Dọn bàn thờ cuối năm thế nào là đúng cách, nên tiến hành vào những khoảng thời gian nào trước Tết Nguyên đán là băn khoăn của nhiều người.
Trong các hoạt động chuẩn bị Tết Nguyên đán, việc lau dọn bàn thờ cuối năm vô cùng quan trọng đối với đời sống tâm linh. Chính vì vậy nên rất nhiều người băn khoăn về việc nên dọn bàn thờ cuối năm thế nào cho đúng.
Dọn bàn thờ cuối năm, thời điểm nào thích hợp?
Có một số thời điểm thích hợp để bạn tiến hành dọn bàn thờ cuối năm, tùy theo điều kiện về thời gian của mỗi gia đình.
Ngày 23 tháng Chạp : Lễ cúng tiễn ông Công ông Táo chầu trời bắt đầu chuỗi nghi lễ thờ cúng cuối năm Âm lịch nên cũng phù hợp để các gia đình lau dọn bàn thờ. Thường công việc này được thực hiện vào buổi sáng 23 tháng Chạp, nhằm chuẩn bị cho lễ cúng Táo quân.
Trước lễ cúng Tất niên : Rất nhiều gia đình vì quá bận nên không có thời gian để làm công việc lau dọn bàn thờ kịp cúng tiễn ông Công ông Táo. Trong trường hợp này, bạn có thể chọn làm trong các ngày sau đó. Quan trọng là bạn dành cho công việc này sự trang trọng, cẩn thận, chu đáo, tóm lại là thành tâm. Bạn có thể lau dọn bàn thờ vào các ngày sau 23 tháng Chạp, miễn là khi tiến hành cúng Tất niên thì bàn thờ đã được lau dọn sạch sẽ, bày biện đầy đủ.
Các bước lau dọn bàn thờ cuối năm
Người làm công việc này cần tắm rửa sạch sẽ trước khi bắt đầu. Hãy thắp một nén hương thông báo với thần linh và gia tiên để xin phép lau dọn bàn thờ chuẩn bị tiễn năm cũ, đón năm mới (có hoa tươi và trái cây làm lễ vật thì càng tốt).
Bài khấn xin phép lau dọn bàn thờ
Nam mô A Di Đà Phật (3 lần)
Tín chủ tên là… ngụ tại…
Hôm nay ngày… tháng… năm… Tín chủ xét thấy bản thân mình chưa chu toàn nên để hương án bị bụi, xin thành tâm sám hối. Tín chủ xin kính cáo với các chư vị (tùy theo bàn thờ đó thờ thần linh, hộ pháp, hay gia tiên…), chọn được ngày lành tháng tốt hôm nay xin cho phép được sái tịnh để cho bàn thờ được trang nghiêm thanh tịnh, kính mong các chư vị chứng minh và gia hộ. Mong các vị độ cho con lau dọn được khang trang mỹ hảo, cho hương án được an chính vị, cho âm phần được an yên, cho gia cư được lạc thổ.
Chúng con người trần mắt thịt, tội lỗi đầy thân, chỉ biết kính cẩn tâm thành nếu có gì si mê lầm lỡ kính xin được tha thứ bỏ quá đại xá cho. (Xong vái 3 vái) .
Trình tự lau dọn bàn thờ
Sau khi hương tàn, bạn bắt đầu lau từ trên cao xuống thấp, khi lau các bức tượng thì nên dùng khăn mềm để tránh xước hoặc bay màu sơn. Tượng bằng đồng không nên lau rửa bằng rượu, cồn hoặc hóa chất để tránh bị ô xy hóa, han rỉ thành màu xanh hoặc nhanh bị xỉn.
Bỏ hoặc thay hoa đã héo, tàn. Thay nước ở các bình hoa và nước cúng; thay chum gạo muối (nếu có).
Sau khi lau dọn xong là công đoạn đặt lại đồ thờ lên ban thờ), thắp hương khấn xin thỉnh thần linh, gia tiên trở về, báo cáo là tín chủ đã xong việc.
Lưu ý khi lau dọn bàn thờ cuối năm
Khi lau dọn bàn thờ cuối năm, bạn cần nhớ các nguyên tắc sau:
Tránh làm đổ vỡ : Việc làm vỡ những đồ thờ cúng được đặt trên bàn thờ luôn bị coi là kiêng kỵ. Việc giữ gìn chúng cẩn thận thể hiện sự trang nghiêm, thành kính của con cháu đối với gia tiên, thần linh, vì thế việc gây đổ vỡ dẫn đến lo ngại, bất an về sự xuất hiện điều kém may mắn.
Tránh xê dịch bát hương : Trong tâm linh người Việt, bát hương rất linh thiêng, là nơi hội tụ tâm thức, sợi dây vô hình liên kết cõi trần với cõi âm; việ di chuyển bát hương tùy tiện có thể làm đứt sợi dây liên kết ấy, khiến lòng thành không được chứng giám, dẫn đến điều không hay. Dân gian còn cho rằng bát hương bị di chuyển tức là bị “động”, hoặc có thể bị chuyển sang hướng xấu. Để giữ bát hương cố định trong quá trình lau dọn bàn thờ cuối năm, nên dùng một tay giữ, tay còn lại dùng khăn lau. Trường hợp vân phải xê dịch thì nên khấn xin, sau đó đưa bát hương về lại vị trí ban đầu. Đối với các bức tượng cũng như vậy.
Không bỏ hết chân hương hay dốc hết tro : Theo quan niệm phong thủy, việc rút hết chân hương rồi đổ hết tro ra ngoài vừa làm xê dịch bát hương, vừa gây “tán tài”. Cách làm đúng là một tay giữ bát hương, một tay nhẹ nhàng rút các chân hương để không làm tung tóe tro. Để lại một ít chân hương theo số lẻ, như 3, 5, 7, 9 chân hương.
Nên dùng khăn, vải mới, chổi chuyên dụng : Điều này thể hiện sự trân trọng, thành kính đối với thần linh, tổ tiên khi lau dọn bàn thờ cuối năm. Không sử dụng khăn, vải, chổi đã qua sử dụng hoặc dùng cho các việc dọn dẹp hằng ngày vì chúng mang nhiều uế tạp, không đảm bảo sự tôn nghiêm cho nơi thờ cúng.
Dùng nước sạch, nước thảo dược để lau : Cũng với lý do bảo đảm sự tôn nghiêm, thanh tịnh, bạn cần lau dọn bàn thờ bằng nước sạch đã đun sôi để nguội, nếu cẩn thận có thể dùng rượu trắng với gừng giã nhuyễn, hoặc nước đun từ 5 loại thảo dược (quế, hồi, gỗ vang, đinh hương, bạch đàn). Khi lau rửa bài vị của tổ tiên thì phải dùng nước ấm, không được dùng nước lạnh.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết