trường hợp người bệnh 60 tuổi trở lên kể cả có bệnh nền hoặc không.
Người nhập viện do COVID-19 ở mức độ nặng cần phải trợ giúp thở máy, sốt cao.
Những người có xuất hiện triệu chứng như ho kéo dài, khó thở, tức ngực, suy giảm chức năng hô hấp, hạn chế vận động… thì cần phải đi khám hậu COVID-19 càng sớm càng tốt.
Lifehub tổng hợp