20 năm trước, thùng rác vẫn nằm rải rác khắp đường phố Nhật Bản. Tuy nhiên ngay cả khi nó biến mất, đường phố Nhật Bản vẫn luôn sạch sẽ. Lý do đưa ra khiến cả thế giới phải ngả mũ khâm phục.
Khi đặt chân tới Nhật Bản, nhiều du khách chắc hẳn sẽ vô cùng ngạc nhiên khi phải đi tìm mỏi mắt mới tìm ra được một chiếc thùng rác công cộng. Khắp các tuyến phố ở đây, người ta có thể bắt gặp những chiếc máy bán nước tự động bên lề đường và những chỗ để vỏ lon riêng biệt nhưng thùng rác thì không. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là dù không có thùng rác và ít công nhân vệ sinh, thế nhưng quốc gia này lại luôn được xếp vào hàng sạch sẽ nhất thế giới.
Câu trả lời sẽ khiến nhiều người bất ngờ:
1. Hạn chế rủi ro
Trên thực tế, thùng rác mới chỉ biến mất ở quốc gia này khoảng 20 năm trở lại đây, trước đó, nó vẫn xuất hiện ở khắp đường phố Nhật Bản. Tuy nhiên, cuộc tấn công bằng khí sarin ở nhà ga tàu điện ngầm ở Tokyo vào tháng 3 năm 1995 đã dẫn đến việc phần lớn thùng rác công cộng được gỡ bỏ khỏi các thành phố của Nhật Bản. Những kẻ tấn công thuộc giáo phái Aum Shinrikyo đã dùng túi nilon bọc trong giấy báo để tạo cơ chế phát tán khí độc không màu, không mùi. Vụ việc khiến 13 người thiệt mạng và hơn 1.000 người bị thương do tiếp xúc với độc tố hóa học.
Kể từ vụ việc này, người Nhật Bản bắt đầu sợ những vật thể lạ xuất hiện ở ga tàu. Do đó, các thùng rác lần lượt được loại bỏ bởi đây có thể là nơi giấu nhiều loại vũ khí khủng bố. Dần dần, chúng cũng biến mất luôn trên đường phố và các địa điểm công cộng khác.
Thực chất, các động thái tương tự sau khi vụ việc xảy ra đã được nhiều nơi áp dụng như New York và Boston của Mỹ, các thùng rác tạm thời được dỡ bỏ khỏi các đường phố và nhà ga của thành phố để đề phòng và giảm bớt mối lo ngại cho người dân.
2. Ý thức của người dân
Nỗ lực xoa dịu nỗi sợ hãi của người dân là lý do chính khiến thùng rác vẫn chưa hồi sinh trở lại trên đường phố Nhật Bản. Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng lắm đến cuộc sống của người dân cũng như vấn đề về môi trường ở đất nước mặt trời mọc.
Trong văn hóa Nhật Bản, sự sạch sẽ được coi là một biểu hiện của sự tôn trọng và người lớn cũng như trẻ em đều có ý thức cao về việc giữ gìn không gian sạch sẽ. Ngoài ra, do không gian hạn chế, các bãi chôn lấp, xử lý rác nhỏ nên quốc gia này đã thực hiện một số chiến lược để giảm chất thải, dẫn đến lượng chất thải và tái chế trên đầu người chỉ bằng một nửa so với Hoa Kỳ và Vương quốc Anh.
Việc loại bỏ các thùng rác đã buộc người dân phải có những cách xử lý rác sáng tạo hơn. Người Nhật sẽ mang rác trong túi và đợi đến khi về nhà mới vứt đi. Các nhà vệ sinh công cộng ở đây cũng đã loại bỏ khăn giấy, thay thế bằng máy sấy khô hoặc dùng khăn lau tay để có thể tái sử dụng.
Những công dân hút thuốc thường mang theo gạt tàn bỏ túi cá nhân của họ, những người nuôi thú cưng phải vứt phân thú cưng của họ vào nhà vệ sinh. Thậm chí, ở Nhật còn có một linh vật công cộng tên là Mangetsu-man tuần tra trên đường phố để đảm bảo rằng mọi người đang cùng nhau giữ gìn đường phố sạch sẽ, thành phố xanh, sạch, đẹp.
Nhật Bản rất coi trọng việc xử lý rác và luôn nghiêm ngặt với cách họ xử lý rác thải hàng ngày. Trong khi nhiều nơi trên thế giới chỉ phân loại giấy và nhựa, thì Nhật Bản phân loại rác của họ thành nhiều loại khác nhau như chai thủy tinh, lon, chất dễ cháy, không cháy và nhựa. Nếu không làm như vậy, rác của họ có thể không được thu gom.
Thùng rác đang dần quay trở lại với người dân
Mặc dù chúng có thể khó tìm, nhưng vẫn có một số nơi ở Nhật mà bạn có thể tìm thấy thùng rác ở nơi công cộng nếu cần. Với số lượng lớn máy bán hàng tự động nằm rải rác khắp đường phố Nhật Bản, người ta thường thấy một thùng rác nhỏ dành cho việc xử lý nhựa được đặt bên cạnh.
Trong những tháng ấm áp hơn, công viên là địa điểm vui chơi phổ biến và được yêu thích của người dân Nhật Bản. Do đó, thùng rác cũng có thể được tìm thấy ở nhiều công viên công cộng. Hoặc bạn cũng có thể bắt gặp thùng rác tại các cửa hàng tiện lợi địa phương và có thể sử dụng chúng nếu mua thứ gì đó.
Du lịch bùng nổ cũng là một nguyên nhân buộc nhu cầu về việc sử dụng thùng rác quay trở lại xã hội Nhật Bản. “Ô nhiễm du lịch” là một thuật ngữ đề cập đến tác động tiêu cực đến môi trường do hoạt động du lịch gia tăng. Điều này đã buộc chính phủ Nhật Bản phải suy nghĩ lại về cấu trúc xung quanh các thùng rác ở các không gian công cộng, đặc biệt là ở những khu vực đang bùng nổ du lịch.
Có một số cách để đưa thùng rác trở lại đường phố Nhật Bản nhưng vẫn có thể xoa dịu sự lo lắng của người dân, đồng thời hỗ trợ giải quyết những lo ngại về rác thải do lượng khách du lịch tăng đột biến.
Minh bạch là cách được đánh giá cao: Người ta sẽ sử dụng túi nhựa trong suốt bên trong các thùng rác trong suốt. Điều này cho phép người dân và chính quyền có thể nhận biết một cách nhanh chóng những thứ xuất hiện bên trong túi rác. Ngoài ra, việc đặt các thùng rác trong tầm mắt của nhân viên tàu hỏa ở các sân ga giúp đảm bảo rằng bất kỳ hoạt động đáng ngờ nào đang diễn ra đều có thể được phát hiện và xử lý ngay lập tức. Con đường Omotesando đẹp như tranh vẽ ở Tokyo thậm chí còn đang thử nghiệm các thùng rác chống nổ để đưa vào sử dụng trong tương lai.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết