Thật ra, điều này rất công bằng!
Vì sao ư? Chúng ta hãy xét từ góc độ lịch sử.
Những người thuộc thế hệ chúng ta thường coi việc dựa hơi bố mẹ là chuyện không công bằng. Chúng ta không làm gì sai, tại sao phải làm nền cho đám con nhà giàu như vậy?
Có lần tham gia tụ họp, tôi nghe đám con nhà giàu thảo luận chuyện đến Mỹ mua đất, một triệu một cánh đồng rẻ quá, tôi tưởng họ đang nhắc đến cánh đồng trong game Nông trại vui vẻ. Tôi hiểu tâm trạng khó chịu khi nói chuyện với đám con nhà giàu. Vì sao họ chỉ nỗ lực như chúng ta, nhưng lại có nhiều cơ hội và mối quan hệ hơn?
Tuy nhiên, tôi phải nói thật rằng. Cạnh tranh không bắt đầu từ thế hệ của chúng ta. Nó đã bắt đầu từ thế hệ trước rồi.
Bố người ta chăm chỉ cố gắng hơn bố chúng ta. Bố người ta quyết đoán hơn bố chúng ta. Bố người ta dám mạo hiểm hơn bố chúng ta. Những năm 80, 90 của thế kỉ XX.
Bố chúng ta còn đang ăn cơm nhà nước, hưởng lương hằng tháng. Bố người ta đã ra ngoài xã hội lập nghiệp, kiên định đến cùng.
Đã nhìn ra sự khác biệt chưa? Sự khác biệt về chất đúng không? Tôi biết, bạn muốn nói là: “Ồ không. Tôi không muốn nghe, tôi không muốn nghe. Chúng ta đều là con nhà nghèo, bạn đừng tùy hứng nữa được không?”
Khi người bạn của tôi mới hơn 2 tuổi, bố cô ấy đã đi Thâm Quyến mở một xưởng may quần áo. Sau đó mẹ cô ấy cũng tới giúp chồng quản lý xưởng may nhỏ kia. Từ đó, trong lòng cô ấy, hình ảnh bố mẹ chỉ là qua những bức ảnh gửi về. Chính xác cũng không hẳn vậy, nhưng mỗi năm cô ấy chỉ được gặp bố mẹ một lần vào dịp năm mới, cảm giác tồn tại ít ỏi như ông già Noel vậy.
Cô ấy lớn lên nhờ sự chăm sóc của bà ngoại. Cô bạn nhỏ này của tôi khá ngốc nghếch, sống với bà ngoại cũng cảm thấy không sao. Sau đó cô ấy đến nhà tôi chơi mới biết một gia đình bình thường nghĩa là con cái ngày nào cũng có thể nhìn thấy bố mẹ. Khi ăn cơm bố mẹ gắp thức ăn cho con. Khi trời lạnh bố mẹ mặc thêm áo ấm cho con. Cô ấy ghi hết những điều nhỏ nhặt đó trong nhật ký, những điều cô ấy chưa bao giờ trải qua.
Cô ấy ầm ĩ muốn đến Thâm Quyến, muốn được gặp bố mẹ. Lần nào bố mẹ cũng nói năm sau sẽ về đón cô ấy.
Mười mấy cái “năm sau” đã qua. Cô ấy sợ cô đơn, sợ ở một mình, luôn bảo chúng tôi đến nhà ngủ cùng. Cô ấy sợ trời mưa, vì không có bố mẹ mang ô tới đón. Cô ấy sợ họp phụ huynh học sinh, vì bà cô ấy nặng tai, mà thầy giáo nói rất khó nghe.
Mãi đến sau này, bố mẹ cô ấy làm ăn buôn bán ổn định, công ty phát triển lớn, thuê thêm giám đốc nghiệp vụ về quản lý, mới đón cô ấy ở cùng. Khi đó cô ấy đã vào đại học rồi. Vì cả tuổi thơ và tuổi thanh xuân đều không ở cùng bố mẹ, tình cảm giữa cô ấy và bố mẹ rất lạnh nhạt.
Dạo trước chúng tôi nói chuyện trên mạng, có tán gẫu về bố mẹ. Tôi than thở mẹ tôi thật quá đáng, tôi mua tặng bà một con chồn, bà cho rằng tôi đang diễn Tuyết sơn phi hồ. Cô ấy bảo, “Thật ngưỡng mộ cậu, quan hệ của cậu với mẹ tốt thật đấy, tớ với bố mẹ không được như thế, tớ chẳng bao giờ đùa giỡn, cũng chẳng bao giờ giận dỗi họ. Đến giờ mỗi khi nói chuyện với bố mẹ, tớ đều dùng từ ngữ lịch sự.”
Bố mẹ cô ấy chỉ hỏi cô ấy có thiếu tiền không? Nếu hết họ sẽ cho thêm. Nửa năm trước cô ấy đến Mỹ sinh con, là một cặp song sinh, bố cô ấy gửi 10 triệu vào tài khoản.
Viết đến đây, tôi muốn nói là, bạn thấy con nhà giàu có tiền, chẳng qua vì bố mẹ họ đã liều mình kiếm tiền, cũng đã hy sinh cả tình thân. Nhưng đang viết đột nhiên tôi lại nghĩ, mối quan hệ chỉ có tiền cũng rất tuyệt. Tôi đang nghĩ gì thế này? Tự vả hai cái mới miễn cưỡng tỉnh táo.
Dù nói thế nào, bọn họ đã rất vất vả phấn đấu cho sự nghiệp của bản thân. Khi làm ăn buôn bán ở Thâm Quyến, bố mẹ cô ấy từng phá sản ba lần, trải qua không ít thăng trầm, thời kỳ nghèo khó nhất họ đã sống dưới chân cầu vượt. Có một năm, vì không kịp quay vòng vốn, bố cô ấy bị hội cho vay nặng lãi thuê người đến đánh, mẹ cô ấy qua một đêm như bạc cả mái đầu.
Trải qua càng nhiều vất vả càng dễ kiếm tiền, sau đó để lại cho con cái, thế có gì là không công bằng? Phải nói là rất công bằng ấy chứ. Bố mẹ chúng ta sống ổn định an nhàn, bố mẹ họ chấp nhận mạo hiểm kiếm tiền. Giờ chúng ta muốn họ giống như mình, vậy mới gọi là không công bằng.
Chúng ta thấy phản cảm, ghét bỏ đám con nhà giàu dựa hơi bố mẹ do chênh lệch giàu nghèo? Không phải như vậy. Điều thật sự khiến chúng ta khó chịu chính là vì sao mình không phải con nhà giàu? Có ai không muốn trở thành Vương Tư Thông chứ?
Chúng ta không ghen tức vì sự bất công, mà bất mãn bản thân không được xếp vào danh sách những kẻ hưởng lợi kia. Nếu nhà nước quy định bắt đầu từ hôm nay, toàn dân phải nịnh nọt bạn vô điều kiện, quy định này có công bằng không?
Không công bằng. Bạn có thích không?
Chính vì sự giàu sang có thể cha truyền con nối, thậm chí cơ hội, mối quan hệ cũng có thể cha truyền con nối, chúng ta mới có cơ hội trở thành “đại gia” để lại phúc đức cho đời sau. Chúng ta không phải con nhà giàu, nhưng con cái chúng ta vẫn có cơ hội trở thành con nhà giàu.
LifeHub