Những câu nói tưởng như bình thường nhưng lại có sức sát thương rất lớn.
Nếu bạn đã có con, hẳn bạn không mấy dễ chịu khi lần đầu nghe đứa trẻ cãi lại bạn bằng ngôn từ sát thương, mang tính thao túng tâm lý. Chính những đứa trẻ này cũng tự bị tổn thương, hoặc không có khả năng giữ bình tĩnh. Ngoài ra, chúng cũng không có những cuộc trò chuyện mang tính xây dựng với cha mẹ.
Bản thân vấn đề cũng cần suy xét từ hai phía. Đôi khi những người làm cha mẹ lỡ nói lời cay đắng, hoặc trách con bằng lời lẽ mâu thuẫn. Mặc dù bố mẹ thường dành cho con cái tình yêu vô điều kiện, nhưng yêu không có nghĩa là luôn cư xử phù hợp. Nếu bạn từng làm tổn thương con, đã đến lúc ngồi xuống nói chuyện và xin lỗi nếu cần.
Đối với những đứa trẻ đang tuổi “tập lớn” và mới bước ra ngoài xã hội (sau 18 tuổi), chúng đối diện với nhiều dạng áp lực khác nhau nên tính cách có phần nổi loạn. Hệ quả là khi tranh cãi với bố mẹ, đứa trẻ có thể dùng nhiều từ ngữ sắc bén như dao cứa. Trước hết, hãy cùng tìm hiểu về khái niệm gaslighting.
Gaslighting là gì?
Gaslighting là một hình thức thao túng tâm lý, trong đó một người dùng hành động, lời nói để khiến đối phương nghi ngờ nhận thức, kinh nghiệm, ký ức hoặc sự hiểu biết của họ. Gaslighting kích thích nhiều năng lượng cảm xúc tiêu cực, và những lời nói thao túng đặc biệt gây tổn thương nếu nó đến từ con cái, hoặc những đứa trẻ mà bạn đang nuôi nấng.
Vậy làm sao để giải quyết tình trạng này? Đầu tiên, bạn cần nhận thức được đâu là hành vi gaslighting, sau đó tìm cách phản ứng phù hợp. Dưới đây là 5 câu nói thao túng tâm lý phổ biến, cùng với giải pháp đi kèm.
“Cái gì? Bố mẹ bị sao vậy? Không hề có chuyện đấy”
Những đứa trẻ thao túng tâm lý thường muốn tìm cách kiểm soát và né tránh các tình huống chúng cảm thấy khó chịu. Chúng bịa ra những câu chuyện với các phiên bản khác nhau, rồi lắp ghép thành câu chuyện hoàn chỉnh và làm mọi cách để thuyết phục bạn rằng bạn sai. Thậm chí chúng sẵn sàng công kích cá nhân (gán ghép cho đối phương một đặc điểm xấu, không liên quan đến cuộc tranh luận) để khiến ta cảm thấy có lỗi.
Cách đáp lại: Bình tĩnh, cứng rắn và cố gắng suy nghĩ lý trí nhất có thể. Hãy thừa nhận cảm xúc của đứa trẻ và cho thấy bạn đang quan tâm đến chúng: “Bố mẹ đã chứng kiến và nghe được câu chuyện, bố mẹ chắc chắn những gì mình nghe được là đúng. Bố mẹ cũng hiểu là con đang nhìn nhận vấn đề theo một góc độ khác”. Tùy vào xung đột, cao trào và cảm xúc của đứa trẻ lúc đó, bạn có thể nói thêm: “Thực tế là mỗi người sẽ có cách nhìn nhận khác nhau. Không sao cả. Quan trọng là bây giờ mình cùng giải quyết vấn đề một cách bình tĩnh, lịch sự, tôn trọng lẫn nhau”.
“Bố mẹ nhạy cảm quá rồi!”
Đây là cụm từ khiến bạn nghi ngờ cảm xúc của mình, bạn nghĩ mình đang làm quá lên và có phần cư xử chưa đúng mực. Đây là một cách thao túng tâm lý phổ biến mà đứa trẻ thường dùng để bác bỏ suy nghĩ của bố mẹ, quy hành động và lời nói của bố mẹ thành sai lầm.
Nhà tâm lý học Jeffrey Bernstein kể về trường hợp mà một nữ khách hàng có cô con gái khá cứng đầu. Con gái từng hét vào mặt cô và bảo cô uống thuốc an thần vì cô đang lo âu, nhạy cảm quá mức. Điều trớ trêu là chính cô bé kia mới là người đang phản ứng một cách gay gắt, mất bình tĩnh.
Cách đáp lại: Bạn có thể nói một cách nhẹ nhàng, “Mẹ xin lỗi vì đúng là lúc nãy mẹ cũng có những cảm xúc hơi mạnh, mẹ cũng là con người và đôi khi mất bình tĩnh một chút. Bây giờ con muốn mẹ nói như thế nào để con thấy thoải mái, bình tĩnh hơn?”.
“Tại bố mẹ nên đời con mới khổ thế này!”
Đây là phương thức đổ lỗi “kinh điển” trong “bộ môn thao túng tâm lý”. Nhiều cha mẹ thường có tâm lý phải cố gắng để con có một cuộc sống tốt, nhưng đôi khi hoàn cảnh không cho phép. Ví dụ đối với một số gia đình eo hẹp tài chính hoặc gặp vấn đề sức khỏe, họ không đủ khả năng cho con học trường tốt hay chăm sóc con chu toàn như gia đình khác, từ đây nỗi mặc cảm bắt đầu lớn dần.
Vì vậy, khi đứa trẻ vô tình xoáy vào nỗi đau này, nỗi mặc cảm bị nhân đôi, bố mẹ tin rằng khó khăn của con đúng là đến từ mình, và nhận hết toàn bộ trách nhiệm. Tuy nhiên, nếu quan sát các gia đình khác, bạn sẽ thấy trở ngại trong cuộc sống đến từ rất nhiều yếu tố không thể kiểm soát nổi, và việc đổ lỗi không thực sự giải quyết vấn đề.
Cách đáp lại: Hãy thử nói, “Bố hy vọng cả nhà mình có thể cùng nhau ngồi xuống, tìm cách giải quyết vấn đề, chứ không phải đổ lỗi cho nhau”. Trả lời theo cách này, bạn phần nào giúp con hiểu ai rồi cũng sẽ mắc sai lầm. Đó là lý do vì sao ta cần liên tục trau dồi mình.
“Bố mẹ làm con bực mình quá đấy”, hay “Tại bố mẹ nên con mới phải lớn tiếng. Không lớn tiếng thì bố mẹ đâu nghe con nói”
Các câu nói này cũng có tính đổ lỗi tương tự như câu trên, mục đích để khiến bố mẹ nhận sai, hoặc chỉ để xả cơn giận chứ không muốn tiếp tục nói chuyện.
Cách trả lời: “Bố mẹ rất sẵn sàng nghe ý kiến của con, con không cần phải hét lên. Bởi vì khi con to tiếng, tức là con đang không tôn trọng đối phương, người ta sẽ không muốn nghe con. Vì thế càng hét to thì ý kiến của mình càng không có sức nặng. Bây giờ con thử nói lại theo một cách nhẹ nhàng hơn nhé?”.
“Bố mẹ lúc nào cũng chuyện bé xé ra to”
Điều quan trọng với bố mẹ, trong mắt người con, lại không quan trọng đến thế. Câu nói này cũng khiến các bậc phụ huynh nghi ngờ cảm xúc và tự hỏi liệu mình có thực sự đang làm quá lên không.
Cách đáp lại: Mục đích của đứa trẻ là muốn bạn nghĩ rằng cảm xúc của bạn là không hợp lý. Bạn có thể phản hồi là: “Mỗi người có một cách cảm nhận khác nhau. Cảm xúc của mẹ khác con không có nghĩa là mẹ sai. Khi nào con học được cách tôn trọng ý kiến của mẹ thì mẹ con mình mới tranh luận văn minh với nhau được”.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết