Trong khi bà mẹ đang loay hoay chọn đồ thì cậu bé đã vô tư lấy nải chuối ở quầy cắt nhỏ, vừa ăn vừa chơi mà không biết mình phải trả tiền trước cho món đồ đó.
Trẻ nhỏ chưa hiểu chuyện vì thế đôi khi có những hành động rất cảm tính, thích là làm mà không cần biết việc đó có ảnh hưởng như thế nào. Thế nên mới có chuyện bố mẹ xấu hổ khi con vô tư lấy đồ của người khác mà chưa được phép hoặc như trường hợp của bà mẹ ở Quảng Châu (Quảng Đông, Trung Quốc) đang gây sốt cộng đồng mạng sau đây.
Cụ thể, khi 2 mẹ con đang mua sắm, cậu bé bỗng kêu đói. Trong khi bà mẹ đang loay hoay chọn đồ thì cậu bé đã vô tư lấy nải chuối ở quầy cắt nhỏ, vừa ăn vừa chơi mà không biết mình phải trả tiền trước cho món đồ đó.
Nhìn thấy con mình mắc lỗi, người mẹ rất tức giận. Nhưng thấy đứa bé sợ hãi nép sau lưng mẹ khi nhận thấy sự khó chịu của nhân viên siêu thị, ngay lập tức, người mẹ ngồi xổm xuống đối mặt rồi nhìn thẳng vào mắt con nói: “Con xin lỗi đi. Chuối này chúng ta chưa mua về nhà, tức vẫn còn là của siêu thị. Con phá đồ của người khác là sai rồi. Ngay cả ở nhà, chuối cũng là để ăn, không phải để phá”. Đứa nhỏ rụt rè cúi đầu xin lỗi nhân viên bán hàng.
Người mẹ nhặt những quả chuối đứa trẻ đã cắt nát bỏ vào giỏ hàng, quay lại và nói với đứa trẻ: “Con đã phạm những lỗi này. Giờ mẹ có thể trả tiền cho hành vi của con, nhưng con phải đền bù bằng cách làm việc nhà”. Sau đó, người mẹ xin lỗi nhân viên siêu thị một lần nữa rồi dắt con tiến đến quầy thanh toán. Có lẽ vẫn chưa hết áy náy, người mẹ còn quay lại cửa hàng mua rất nhiều loại trái cây khác để đền bù.
Cuối cùng, mọi việc cũng ổn thỏa, mọi người xung quanh cũng tản đi nhưng ai nấy đều vô cùng ngưỡng mộ cách xử lý tình huống của người mẹ trẻ. Cô đã giúp con mình nhận ra sai lầm ngay từ khi còn nhỏ và cũng dạy trẻ rằng chúng phải tự gánh chịu hậu quả do lỗi lầm của mình nhưng không làm con quá mất mặt hay sợ hãi.
Nhiều bậc cha mẹ có thể mắng con ngay lập tức sau khi con phạm lỗi, cách làm này thực ra vô ích. Trong trường hợp trên, cách giáo dục của bà mẹ này với vài bước đơn giản còn tốt hơn rất nhiều so với việc đánh đập và mắng mỏ.
Câu chuyện có vẻ đơn giản, nhưng trên thực tế, một số cha mẹ có con nhỏ lại không suy nghĩ được như vậy. Rõ ràng là chính con cái mắc lỗi nhưng họ vẫn đổ lỗi cho người khác.
Trước đây có một chuyện từng gây tranh cãi. Một đứa trẻ đã gây ồn ào trên tàu cao tốc. Hành khách bên cạnh không chịu được nên đã lên tiếng nhắc nhở phụ huynh nhưng còn bị người kia châm chọc: “Cô chưa bao giờ đi tàu cao tốc với trẻ con phải không? Ok, vậy thì tôi tha thứ cho cô”.
Không có trẻ nhỏ hư, chỉ có cha mẹ không giáo dục được
Việc giáo dục trẻ phải bắt đầu từ gia đình. Gia đình chính là trường học đầu tiên của trẻ, cha mẹ chính là người thầy đầu tiên của trẻ và cũng là người thầy sẽ dạy trẻ lâu nhất. Những phẩm chất và thái độ mà trẻ học được từ cha mẹ sẽ có tác động rất lớn đến sự phát triển cả đời của chúng.
Không có trẻ nhỏ hư, chỉ có cha mẹ không giáo dục được. Quả thật trên đời này trẻ con sinh ra như một tờ giấy trắng, chúng có thể trở thành người như thế nào hoàn toàn dựa vào sự giáo dục của cha mẹ.
Nhiều lần, cha mẹ bảo vệ con tới mức mù quáng, họ nhất định không chịu thừa nhận rằng con mình đã làm sai. Còn với người mẹ trên, cô đã giảng giải cho con trai mình đã sai ở đâu, sai như thế nào và cách khắc phục. Như thế, đứa bé sẽ không bị lặp lại lỗi lầm tương tự ở những lần sau.
Để tránh những tình huống rắc rối không đáng có khi đi chợ, đi siêu thị, trung tâm thương mại, cha mẹ cũng nên dạy cho trẻ 1 số bài học ngay từ khi bé:
1. Cho trẻ hiểu khái niệm quyền sở hữu tài sản
Cha mẹ nên cho trẻ hiểu khái niệm quyền sở hữu tài sản trong cuộc sống hàng ngày. Hãy để trẻ dần ý thức được quyền sở hữu và những thứ không thuộc về mình thì phải được sự đồng ý của chủ sở hữu vật phẩm trước khi lấy nó.
Thông thường, trẻ có hành vi tự tiện sử dụng đồ của người khác chưa được phép vì thấy thích hoặc muốn gây sự chú ý. Cha mẹ khi phát hiện nên tìm ra những lý do cụ thể cho việc “ăn cắp” của con. Nếu đứa trẻ thiếu tình yêu, muốn gây sự chú ý, cha mẹ hãy dành thời gian cho con nhiều hơn trong tương lai. Nếu con chỉ lấy vì quá thích, cha mẹ nên nói với con về giới hạn của những mong muốn.
2. Thừa nhận sai lầm của con
Ở nơi công cộng, trẻ nhỏ đôi khi vì hiếu động hoặc không biết mà gây ra những rắc rối cho người khác. Thế nhưng, nhiều bậc cha mẹ lại luôn bênh con mình chằm chặp hoặc một số lại quá cứng nhắc, cho rằng “nhỏ ăn cắp sắt, lớn ăn cắp vàng” và liền tức giận kỷ luật, đánh mắng. Điều này có thể dẫn đến tâm lý nổi loạn của một đứa trẻ. Vì vậy, cha mẹ nên sử dụng thái độ ôn hòa để giảng giải con cái cũng như chủ động nhận lỗi với mọi người.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết