Nếu học được 4 điều này sẽ ảnh hưởng tích cực đến cuộc sống về sau.
Có những “nhà giáo không cầm phấn”, đó chính là cha mẹ với con cái trong mỗi gia đình. Gia đình chính là “trường học đầu tiên” và cha mẹ là những người thầy đầu tiên của con. Mỗi lời nói và hành động của họ đều sẽ có ảnh hưởng quan trọng đến việc xây dựng và phát triển tính cách của trẻ.
Khả năng bắt chước của trẻ vô cùng mạnh mẽ. Cha mẹ có thói quen hành vi tốt, trẻ cũng sẽ phát triển thói quen, hành vi tốt và ngược lại. Nhìn vào hành xử của một đứa trẻ, ta có thể thấy một phần văn hóa gia đình đó.
Từ sự đúc kết kinh nghiệm của rất nhiều gia đình có con thi đỗ vào Đại học Bắc Đại – Thanh Hoa – những trường đại học hàng đầu Trung Quốc và châu Á, người ta rút ra kết luận: Thành công của đứa trẻ phần lớn là do giáo dục của cha mẹ từ khi còn nhỏ. Trong đó, khi trẻ ở độ tuổi từ 5-15 tuổi, nếu học được bốn điều này sẽ ảnh hưởng tích cực đến cuộc sống về sau.
Thứ nhất, về bữa ăn
Không khó để thấy hình ảnh cha mẹ đuổi theo con cái, vừa năn nỉ, vừa dọa nạt để đút từng muỗng thức ăn. Nhưng từ khi còn nhỏ, tập để con ăn một mình so với cho ăn, lợi ích hơn rất nhiều. Khi tự xúc ăn, trẻ có thể tự mình phán đoán đã no hay chưa, tự mình học cách nhai kỹ nuốt chậm. Bản thân trong quá trình ăn uống, cũng sẽ học được cách phối hợp tốt hơn giữa đôi tay, miệng, bộ não.
Về thức ăn, dù con thích cũng không nên chiều trẻ cho ăn thịt càng nhiều càng tốt, bởi vì thịt nhiều chất béo, không có lợi cho sự phát triển trí tuệ. Thay vào đó, nên cho trẻ ăn nhiều rau và trái cây hơn, tránh ăn quá nhiều đồ vặt. Trẻ phát triển tốt về thể chất mới có thể có năng lượng để học hành, vui chơi. Nếu không đảm bảo dinh dưỡng, thiếu chất, trẻ bị suy giảm đề kháng, trẻ dễ mắc bệnh, mệt mỏi, thiếu tập trung, ảnh hưởng lớn đến học tập.
Thứ hai, về khía cạnh sức khỏe
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng một giấc ngủ sớm và đều đặn có tác dụng giúp tăng chiều cao cho trẻ. Ngoài ra, trẻ nhỏ ngủ sớm còn nhận được một số lợi ích khác như cải thiện khả năng tập trung, học tập, tăng trí nhớ, thúc đẩy sức khỏe thể chất và tâm lý. Đừng bắt con học ngày học đêm, thay vào đó hãy lên kế hoạch học tập, giải lao hợp lý để trẻ có thể đi ngủ sớm và dậy sớm.
Khuyến khích con tập thể dục để tăng cường sức dẻo dai. Cho con thường xuyên tham gia các hoạt động ngoài trời, hạn chế điện thoại di động, xem TV…
Thứ ba, về khía cạnh nghi thức
Một người có phẩm chất tốt không phải qua một đêm là có thể hình thành. Đây là quá trình tích lũy từ nhỏ bằng cách phát triển thói quen tốt, học cách cư xử, lịch sự. Ví dụ, khi ăn không nói chuyện, miệng không phát ra âm thanh, không cãi nhau; Khi đến nhà người khác làm khách, không thể tùy ý lấy đồ; Khi người ta giúp đỡ phải biết nói cảm ơn.
Không chỉ tay hoặc nhìn chằm chằm vào người khác; Kính trọng người lớn tuổi; Chu đáo và tử tế với người khuyết tật; Hết giấy vệ sinh hãy tự thay cho người dùng sau; Khi có lỗi sai không đổ lỗi cho người khác, hãy tự mình thừa nhận thất bại và lỗi sai; Khi muốn đi qua ai đó hãy đi vòng sau lưng họ; Khi va vào ai phải xin lỗi trước.
Khi muốn mượn đồ hãy xin phép, và đợi người khác đồng ý mới được phép dùng; Thấy đồ rơi trên sàn hãy tự giác nhặt lên; Im lặng lắng nghe khi người khác nói, và nhìn vào mắt họ khi nói…
Đây là những nghi thức cơ bản và là những thói quen tốt trẻ cần hình thành từ khi còn nhỏ.
Thứ tư, trách nhiệm và tính toàn vẹn
Không ít đứa trẻ nghĩ rằng, thế giới phải có trách nhiệm làm mọi thứ cho chúng. Và hệ lụy là một đứa trẻ vô trách nhiệm với bản thân khi lớn lên khó có thể trở thành người có ích cho xã hội.
Nuôi dưỡng ý thức trách nhiệm của trẻ em từ khi còn nhỏ, hãy để trẻ học được những gì chúng có thể phải tự làm. Hãy khuyến khích con biết tự rửa tay, rửa mặt trước khi ăn, tự chuẩn bị áo quần, sách vở để đi học, tự dọn giường ngủ, thu dọn góc học tập, đồ chơi gọn gàng. Trẻ phải làm các việc đó một cách tự nguyện và hiệu quả. Từ đó, trẻ mới hình thành được tinh thần trách nhiệm cho những việc lớn sau này.
Một điều quan trọng khi dạy về trách nhiệm cho trẻ em là chính cha mẹ phải làm gương cho con về việc biết chịu trách nhiệm trước mọi việc. Không bao giờ dạy trẻ những điều mà chính cha mẹ lại không thực hiện được.
Khi giao công việc cho trẻ, cần chú ý không giao những việc vượt quá khả năng của trẻ. Nếu cần, bố mẹ có thể chia nhỏ những công việc lớn thành những việc nhỏ và hướng dẫn trẻ từng cách làm cụ thể.
Một đứa trẻ chỉ trưởng thành khi có trách nhiệm với chính bản thân mình. Rồi sau đó là trách nhiệm với gia đình mình. Trách nhiệm với người thân trong gia đình, và trách nhiệm với cộng đồng mình đang sống để có một xã hội tốt hơn, tử tế hơn.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết