Trưa 6-1, phản hồi với Tuổi Trẻ Online, đại diện truyền thông sàn thương mại Shopee cho biết đã gỡ bỏ ‘thần dược’ Minh Mục Đan đang được lưu hành trên sàn này trước đó.
Minh Mục Đan là một trong những “thần dược” được Tuổi Trẻ phản ánh trong loạt phóng sự điều tra “Lật tẩy thần dược giả, quảng cáo dỏm”. Ngày 5-1, phóng viên Tuổi Trẻ phản ánh thông tin, đến ngày 6-1 sàn thương mại Shopee cho biết đã gỡ bỏ sản phẩm này khỏi sàn thương mại điện tử.
Theo đại diện truyền thông sàn thương mại Shopee, ngay sau khi nhận được thông tin từ báo Tuổi Trẻ, cũng như đối chiếu thông tin từ Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), Shopee đã tiến hành rà soát trên toàn sàn đối với sản phẩm Minh Mục Đan đang được lưu hành trên sàn.
“Hiện tại chúng tôi đã xóa toàn bộ các sản phẩm vi phạm với lý do sản phẩm vi phạm tiêu chuẩn an toàn cho người sử dụng…”, đại diện truyền thông sàn thương mại Shopee cho biết.
Đáng chú ý, nhiều hộp “thuốc” Minh Mục Đan rao bán trên sàn thương mại của Shopee dù có tem chống hàng giả nhưng không ghi nơi sản xuất, số lô thuốc. Phần thông tin giới thiệu trên sàn Shopee ghi: “Minh Mục Đan được các bác sĩ nhãn khoa đầu ngành đánh giá cao…”.
Ngoài ra, “thuốc” Minh Mục Đan được Shopee giới thiệu của nhà thuốc Phúc Sinh Đường ở Thanh Hóa. “Phúc Sinh Đường là cơ sở gia truyền nhiều đời về nghề thuốc tại Thanh Hóa…”, thông tin giới thiệu trên sàn thương mại điện tử của Shopee.
Trả lời Tuổi Trẻ Online, ông Phạm Quốc Khánh (28 tuổi, quê xã Khánh Thượng, huyện Yên Mô, Ninh Bình), giám đốc và là người đại diện pháp luật của Công ty Hebrotek (trụ sở tại Hà Nội), cho biết đơn vị này đã ký hợp đồng với “nhà thuốc” Phúc Sinh Đường để liên kết quảng cáo, truyền thông nhiều sản phẩm, trong đó có “thần dược” Minh Mục Đan.
Tuy nhiên ngày 4-1, kiểm tra tại nhà ông Đặng Văn Phúc (36 tuổi, chủ cơ sở – nhóm thầy thuốc tự nhận bào chế ra nhiều loại “thần dược”), đoàn kiểm tra liên ngành của UBND huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) phát hiện, tạm giữ tang vật 230 hộp thuốc, sản xuất không có giấy phép và ghi nhận phòng khám Phúc Sinh Đường không có giấy phép hoạt động.
Ban đầu ông Phúc cho hay “không biết gì việc quảng cáo “thuốc” Minh Mục Đan trên mạng xã hội”.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền – trưởng phòng thông tin điện tử thuộc Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) – cho biết: “Các quảng cáo thuốc, sản phẩm chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe vi phạm như chưa được cấp phép, sai sự thật… trên mạng đang là một loại hình vi phạm mà cục tập trung xử lý”.
Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử đã và đang đàm phán với các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, YouTube, TikTok… chặn, gỡ các quảng cáo vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, sau khi bị cơ quan chức năng mạnh tay xử lý, một số quảng cáo thuốc chưa được cấp phép lại tái xuất trên YouTube, “thoắt ẩn, thoắt hiện” và tiếp tục lừa đối người bệnh. Bà Huyền cho rằng: “Các tin giả, sai sự thật như rác, không thể xử lý một lần hay chỉ trong một thời gian mà hết ngay được, phải quét liên tục”.
Bà Huyền cho biết thêm, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang xây dựng cơ chế phối hợp với các bộ, ngành liên quan để có biện pháp xử lý tình trạng người nổi tiếng, người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật… tham gia quảng cáo vi phạm. Đồng thời tăng cường các công cụ kỹ thuật để rà soát, phát hiện vi phạm.
“Trong năm 2023, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử tiếp tục tăng cường rà quét, xử lý các vi phạm trên mạng Internet nói chung và vi phạm về quảng cáo nói riêng, tăng cường năng lực của Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam. Theo đó, người dân phát hiện quảng cáo sai sự thật, vi phạm, thông tin giả… có thể phản ánh theo hotline 1800 8108 hoặc gửi ý kiến trực tuyến tại địa chỉ: https://tingia.gov.vn/”.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền (trưởng phòng thông tin điện tử thuộc Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử – Bộ Thông tin và Truyền thông).
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết