Cơ quan quản lý, các chuyên gia, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này cùng chia sẻ, thảo luận và đóng góp các ý tưởng tăng cường chuyển đổi số trong giáo dục.
Diễn đàn Giáo dục và Triển lãm Học đường 4.0 năm 2022 (EDU 4.0 2022) diễn ra trong hai ngày 25 – 26/11 với chủ đề “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, tạo đột phá trong đổi mới hoạt động giáo dục và đào tạo tại Việt Nam”.
EDU4.0 2022 không chỉ là diễn đàn mở về chuyển đổi số ngành Giáo dục, mà còn đề cập đến câu chuyện thực thi những nhận thức đó trong thực tiễn, làm sao để “đi nhanh, đẩy mạnh”, tạo đột phá trong đổi mới hoạt động giáo dục và đào tạo tại Việt Nam.
Đề cập đến “đầu ra” của quá trình đào tạo là nguồn nhân lực không chỉ được trang bị kiến thức chuyên môn mà còn phải nắm vững các kỹ năng số là báo cáo chuyên đề “Tương lai của việc làm và giáo dục trong nền kinh tế số toàn cầu” do ông Christopher Lee (Aik Sern) – Giám đốc, Tư vấn Quản lý – Chuyển đổi nguồn nhân lực, PwC Việt Nam – trình bày. Qua đó, chia sẻ về những thay đổi toàn diện trên thị trường lao động tương lai, với những vị trí công việc mới, lĩnh vực ngành nghề mới… đặt ra nhiều yêu cầu mới cho việc đào tạo cũng như tâm thế học tập chủ động, học tập suốt đời của mỗi cá nhân.
Tiếp đến là các vấn đề về chuyển đổi số cho giáo dục ở các góc nhìn từ quốc tế và Việt Nam, với Báo cáo về “Chuyển đổi số Giáo dục: Kinh nghiệm quốc tế và lời khuyên cho Việt Nam” do bà Rebecca Ball – Phó tổng lãnh sự, Tham tán Thương mại và đầu tư cấp cao, Cơ quan thương mại và Đầu tư Chính phủ Australia – trình bày; cùng với phần trình bày về “Chuyển đổi số giáo dục Việt Nam: Năng lực số, văn hóa số và tính mở là điều kiện tiên quyết để thành công của diễn giả Lê Trung Nghĩa – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu, Đào tạo và Phát triển Tài nguyên Giáo dục Mở (InOER), Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam (AVU&C).
Để thảo luận sâu về các giải pháp và kinh nghiệm xây dựng môi trường giáo dục 4.0, cũng như sự liên kết giữa Giáo dục và các ngành nghề khác, EDU 4.0 2022 cũng có những phiên Tọa đàm chuyên sâu theo từng chủ đề cụ thể. Qua đó, các chuyên gia không chỉ bàn về thực trạng mà còn đi sâu vào giải pháp, cũng như đưa ra các thông điệp, khuyến nghị về chiến lược, chính sách phát triển ngành Giáo dục cho Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
Cho đến nay, Giải thưởng Công nghệ Giáo dục (EduTech Awards) là giải thưởng chuyên ngành Công nghệ Giáo dục đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam, nhằm ghi nhận, tôn vinh, quảng bá các thương hiệu sản phẩm, giải pháp, nền tảng công nghệ, dịch vụ, nội dung số ứng dụng trong giáo dục và đào tạo tại Việt Nam. EduTech Awards được định vị là một giải thưởng chuyên ngành uy tín, vừa có giá trị định hướng về chuyên môn, vừa góp phần gia tăng hiệu quả truyền thông và kết nối các nguồn lực công nghệ thông tin ưu việt cho chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo trong hoạt động giáo dục và đào tạo tại Việt Nam
Trong năm đầu tiên được tổ chức, giải thưởng sẽ xét chọn trên các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, nền tảng đã được đưa vào sử dụng tại Việt Nam từ 01 năm trở lên. Việc bình chọn dựa trên hệ thống tiêu chí chặt chẽ và cụ thể, như: Công nghệ và Sản phẩm Bản quyền, Bảo mật và An toàn thông tin, Mô hình kinh doanh, Định vị thương hiệu, Khách hàng và Người dùng, Tác động và ý nghĩa xã hội…Các đề cử sẽ phải vượt qua 3 vòng: Vòng Hồ sơ, Vòng Thuyết trình và Phản biện; Vòng Chung tuyển để Hội đồng chuyên gia bình chọn và công nhận Giải thưởng Công nghệ Giáo dục.
Năm 2022, chương trình được triển khai lần đầu tiên, Hội đồng tập trung khuyến khích các mô hình kinh doanh dựa trên sản phẩm, giải pháp, nền tảng, dịch vụ lõi do đơn vị phát triển hơn là các mô hình phân phối, thương mại thuần tuý.
Trong tương lai, giải thưởng sẽ được tổ chức bình chọn hàng năm và là một hoạt động quan trọng nằm trong hệ sinh thái EDU4.0 do BHub Group sáng lập gồm nhiều hoạt động xúc tiến phát triển thị trường công nghệ giáo dục tại Việt Nam bao gồm: Hội nghị, Đối thoại mở, Triển lãm, Tham quan mô hình Trường học 4.0, Kết nối B2B, Giải thưởng Công nghệ Giáo dục,…
Hội đồng Giám khảo gồm các chuyên gia từ các lĩnh vực: Công nghệ Giáo dục, Công nghệ thông tin, Giáo dục,… Các thành viên Hội đồng đã có nhiều năm kinh nghiệm ở các vị trí công tác như: Quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp, đầu tư, xúc tiến hợp tác, truyền thông, tài chính, khởi nghiệp,…
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết