Cha mẹ cần nắm rõ nguyên nhân khiến con mình học kém để từ đó có biện pháp khắc phục phù hợp.
Là cha mẹ, ai cũng mong con mình thông minh, học giỏi và đạt được những kỳ vọng đã đặt ra. Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào khi sinh ra cũng làm được điều này, thậm chí trẻ còn học kém, tiếp thu chậm và luôn bị cô giáo chê trách. Dưới đây là những nguyên nhân khiến trẻ học kém mà cha mẹ cần nắm rõ, từ đó có phương pháp khắc phục hợp lý.
1. Chưa có ý thức trong học tập: Trẻ nhỏ luôn hiếu động và rất ít tự giác trong việc học, nhất là những trẻ mới lên lớp 1. Điều này có thể do trẻ ham chơi, chưa quen với môi trường học tập mới, mất tập trung hay không nhớ phải làm bài tập về nhà. Điều này dẫn đến việc trẻ xao nhãng và khiến kết quả học tập kém.
2. Tư duy của trẻ chưa tốt: Một số trẻ tư duy chưa tốt dẫn đến khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức, đặc biệt là những môn học có tính suy luận, logic như: Toán học, hóa học, vật lý… Lý do có thể là môn học đó quá khó khiến trẻ cảm thấy buồn chán, dẫn đến học kém.
3. Phương pháp giáo dục chưa phù hợp: Nhiều trẻ học kém có thể xuất phát từ phía thầy cô giáo. Đó có thể là chuyên môn chưa vững, thái độ hay tốc độ giảng bài quá nhanh cũng ảnh hưởng đến sự tiếp thu và ghi nhớ của trẻ. Đây chính là một trong những nguyên nhân trẻ học kém phổ biến.
4. Cha mẹ chưa sát sao đến việc học của trẻ: Nhiều cha mẹ vì bận rộn công việc mà không quan tâm đến chuyện học hành của con. Cha mẹ mặc con cho nhà trường và thầy cô, hoặc quá nuông chiều đã khiến con lơ là và không chịu nghe lời. Quá trình này kéo dài sẽ khiến kết quả học tập của trẻ sa sút, kém hơn so với các bạn.
Trong các nguyên nhân trên, điều số 4 – Cha mẹ chưa sát sao đến việc học của trẻ là tình trạng phổ biến diễn ra trong xã hội. Bởi do công việc bận rộn nên không ít ông bố bà mẹ thiếu sự quan tâm đến quá trình học tập của con. Nếu cha mẹ không kịp thời điều chỉnh sẽ để lại hối hận vào sau này.
Vì sao phụ huynh chưa sát sao việc học của con lại gây hậu quả nghiêm trọng?
Sự lơ là, thiếu quan tâm của cha mẹ trong việc học tập của con có thể khiến trẻ nảy sinh sự coi thường giáo dục. Trẻ sẽ nghĩ rằng việc học là việc thầy cô hỗ trợ, cha mẹ không có trách nhiệm trong đó. Đến khi cha mẹ nhắc nhở trẻ hoàn thành bài tập, trẻ không để tâm và không thực hiện.
Sự thiếu quan tâm của cha mẹ có thể làm suy giảm khả năng học tập của trẻ. Bởi thời gian trẻ tự học ở nhà và vào các ngày nghỉ dài hơn rất nhiều so với thời gian học trên trường. Vì thế, dù một học sinh thông minh, có khả năng học tốt nhưng thiếu ý thức tự giác cũng khó trở nên ưu tú.
Sự lơ là của cha mẹ cũng khiến việc học của con trở nên vất vả hơn. Vốn dĩ chỉ cần cha mẹ hướng dẫn, giảng giải, trẻ sẽ tiếp thu bài nhanh chóng. Nhưng nếu cha mẹ không quan tâm thì trẻ sẽ loay hoay không biết phải làm sao trước một bài toán hóc búa hay một đề văn khó.
Thế nhưng thấy con không hoàn thành bài tập, nhiều ông bố bà mẹ lại áp dụng hình phạt nghiêm khắc dành cho con như: Quát mắng, đánh đòn, cấm đi chơi,… mà không hiểu nguyên nhân khiến con không chịu học. Dần dần, đứa trẻ sẽ chán học, cảm thấy học tập tẻ nhạt, vô ích. Nguy hại hơn là mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái ngày càng xa cách.
Vì vậy, trong nhiều trường hợp, hành vi nổi loạn và chống đối của trẻ không phải do lỗi của giáo viên mà hoàn toàn do phụ huynh không có khả năng dạy dỗ. Cha mẹ thiếu phương pháp giáo dục đúng cách ngay từ đầu khiến đứa trẻ càng lớn càng đi chệch đường.
Tóm lại, cha mẹ nên quan tâm sát sao đến việc học của con ngay từ khi con còn nhỏ. Hãy dành thời gian hướng dẫn con học mỗi ngày. Còn khi trẻ lớn hơn, cha mẹ có thể nhắc nhở con hoàn thành bài tập mà không cần ngồi bên cạnh kèm cặp.
Trong quá trình dạy con học, cha mẹ cũng cần giữ sự bình tĩnh, tránh nóng giận rồi quát mắng con. Bởi điều này ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển tâm lý của trẻ. Trẻ mắc lỗi sai là điều không tránh khỏi trong quá trình làm bài. Cha mẹ cũng nên tự soi xét lại bản thân về việc học của mình khi còn nhỏ để lấy lại sự bình tĩnh tiếp tục dạy trẻ. Chỉ khi cha mẹ kiên nhẫn giảng dạy theo cách khoa học, trẻ mới có sự tiến bộ trong học tập.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết