Nhanh chóng đưa ra các phương án giải cứu cháu bé gặp nạn dưới hố sâu, lực lượng cứu hộ đã quyết định thả dây, hướng dẫn cháu bé thực hiện theo hướng dẫn để giải cứu cháu bé an toàn.
Đã hơn một ngày xảy ra vụ việc cháu bé rơi xuống hố móng ép cọc bê tông tại công trường xây dựng Khu đô thị Thăng Long Home Hiệp Phước (thị trấn Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai), dư luận tại địa phương này vẫn xôn xao về cuộc giải cứu ngoạn mục của lực lượng chức năng.
Hiện trường nơi xảy ra vụ việc là khu đất của dự án Khu đô thị Thăng Long Home Hiệp Phước. Khu dự án này nằm cận khu vực đông dân cư ở thị trấn Hiệp Phước, mới đang trong giai đoạn ép cọc nhồi bê tông và hiện công trường không hoạt động. Mặc dù đã được bao bọc bằng tôn, nhưng khu dự án vẫn có đường thông ra khu dân cư bên ngoài, do có nhiều trẻ em trong khu vực vẫn ra vào khu dự án chơi đùa, dẫn đến vụ việc cháu bé L.K.T, 5 tuổi rơi xuống hố cọc nhồi sâu hơn 10m vào chiều ngày 19/12.
Ngày 20/12, anh Tuấn, bố của cháu T. đã đến trụ sở Đội Chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khu vực Nhơn Trạch gửi lời cám ơn các cán bộ, chiến sĩ cứu sống con gái của mình.
Anh Tuấn cho biết, hiện sức khỏe bé T. đã ổn định, cháu chỉ bị xây xát nhẹ và đã được cho xuất viện.
Anh Tuấn kể lại, trưa ngày 19/12, T. cùng chị gái (10 tuổi) và một số bé khác đi chơi trong Khu đô thị Thăng Long Home Hiệp Phước. Khoảng 13 giờ cùng ngày, chị gái không thấy bé T. nên chạy về nhà gọi bố đi tìm. Đến 15 giờ, người quản lý trong công trình phát hiện có chiếc mũ nằm cạnh cái hố cọc, nhìn xuống hố, người này nghe tiếng khóc của trẻ em ở phía dưới. Xác định cháu bé gặp nạn dưới hố sâu, người quản lý đã gọi điện cho cơ quan cứu hộ.
Sau khoảng 20 phút tổ chức cứu nạn, lực lượng cứu hộ của Đội Chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khu vực Nhơn Trạch đưa cháu bé từ hố sâu lên an toàn.
Đại úy Trương Ngũ Hổ (cán bộ Đội Chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khu vực Nhơn Trạch) người trực tiếp cứu hộ cháu bé kể lại: “Khi đến hiện trường, chúng tôi đánh giá hố sâu và hẹp nên không thể xuống hố đưa cháu bé lên được. Còn dùng phương án đào, mở rộng hố thì mất nhiều thời gian, có nhiều yếu tố rủi ro. Chúng tôi đã trò chuyện trấn an cháu bé, giúp cháu bình tĩnh trở lại rồi quyết định dùng phương án thả dây kéo cháu bé lên”.
Theo Đại uý Hổ, khi thả dây xuống hố, hướng dẫn cháu bé choàng dây vào cổ, rồi luồn dây xuống ngực. “Khi xác định cháu đã thực hiện đúng, chúng tôi hướng dẫn bé đưa 2 tay lên bám, giữ chặt dây rồi nhanh chóng kéo lên. Rất may bé đã hợp tác tốt, mọi việc thuận lợi nên bé đã được cứu thoát an toàn” – Đại úy Hổ kể lại.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết