Dành nửa đời người làm lụng, phấn đấu để nuôi nấng con cái, khi bước vào tuổi xế chiều, cha mẹ nên học cách sống cho bản thân mình và để con cái tự lo liệu cuộc sống của chúng.
Cha mẹ là những người thương yêu con cái vô điều kiện. Họ luôn dành những điều tốt đẹp nhất cho con cái mà không mong nhận lại hồi đáp. Nhưng, khi những đứa con cái trưởng thành, cha mẹ cần học cách sống cho bản thân nhiều hơn, bớt can thiệp vào cuộc sống của con cái. Những đứa con đã lớn khôn cần học cách tự lo liệu cuộc sống của bản thân mình, cha mẹ dù thương con tới đâu cũng không nên làm 4 điều này:
Trông cháu, phụ giúp việc nhà cho con
Khi con cái thành gia lập nghiệp, họ bận rộn đi làm và chăm sóc gia đình riêng, họ thường nhờ đến cha mẹ quán xuyến thêm việc nhà hay trông nom các cháu, thay vì thuê dịch vụ. Nhiều bậc cha mẹ cả đời làm lụng vì con, đến tuổi xế chiều lại tiếp tục trở thành “cha mẹ bỉm sữa” một lần nữa, chăm sóc cho cháu nhỏ thay các con.
Ông bà kiêm luôn vai cha mẹ, bận rộn với những công việc như nấu cơm cho gia đình, giáo dục và đưa đón cháu đi học… Việc để ông bà kiêm vai cha mẹ có thể tạo sự thuận tiện cho người lớn, nhưng lại là sự thiệt thòi của trẻ em. Bởi không được cha mẹ trực tiếp giáo dục, những đứa trẻ sẽ thiếu thốn tình cảm, cũng không thấu được nỗi vất vả khi chăm con mà ông bà đã trải qua.
Khi con cái lớn lập gia đình, họ đã thành lập một gia đình mới. Cha mẹ đến nhà con cái cũng như đi thăm họ hàng, không nên “tham công tiếc việc” mà giúp con cái đủ điều. Con cái hiếu thảo, thực sự quan tâm sẽ để cha mẹ được nghỉ ngơi, thay vì làm việc quần quật chỉ vì sự thuận tiện cho bản thân.
Thay con đưa ra quyết định lớn
Khi bước qua tuổi 50, cha mẹ không nên bận tâm đến các việc lớn trong đời của con cái nữa. Các vấn đề quan trọng như hôn nhân, lập nghiệp, an cư lạc nghiệp, việc học hành hay chọn nghề của con cháu, người già chỉ nên hỏi thăm chứ không thể quyết định. Việc giao quyền quyết định cho con cái sẽ giúp chúng trưởng thành, dễ dàng hơn và mâu thuẫn gia đình sẽ không trở nên gay gắt vì khoảng cách thế hệ.
Cha mẹ sinh con, hãy biết buông tay con đúng lúc, để con cái có thể học cách tự lo liệu cuộc sống, trở nên độc lập và có cái nhìn về tương lai xa hơn. Đừng nắm giữ nửa đời sau của con cái, biết cách buông tay mới là tình yêu đích thực.
Bao che lỗi lầm của con
Trong cuộc sống, ai cũng từng lần phạm phải lỗi lầm. Nhưng cách ứng xử của cha mẹ khi con cái làm sai là sẽ có tác động mạnh mẽ đến cuộc đời của đứa trẻ sau này.
Cha mẹ đã va chạm với không ít vấn đề trong cuộc sống và xã hội, tích lũy những bài học cuộc sống quý giá. Cha mẹ cần hiểu rằng sau khi vấp ngã, điều quan trọng là con cái cần biết đứng lên bằng chính đôi chân của mình và vượt qua trở ngại. Vì thế, nếu mãi bao che lỗi lầm, thay con chịu trách nhiệm cho những lần lầm lỡ, chính cha mẹ khiến con của họ mù quáng, không nhận thức được lời lẽ đúng sai mà có thể tiếp tục vấp ngã, mắc những sai lầm cũ.
Tuổi trẻ sẽ trở nên thiếu sót nếu không có trải nghiệm, vấp ngã, dấn thân rồi rút ra những bài học. Nhưng nếu cha mẹ – những người đã trải qua nửa cuộc đời luôn bao bọc, nâng đỡ thì đã vô tình tước đi quyền được trưởng thành, vấp ngã, sự bản lĩnh, tự tin và tầm nhìn của con cũng sẽ bị hao mòn.
Gánh nợ giúp con
Cha mẹ nào cũng thương con, khó đứng yên khi con cái gặp khó khăn, nợ nần. Nhưng các chuyên gia giáo dục cho rằng cha mẹ cần phân biệt rạch ròi giữa sự giúp đỡ và “gánh nợ” thay cho con cái. Khi con cái phát triển sự nghiệp, người làm cha mẹ nên tin tưởng và ủng hộ con. Nhưng khi con làm ăn thua lỗ hay gặp vấn đề tài chính, cha mẹ không nên là người gánh vác thay con.
Một số bậc phụ huynh lớn tuổi vì quá thương con mà dùng hết tài sản, tiền tích luỹ được từ thời đi làm mà trả nợ cho con. Rút cuộc, chỗ dựa cuối cùng của tuổi xế chiều cũng bị tiêu hết, mà những đứa con vẫn mãi mãi “chưa trưởng thành”.
Muốn giúp con vượt qua bế tắc lâu dài, điều cha mẹ nên làm là đưa cho con “cần câu” và hướng dẫn cách sử dụng chiếc cần câu, làm sao để thu về nhiều cá, thay vì tặng cá cho con. Cha mẹ nên động viên để con vượt qua khó khăn, thay vì đứng ra nhận mọi nợ nần về mình. Việc gánh vác nợ nần có thể khiến con mặc nhiên đó là trách nhiệm của cha mẹ. Từ đó, hình thành thái độ ỷ lại, trông chờ vào cha mẹ mỗi khi con cái nợ nần.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết