Tỉnh có thu nhập bình quân xếp thứ 55/63 địa phương có GRDP tăng gấp 122 lần sau 30 năm.
Cụ thể, thời gian đầu tái lập tỉnh năm 1991, Lào Cai nằm trong số 6 tỉnh nghèo nhất cả nước, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 36 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người xếp thứ 60/63 tỉnh, thành; 7/10 huyện chưa có điện lưới quốc gia, 138/180 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, 54/180 xã chưa có đường giao thông đến trung tâm; cơ sở hạ tầng và công nghiệp còn kém.
Tuy nhiên, Lào Cai đã có sự đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong 30 năm qua. Giai đoạn 1991-2021, xác định hướng đi đúng đắn, đề ra các chính sách phù hợp, tỉnh Lào Cai đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế.
Cụ thể, quy mô GRDP của tỉnh Lào Cai tăng rõ rệt. Năm 2021, GRDP của tỉnh đạt 62.703 tỷ đồng, tăng gấp gần 20 lần so với năm 1991 (3.198 tỷ đồng). Cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp – công nghiệp – du lịch, dịch vụ chuyển dịch đúng hướng, chú trọng vào công nghiệp và dịch vụ.
Cùng với đó, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh được cải thiện theo thời gian. Tuy nhiên, sau 30 năm phát triển, thu nhập bình quân của tỉnh vẫn luôn nằm trong top dưới của cả nước.
Cụ thể, năm 1991, thu nhập bình quân của tỉnh đạt 60 nghìn đồng/người/tháng, xếp thứ 60/63 địa phương. Đến năm 2021, thu nhập bình quân của tỉnh đạt 2,521 triệu đồng/người/tháng, xếp thứ 55/63 địa phương. Như vậy, thu nhập bình quân của tỉnh tăng 42 lần sau 30 năm.
Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh cũng đã có sự cải thiện rõ rệt. Năm 1991, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đạt 54,8%, đứng thứ 5/63 địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước. Đến năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 14,8%, xếp thứ 9/63 địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước.
Sau 30 năm, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm đi 40%. Trên thực tế, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh luôn nằm trong top 10 địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước trong nhiều năm qua.
Để cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân và giảm tỷ lệ hộ nghèo, Lào Cai đã có định hướng phát triển đúng đắn. Cụ thể, theo UBND tỉnh Lào Cai, trong 30 năm phát triển, tỉnh đã tập trung xây dựng hạ tầng cơ sở để mở ra cơ hội phát triển kinh tế.
Cụ thể, Lào Cai đã hoàn thành cơ bản việc kết nối hệ thống mạng lưới giao thông với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận (như đường sắt, đường sông, đường bộ, đường cao tốc và đang phấn đấu hoàn thành tuyến đường hàng không dân dụng).
Tỉnh đã hoàn thành tuyến cao tốc Hà Nội – Lào Cai và thông xe đưa vào sử dụng, cùng với xây dựng tuyến hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh trở thành hình mẫu hợp tác hiệu quả trong quan hệ hợp tác Việt Nam – Trung Quốc.
Đồng thời, tỉnh thực hiện chiến lược phát triển du lịch được hoạch định đồng bộ, nhất quán, cùng với việc nâng cấp thị xã Sa Pa, xúc tiến đầu tư Cảng hàng không Sa Pa, từng bước đưa nơi đây trở thành vùng động lực tăng trưởng, thu hút nhiều nhà đầu tư lớn, trở thành khu du lịch trọng điểm quốc gia, mang tầm quốc tế.
Cùng với đó, Lào Cai tích cực trong phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế. Đặc biệt, tỉnh tập trung phát triển khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai và cặp cửa khẩu quốc tế Lào Cai (Việt Nam) – Hà Khẩu (Trung Quốc).
Cặp cửa khẩu quốc tế Lào Cai (Việt Nam) – Hà Khẩu (Trung Quốc) nằm trên hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, cửa ngõ quan trọng trung chuyển hàng hóa giữa các nước ASEAN qua cảng biển Việt Nam tới các tỉnh miền Tây Nam của Trung Quốc. Khi phát triển cặp cửa khẩu này sẽ tạo thuận lợi lớn cho hoạt động xuất, nhập khẩu của tỉnh.
Theo UBND tỉnh Lào Cai, từ khi tái lập tỉnh, cửa khẩu quốc tế tỉnh Lào Cai luôn được khai thông và hoạt động liên tục. Qua đó, cửa khẩu quốc tế Lào Cai đã giúp tỉnh sớm xây dựng được trung tâm hành chính, ổn định dân cư, xác định được hướng đi vững chắc cho phát triển kinh tế.
Nhờ vào tập trung vào một số lĩnh vực đột phá như lợi thế về cửa khẩu quốc tế, du lịch và hệ thống logistics với trung tâm, Lào Cai đã có sự phát triển kinh tế vượt bậc trong 30 năm. Theo UBND tỉnh Lào Cai, từ một tỉnh nghèo nhất cả nước, sau 30 năm tái lập tỉnh, kinh tế của tỉnh có sự phát triển rõ rệt.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bình quân giai đoạn 1991-2021 đạt gần 10%/năm. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2021 gần 10 nghìn tỷ đồng (gấp 276 lần so với năm 1991). Bên cạnh đó, GRDP bình quân đầu người tăng gấp 122 lần sau 30 năm nỗ lực phát triển.
Năm 1991, GRDP bình quân của tỉnh đạt khoảng 680 nghìn đồng/người/năm. Đến năm 2021, GRDP bình quân đầu người của tỉnh tăng lên đạt 82,68 triệu đồng/người/năm.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết