Bánh tráng phơi sương được xem là tinh hoa ẩm thực ‘riêng có’ của xứ Trảng (Tây Ninh).
Bằng đôi tay khéo léo cùng kinh nghiệm gia truyền trải qua bao thế hệ, những nghệ nhân ở vùng quê Trảng Bàng đã sáng tạo nên chiếc bánh tráng thơm ngon độc đáo, hương vị không trộn lẫn với bất kỳ loại bánh tráng nào.
Theo những người có thâm niên trong nghề kể lại, nghề làm bánh tráng được lưu truyền từ thế kỷ 18, thuở cha ông ở vùng đất Ngũ Quảng, Bình Định vào Tây Ninh khẩn hoang, lập ấp. Buổi đầu sơ khai chỉ đơn giản là những chiếc bánh tráng nhúng và bánh tráng nướng, mãi sau này người dân mới sáng tạo nên bánh tráng phơi sương.
Trảng Bàng thuộc vùng đất “ngày nhiều nắng, đêm lắm sương”. Để có những lớp bánh tráng mịn đẹp, tròn đều, người làm bánh phải tỉ mỉ trong từng công đoạn, từ khâu chọn nguyên liệu cho tới tráng bánh, phơi nắng, phơi sương…
Là món ăn phổ biến của người dân Nam Bộ, bánh tráng phơi sương mang đến hương vị rất riêng mà không nơi nào có được. Để làm ra được những chiếc bánh tráng phơi sương ngon thì quan trọng nhất là việc tuyển chọn nguyên liệu.
Gạo làm bánh phải là gạo mới, gạo ngon và tuyệt đối không được pha trộn với các loại gạo khác. Gạo sau khi lọc hết hạt mốc, loại bỏ tạp chất thì vo sạch ngâm kỹ, thay nước liên tục trong 2 ngày, đợi gạo nhả bớt “nhựa” mới đem xay nhuyễn thành bột.
Bột xay xong mịn như sữa, người ta sẽ thêm lượng muối vừa đủ để tạo vị mặn, giúp bánh dẻo và đậm đà hơn, chứ không thêm đường như các loại bánh tráng thông thường.
Sau khi thu được bột nước sệt, người thợ làm bánh sẽ bắc nồi nước sôi, dùng tấm vải căng kín miệng nồi hấp như cách tráng bánh cuốn vậy. Kỹ thuật tráng bánh phải thật đều tay, múc từng muôi bột dàn đều trên lớp vải mỏng. Bột được làm chín bằng hơi nước. Lúc này, lớp bột bánh mỏng tang, trong vắt và thơm mùi gạo.
Một điểm khác biệt nữa chính là bánh tráng phơi sương được tráng hai lớp bột chồng khít lên nhau. Khi bột chín tới, người thợ sẽ gỡ bánh đặt lên phên tre (vỉ tre) và đem phơi dưới nắng để bánh khô từ từ (người dân địa phương gọi là phơi héo).
Tùy theo thời tiết mà bánh tráng có thể được phơi trong vòng nửa tiếng đến một tiếng. Sau khi phơi nắng, sản phẩm thu về là những chiếc bánh tráng khô được đem nướng bằng vỏ lạc (than đậu phộng) để bánh chín đều, có độ phồng mềm và không bị cháy sém.
Lò nướng bánh tráng được làm khá đơn giản từ cái trã nhôm (nồi đáy tròn dùng để nấu rượu) đặt nghiêng. Công đoạn cực nhất là người thợ nướng bánh phải ngồi nhiều giờ bên trã lửa đỏ rực, nóng rát mặt, nhanh tay xoay trở qua lại để bánh kịp bung nở, chín phồng đều hai mặt mà không bị ngả màu hay làm cho 2 lớp bánh bị bong tróc.
Bánh sau khi nướng được xếp lên giàn và chờ đến 9-10 giờ tối hoặc 2-3 giờ sáng hôm sau để mang đi phơi sương vì trong khoảng thời gian này, sương giăng mờ đất Trảng Bàng. Hơi sương sẽ ngấm từ từ giúp bánh mềm, không đổi màu và không cần nhúng nước trước khi ăn.
Người làm bánh phải thức cùng bánh, canh tới chừng bánh thấm sương vừa đủ mềm thì xếp lại ngay bỏ vào trong bao, lót lá chuối để giữ cho bánh được mềm và xốp. Người có kinh nghiệm thường chỉ phơi bánh trong thời gian ngắn vì nếu phơi lâu, bánh sẽ bị ẩm ướt, ăn không ngon. Nếu chẳng may để không khí lọt vào thì bánh bị cứng và không còn độ dẻo.
Người dân Trảng Bàng luôn nói rằng, sở dĩ bánh tráng nơi đây ngon – độc – lạ hơn những nơi khác bởi nó hội tụ được tất cả tinh hoa của đất trời: từ ánh nắng ban ngày cho tới những hạt sương đêm.
Bánh tráng phơi sương mang hương vị đặc trưng cho món cuốn phổ biến ở Nam Bộ. Hiện trên thị trường có nhiều loại bánh tráng Tây Ninh, trong đó có 2 loại phổ biến hơn cả là bánh tráng nướng phơi sương Trảng Bàng (màu trắng đục, hình bầu dục, kích thước bằng tờ giấy A4, mềm dẻo, bề mặt bánh lấm tấm hạt hoặc lỗ nhỏ bong bóng) và bánh tráng phơi sương huyện Gò Dầu (màu trắng trong, hình bầu dục, kích thước bằng tờ giấy A4, mỏng hơn bánh tráng Trảng Bàng, bề mặt bánh nổi lên vết đan của tre nứa).
Món bánh tráng phơi sương Trảng Bàng góp vị riêng trên mâm tiệc được cuốn cùng thịt heo luộc với các loại rau rừng như quế vị, cóc, rau nhái, lộc vừng, đọt trâm, đọt xoài… trở thành đặc sản trứ danh của vùng đất Tây Ninh. Khi ăn, người ta bóc ra một miếng bánh tráng, trải lên đĩa rồi lần lượt xếp từng loại rau ưa thích, thêm một hai miếng thịt luộc rồi cuộn tròn lại, chấm nước mắm tỏi ớt pha chua ngọt.
Món ăn vô cùng hấp dẫn, lạ miệng và bổ dưỡng với các vị rau rừng rất tốt cho sức khỏe, có mùi vị và hương thơm đặc trưng. Bánh tráng mềm dẻo với lát thịt tươi ngon cùng các vị chua, ngọt, chát, đắng hòa quyện với nước chấm pha chế công phu hoặc mắm chua Tây Ninh tạo nên món ăn tuyệt hảo đầy lôi cuốn.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết