Năm Quý Mão 2023, liệu người ta còn kiêng quét nhà trong ngày Tết?
Tết cổ truyền xưa có nhiều phong tục kiêng kỵ vào những ngày đầu năm, chẳng hạn như kiêng quét nhà, hót rác hoặc xin nước, xin lửa. Những tục ấy đã từng được tin rằng “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, vậy nay có còn ý nghĩa trong Tết của cuộc sống hiện đại nữa không?
Tục xưa – Quét nhà ngày Tết, quét luôn tài lộc
Trong cuốn Hội hè lễ Tết của người Việt, Nguyễn Văn Huyên có nói đến tục kiêng quét nhà trong ngày Tết như sau: “Ở khắp nước, từ nông thôn đến thành thị, mọi người đều có vẻ bảnh bao. Mọi người chọn giờ xuất hành và hướng phải đi đầu tiên để có thể gặp trên đường các thần tài thần lộc. Mọi người tránh nói những lời gở, vì sợ trong năm sẽ chịu ảnh hưởng tai hại. Mọi người còn kiêng quét nhà lúc đầu năm, vì sợ tài lộc cùng với rác rưởi rời khỏi nhà”.
Còn trong Người Sài Gòn – Chợ Lớn ăn Tết trong Nam Bộ xưa và nay, nhà văn Sơn Nam cũng có đề cập đến tục này: “Không ai dám quét nhà trong những ngày này, dù thềm đầy xác pháo, hột dưa, vỏ bánh… Thà để căn nhà mất vệ sinh, còn hơn là quét hết lộc ra. Đầu năm, và chỉ độc nhất dịp này, rác có giá trị như… vàng là vậy”.
Theo quan niệm dân gian, người ta không chỉ kiêng quét nhà mà còn không đổ rác vì nguyên cớ do một câu chuyện trong Sưu thần ký ghi lại. Chuyện kể rằng, xưa kia có một người lái buôn tên Âu Minh đi qua hồ Thanh Thảo. Được duyên gặp mặt Thuỷ Thần và cho một người làm tên là Như Nguyệt.
Từ ngày Như Nguyệt về nhà, công việc buôn bán, làm ăn của Âu Minh phất lên “như diều gặp gió”, làm đâu thắng đó, thu về được nhiều tiền bạc. Số là trong một dịp Tết, Như Nguyệt làm sai và bị Âu Minh đánh. Quá sợ hãi, Như Nguyệt chui vào đống rác góc nhà và biến mất, chẳng tìm thấy nữa. Sau sự tình ấy, Như Nguyệt không còn, công việc làm ăn của Âu Minh liên tục đổ bể, thua lỗ và trở nên nghèo khó.
Cho nên, người đời sau cho rằng Như Nguyệt chính là Tài thần trong nhà, nên có tục thờ từ đó. Đây cũng là một trong những lý do người phương Đông kiêng quét nhà 3 ngày Tết. Người ta cho rằng, Như Nguyệt – Tài thần trốn trong đống rác góc nhà, quét rác đi trong ngày Tết là đổ bỏ lộc ra khỏi nhà.
Như vậy, trong tục cũ, người xưa vẫn tin rằng những ngày đầu tiên của năm mới, dù nhiều rác hay ít rác, người ta vẫn kiêng thực hiện hành động quét. Bởi dù quét đi cái gì chăng nữa thì cũng là quét từ trong nhà mình ra. Phải chăng điều đó khiến ông bà xưa kiêng kỵ quét nhà, hót rác ngày Tết?
Ngày nay, tục kiêng kỵ này đã có dấu hiệu phai mờ
Người ta vẫn quét nhà, nhưng dồn vào một góc. Sau vài này Tết mới đổ rác đi. Trên thực tế, hiện nay không còn đầy những xác pháo hồng như xưa, hạt dưa hay vỏ kẹo cũng được mọi người bỏ gọn ngay từ đầu. Nên việc quét nhà hay đổ rác không còn quá câu nệ nữa.
Ngày Tết, là lúc mọi người nghỉ ngơi, đến công nhân vệ sinh cũng nghỉ Tết, ai nấy mải mê đi chúc Tết, du xuân nên việc quét nhà, đổ rác chẳng còn “mặn mà” lắm.
Đúng là buổi sáng đầu tiên linh thiêng của một năm mới, người ta còn đang mải hít thở đầy lồng ngực khí trời đặc biệt ấy, còn ai nghĩ đến việc quét cái gì ra khỏi nhà mình. Quét nhà là việc thực hiện quanh năm, lúc nào cũng cần giữ gìn không gian sống sạch sẽ.
Nhưng có lẽ, việc kiêng quét nhà ngày Tết, khi những đoá hoa đào rụng xuống sân, những vỏ kẹọ đủ màu sắc lấp lánh ấy khiến cho ngôi nhà thêm ấm cúng và rực rỡ, người ta chẳng nỡ quét chúng đi, chỉ để vui cửa vui nhà.
Nhiều nhà bây giờ chỉ kiêng mùng 1, quét gọn và tấp vào góc. Nhưng tục kiêng quét nhà trong Tết nay cũng phụ thuộc vào quan niệm và tín ngưỡng của từng người. Nếu niềm tin ấy giúp họ cảm thấy yên tâm và thoải mái thì không quét nhà trong ba ngày Tết cũng chẳng sao. Điều này cũng không có gì gọi là mê tín.
Đối với những người thích nhà cửa sạch bong kin kít để đón khách đến thăm nhà được tinh tươm, đẹp đẽ thì họ cũng quét dọn cho phòng khách gọn gàng. Bởi vì, đối với họ, việc tài lộc có tụ hay không, không nằm ở việc quét nhà vào ngày Tết nữa.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết