Một số cha mẹ có thể cảm thấy bất ngờ khi trẻ em có thể trải nghiệm cảm giác “say nắng” trong khoảng thời gian tiểu học…
Tuy nhiên, thực tế, các chuyên gia cho rằng, điều đó là hoàn toàn bình thường.
Khi nào một đứa trẻ yêu lần đầu tiên?
Các chuyên gia nói rằng, trẻ em thường có mối tình đầu khi chúng 5 hoặc 6 tuổi. “Trẻ nhỏ hơn tập trung tình yêu vào gia đình”, Tiến sĩ Cynthia Langtiw – Trợ lý Giáo sư tại Trường Tâm lý học Chicago (Mỹ) giải thích. Tuy nhiên, khi trẻ vào mẫu giáo hoặc lớp Một, chúng cũng cảm thấy yêu mến các bạn cùng lớp. Bởi, khi đó, trẻ dành nhiều thời gian hơn ở trường và tham gia các hoạt động bên ngoài gia đình.
Nhiều nhà tâm lý học thực sự coi mối tình đầu của trẻ là một cột mốc quan trọng trong những năm phát triển. Đó là bởi vì trẻ được học về sự hấp dẫn, tính riêng tư…
Để nhận biết trẻ đang “cảm nắng” ai đó, cha mẹ có thể dựa vào một số dấu hiệu. Thông thường, trẻ sẽ háo hức chia sẻ tin tức với cha mẹ. Tuy nhiên, Tiến sĩ Kristin Lagattuta – chuyên gia tâm lý học tại Trường Đại học California, Davis (Mỹ) – cho biết, nhiều khả năng trẻ có thể nhút nhát và ngại ngùng.
Trong khi đó, theo bà Lauren Cook-McKay – nhà trị liệu hôn nhân và gia đình, tùy vào độ tuổi của trẻ, cha mẹ có thể nhận ra một số manh mối cho thấy, chúng đang trải qua cảm giác “say nắng”.
Từ 6 đến 9 tuổi
Đây thường là khi trẻ bắt đầu có cảm tình với người khác. Phụ huynh có thể nhận thấy thông qua việc trẻ muốn đi chơi với một người nào đó. Đồng thời, trẻ sẽ thể hiện sự quan tâm đến những sở thích mới. Đó thường là sở thích của người mà trẻ “cảm nắng”.
Cha mẹ cũng sẽ thường nghe con nhắc đến tên của người mình thích trong các cuộc trò chuyện xung quanh trường học và buổi vui chơi.
Từ 10 đến 13 tuổi
Ở độ tuổi này, trẻ bắt đầu bước vào giai đoạn dậy thì. Chuyên gia Cook-McKay cho biết, khi đó, trẻ đang khám phá những thay đổi trên cơ thể và có phản ứng với những người mình thích. “Sự hấp dẫn giới tính và khái niệm hẹn hò đều đang được khám phá ở độ tuổi này”, bà Cook-McKay chia sẻ.
Cha mẹ có thể nhận thấy con mình tìm mọi cách để đi chơi riêng với người mình thích. Đôi khi, trẻ cũng có thể bắt đầu hỏi những câu thú vị, như: Điều gì xảy ra vào buổi hẹn hò, nụ hôn đầu tiên của cha mẹ là khi nào… Nhìn chung, trẻ sẽ tò mò về mối quan hệ và ý nghĩa của việc hẹn hò với ai đó.
Từ 13 đến 15 tuổi
Trong những năm thiếu niên, trẻ em có nhiều mối quan hệ mới hơn, đặc biệt là trên mạng xã hội. Trẻ sẽ tiếp tục đặt câu hỏi về các mối quan hệ và có thể bắt đầu đi chơi với một nhóm bạn. Chuyên gia Cook-McKay cho biết, cha mẹ có thể sẽ thấy rằng, trẻ muốn trông thật hấp dẫn và quyến rũ trước mặt người mình thích.
Làm gì khi trẻ có mối tình đầu?
Khi đã xác định rằng trẻ đang “phải lòng” một ai đó, cha mẹ có thể quyết định mình sẽ làm gì. Bà Cook-McKay gợi ý: “Khi trẻ lấy hết can đảm để thực sự đề cập đến người mình thích, thay vì tỏ ra phòng thủ với tư cách là cha mẹ, phụ huynh hãy tỏ ra quan tâm và ủng hộ”.
Ngoài ra, phụ huynh hãy cho trẻ thấy rằng, mình cũng quan tâm đến chuyện của con. Hãy hỏi xem trẻ thích gì ở người mà con đang cảm nắng, liệu các con có hòa đồng trong lớp không? Song, cha mẹ không nên bắt con phải hành động theo ý thích của mình. Thay vào đó, hãy để trẻ tự khám phá cảm xúc. Cha mẹ chỉ cần ở đó để hướng dẫn và hỗ trợ trẻ trong các quyết định của mình.
Trò chuyện về tình yêu thời thơ ấu một cách tình cờ
Một số phụ huynh có xu hướng tránh né hoàn toàn việc nói tới người trẻ thích. Tuy nhiên, chiến thuật tốt nhất là không nên thúc ép trẻ. Thay vào đó, hãy bắt đầu bằng những câu hỏi chung chung và làm theo sự dẫn dắt của trẻ. Nhiều phụ huynh băn khoăn về việc: Làm thế nào để có thể tìm hiểu những gì đang xảy ra nếu trẻ không nói về chủ đề đó?
Tiến sĩ Langtiw gợi ý, trong trường hợp này, cha mẹ có thể nói: “Cha mẹ biết là, gần đây con đã đi chơi với Violet. Con có cảm thấy khác biệt khi ở bên bạn ấy không?”. Phụ huynh lưu ý, không nên cười khúc khích trước những gì trẻ nói. Cha mẹ cũng không nên gạt bỏ cảm xúc của trẻ. Bởi, phụ huynh cần khiến trẻ cảm thấy thoải mái để có thể mở lòng chia sẻ.
Sau khi khám phá những gì trẻ đang trải qua, cha mẹ hãy hỏi xem, con có nghĩ rằng, người ấy cũng cảm thấy như vậy về con không. Nếu câu trả lời là không, hãy giải thích rằng, điều quan trọng là phải tôn trọng cảm xúc của người khác.
Cha mẹ có thể nói với trẻ những câu như: “Mẹ biết con thích Josh. Tuy nhiên, con không nên cố gắng làm cho bạn ấy thích con. Bởi, bạn ấy có thể cảm thấy không thoải mái và đó không phải là cách những người bạn thực sự đối xử với nhau”.
Đặt ranh giới
Mặc dù, tình cảm thời thơ ấu hiếm khi vượt quá việc viết nhật ký hoặc chơi đùa với nhau vào giờ ra chơi, nhưng một số trẻ có thể muốn nắm tay hoặc hôn má. Các chuyên gia thường đồng ý rằng, những hành vi thể chất đó không liên quan gì đến tình dục ở độ tuổi này.
Bà Lisa Spiegel – đồng sáng lập của Tổ chức Soho Parenting tại thành phố New York (Mỹ) – cho biết: “Trẻ em chỉ mới bắt đầu trên con đường làm quen với tình yêu, cảm xúc thể xác và sự kết nối. Tuy nhiên, thật thông minh khi nói về ranh giới”. Trong khi đó, theo Tiến sĩ Langtiw, cha mẹ có thể nói với con mình rằng, việc trẻ chơi cùng nhau ở trường thì được. Tuy nhiên, con không được hôn nhau.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết