Căn cước công dân không gắn chip là loại Căn cước có mã vạch cấp cho người dân từ năm 2016 – 2020. Đến nay, vẫn có rất nhiều người đang sử dụng loại Căn cước này làm giấy tờ tùy thân. Sau đây là 4 lưu ý quan trọng mà người dùng Căn cước công dân mã vạch cần biết.
Thời hạn sử dụng của Căn cước công dân không gắn chip
Thời hạn sử dụng của Căn cước công dân không gắn chip được quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật Căn cước công dân 2014:
1. Thẻ Căn cước công dân phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.
2. Trường hợp thẻ Căn cước công dân được cấp, đổi, cấp lại trong thời hạn 2 năm trước tuổi quy định tại khoản 1 Điều này thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo.
Theo quy định trên, thẻ Căn cước công dân sẽ hết hạn vào ba mốc tuổi là 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi.
Trường hợp thẻ Căn cước được cấp, đổi, cấp lại trước 2 năm so quy định thì thẻ này sẽ có giá trị sử dụng đến độ tuổi đổi thẻ tiếp theo.
Điểm giống và khác nhau giữa Căn cước công dân không gắn chip và có gắn chip
Điểm giống nhau
Căn cước công dân mã vạch và Căn cước công dân có gắn chip có một số điểm giống nhau như:
– Có giá trị sử dụng như nhau, dùng để chứng minh nhân thân một người;
– Dãy số ở mặt trước của thẻ là mã số định danh cá nhân gồm 12 số tự nhiên;
– Hình dáng, kích thước tương đương;
– Có thời hạn sử dụng giống nhau.
Sự khác biệt giữa Căn cước công dân không gắn chip và có gắn chip
– Về hình thức, thời gian cấp:
Căn cước công dân gắn chip có nhiều công dụng mới vượt trội mà Căn cước mã vạch không có:
+ Khả năng lưu trữ lớn, đồng bộ thông tin với Cơ sở dữ liệu Quốc gia: Con chip ở mặt sau của thẻ Căn cước công dân loại mới là con chip điện tử có khả năng chứa dữ liệu lớn, lưu giữ được rất nhiều thông tin về nhân thân.
Các thông tin này đồng bộ với Cơ sở dữ liệu Quốc gia và được lưu giữ với độ bảo mật cao, chỉ có đầu đọc chip chuyên dụng mới có thể trích xuất thông tin từ con chip này.
+ Tích hợp nhiều loại giấy tờ quan trọng: Hiện nay nước ta đang dần tích hợp Căn cước công dân gắn chip với các giấy tờ cá nhân theo Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư ban hành kèm Quyết định 06/QĐ-TTg.
Đề án này đặt mục tiêu sẽ từng bước thay thế giấy tờ cá nhân trên cơ sở tích hợp giấy tờ cá nhân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để chỉ cần sử dụng Căn cước công dân gắn chip.
Một số giấy tờ quan trọng được triển khai đầu tiên có thể kể đến như: Giấy phép lái xe, thẻ bảo hiểm y tế, giấy chứng nhận tiêm chủng, thẻ cán bộ, công chức, viên chức…
Nhờ việc tích hợp các loại giấy tờ lên thẻ Căn cước công dân gắn chip, việc thực hiện thủ tục hành chính sẽ trở nên thuận tiện hơn.
Trường hợp bắt buộc phải đổi từ Căn cước mã vạch sang Căn cước gắn chip
Điều 21, 23 Luật Căn cước công dân 2014, có 8 trường hợp người sử dụng Căn cước công dân mã vạch phải đổi sang thẻ Căn cước công dân gắn chip:
– Khi đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.
– Thẻ Căn cước bị hư hỏng không sử dụng được;
– Công dân có thay đổi họ, chữ đệm, tên;
– Công dân đã thay đổi đặc điểm nhận dạng;
– Công dân xác định lại giới tính, quê quán;
– Căn cước công dân có sai sót về thông tin;
– Công dân bị mất thẻ Căn cước;
– Công dân được trở lại quốc tịch Việt Nam.
Căn cước mã vạch vẫn còn hạn, có được làm Căn cước gắn chip?
Theo điểm e khoản 1 Điều 23 Luật Căn cước công dân, chỉ cần người dân có yêu cầu thì cơ quan Công an có thẩm quyền sẽ tiếp nhận thông tin để làm thủ tục cấp Căn cước công dân.
Dù Căn cước mã vạch cũ vẫn còn hạn, người dân vẫn được đổi sang Căn cước công dân gắn chip.
Tuy nhiên người đổi thẻ cần cân nhắc thật kỹ bởi việc làm Căn cước mới có thể mất nhiều thời gian chờ đợi.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết