Một cuộc nghiên cứu từ Đại học Uppsala (Thụy Điển) cho thấy, việc sử dụng chăn có trọng lượng làm tăng hơn 30% lượng melatonin – một loại hormone có tác dụng giúp ngủ ngon trong cơ thể.
Cơ thể tăng sản xuất melatonin một cách tự nhiên khi bên ngoài trời chuyển tối, báo hiệu cơ thể đã đến lúc nghỉ ngơi. Theo Washington Post, cuộc nghiên cứu tiến hành trên 26 thanh niên, người trưởng thành khỏe mạnh (15 nam và 11 nữ). Họ được đắp một chiếc chăn có trọng lượng (nặng khoảng 12% trọng lượng cơ thể) trong một giờ trước khi đi ngủ và sau đó là khoảng thời gian ngủ 8 giờ. Trong phiên tiếp theo, những người tham gia được đắp một chiếc chăn nhẹ hơn (chỉ nặng khoảng 2,4% trọng lượng cơ thể của họ).
Các nhà nghiên cứu đã so sánh các mẫu nước bọt của những người này trước khi ngủ và sau khi đắp chăn ngủ, đã thấy “có sự khác biệt đáng kể” về mức độ oxytocin, cortisol… Đặc biệt hơn, họ nhận thấy rằng khi những người được đắp chăn nặng trong một giờ trước khi đi ngủ, nồng độ melatonin trong nước bọt của họ tăng khoảng 32% so với khi họ sử dụng chiếc chăn nhẹ hơn.
Mặc dù cơ thể sản xuất melatonin tự nhiên hàng đêm để khởi động quá trình bắt đầu giấc ngủ, nhưng những người khó ngủ có thể chọn bổ sung melatonin trước khi đi ngủ từ các nguồn bên ngoài, như từ một số loại thực phẩm. Đây là nghiên cứu đầu tiên gợi ý rằng việc sử dụng chăn có trọng lượng có thể dẫn đến việc giải phóng melatonin đáng kể hơn khi đi ngủ, thúc đẩy giấc ngủ ở mức độ sinh lý tích cực.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết