Cháy xe điện là tình huống hết sức nguy hiểm khi loại phương tiện này ngày càng tăng mạnh về số lượng. Để phòng tránh điều đó, một nhóm nhà khoa học đã phát hiện loại chất điện phân mới, giúp ngăn ngừa cháy pin lithium-ion.
Cho đến nay, cháy pin lithium-ion vẫn còn là trường hợp hiếm có, nhưng tổn thất của hiện tượng này khiến nhiều nhà sản xuất xe điện lo ngại. Rất may, nghiên cứu mới nhất tại đại học Stanford, Mỹ có thể làm giảm khả năng cháy bộ phận này. Các nhà khoa học đã phát triển một chất điện phân (mang ion lithium giữa các điện cực) không bắt lửa ngay cả ở nhiệt độ 140 độ F (60 độ C).
Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã thêm một lượng muối lithium (ký hiệu là LiFSI) vào chất điện phân dựa trên polyme. Bước này giúp tăng tỷ lệ trọng lượng của điện phân từ dưới 50% lên đến 63%. LiFSI hoạt động như một “mỏ neo” cho các phân tử dung môi dễ cháy, ngăn chúng bắt lửa. Sự kết hợp này cho phép pin lithium-ion hoạt động ở nhiệt độ cao tới 212 độ F (100 độ C).
Không giống như những nỗ lực khác nhằm tạo ra chất điện phân không bắt lửa, thiết kế dựa trên polyme có thể phù hợp với các thành phần pin lithium-ion hiện có. Điều đó làm giảm chi phí sản xuất và cho phép các nhà sản xuất áp dụng phát minh mới này vào quy trình sản xuất hiện tại.
Theo các nhà khoa học, phát minh kể trên không chỉ có thể làm giảm nguy cơ cháy xe điện mà còn tăng phạm vi hoạt động của chúng. Các nhà sản xuất ô tô thường xuyên phải “đau đầu” ở bước sắp xếp các tế bào pin lithium-ion. Trong khi đó, bước tiến khoa học mới sẽ cho phép các hãng xe đóng gói nhiều pin một cách an toàn, giúp dung lượng cao hơn.
Đặc biệt, muối lithium cũng có thể hữu ích cho điện thoại, máy tính xách tay và các thiết bị di động khác. Nhờ công nghệ này, người tiêu dùng có thể sử dụng các thiết bị lâu hơn trong một lần sạc. Đồng thời, tính an toàn của chúng cũng sẽ được thúc đẩy.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết